Long Hải là một thị trấn thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Long Hải được nhiều người biết đến nhờ có bãi biển nên thơ, sóng nhẹ, là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời và còn hấp dẫn bởi dinh Cô và lâu đài chú Hỏa với nhiều huyền thoại.
Nhiều người đi Long Hải nhắm vào điểm đến chính là Dinh Cô. Dinh Cô được xây dựng kiên cố, áp sát chân núi Minh Đạm, trên một diện tích hơn 1.000 mét vuông. Cổng tam quan vào Dinh Cô nằm bên chân mũi Thùy Vân với ba lớp mái, mái giữa nhô cao. Phía trên lớp mái giữa đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hai lớp mái hai bên đắp nổi hình chim phượng. Hai bên cổng có cặp sư tử chầu. Qua cổng tam quan là 37 bậc cấp đưa khách vào chánh điện.
Bên trong chánh điện có 7 áng thờ, áng giữa thờ Bà Cô với bức tượng Bà Cô cao hơn nửa thước. Bà Cô mặc áo choàng đỏ viền kim tuyến, đội mão gắn ngọc. Các áng khác thờ Diêu Trì Phật mẫu, Chúa Cậu (nhị vị công tử, là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành nương nương, Tứ Pháp nương nương, Ông Địa và Thần Tài. Ngoài ra, ngư dân còn lập thêm các bàn thờ khác, để thờ cúng: Cửu Thiên huyền nữ, Chúa Ngọc nương nương, Chư vị, Bà Mẹ sanh, Hỏa tinh thánh mẫu, Quan Thánh đế quân, Quan Thế Âm bồ tát...
Khởi thủy, Dinh Cô là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ được xây cất theo một trong vài truyền thuyết gần giống nhau: Cách đây khoảng 200 năm, cô gái trẻ Lê Thị Hồng (tục danh Thị Cách - có tư liệu ghi Lê Thị Hồng Thủy), quê ở Phan Rang đi đường biển qua đây thì gặp giông bão lớn. Bão làm lật thuyền khiến Cô rơi xuống biển tử nạn. Xác Cô tấp vào hòn Hang và được ngư dân chôn cất trên đồi Cô Sơn rồi lập miễu thờ, theo tập quán. Mộ Cô nằm cách Dinh Cô hiện nay chừng 1 cây số. Đây cũng là một nơi khang trang, đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến viếng thăm, chiêm bái, đặc biệt là vào ngày lễ hội Nghinh Cô.
Từ khi lập miếu, ngư dân nơi đây thường được Cô báo mộng điềm lành, giúp tránh được nhiều dịch bịnh nên họ tôn tạo cái miễu nhỏ ấy ngày càng khang trang hơn và đã nhiều lần được tu bổ tương đối. Sau một trận hỏa hoạn, Dinh Cô bị thiêu rụi. Năm 1987, Dinh Cô được xây dựng lại như hiện nay.
Hằng năm, cứ từ ngày 10 đến 12 tháng Hai (âm lịch), tại Dinh Cô diễn ra lễ hội Nghinh Cô, thu hút rất đông người từ khắp nơi đến tham dự. Lễ hội có các đoàn lân của người Việt, dàn nhạc ngũ âm của người Khmer góp vui. Đêm trước lễ chính là lễ cầu an tại chánh điện, bên ngoài diễn ra đêm hội hoa. Sáng ngày 12, lễ rước long trọng diễn ra trên biển với hàng chục ghe thuyền trang hoàng lộng lẫy, cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang...
|
Lâu đài Chú Hỏa trước đây, khi còn có người ở. Ảnh: NĐH. |
Đường đến Dinh Cô đi ngang một lâu đài sừng sững cao, in hình trên nền trời xanh biếc. Đó là nhà chú Hỏa. Theo các tư liệu, chú Hỏa tên là Hui Bon Hoa (tên Việt là Hứa Bổn Hòa, thường gọi chú Hỏa), là một thương gia giàu có nhất nhì vùng Sài Gòn - Chợ Lớn hàng trăm năm trước. Chú Hỏa gốc người Phúc Kiến (có tư liệu ghi là Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc). Cha mẹ ông sang Việt Nam định cư vào thế kỷ XVII.
Đến đầu thế kỷ XX, chỉ với mỗi một cái nghề mua bán ve chai lông vịt, chú Hỏa đã trở thành người giàu có bậc nhất, nổi tiếng khắp xứ. Với cái gánh cần xé và ý chí nhẫn nại, kiên trì, chú Hỏa lê đôi chân dẻo dai của mình khắp nơi kiếm ăn và sống hết sức cần kiệm. Giàu có rồi, chú Hỏa hay giúp đỡ đồng hương nghèo khó, góp công góp của quan trọng trong sự hình thành bộ mặt đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trong thời gian đó, hiện nay còn, như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, trung tâm Cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách Chánh phủ...
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã viết về chú Hỏa như sau: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”. Ngoài những căn nhà, dãy phố ở Sài Gòn - Chợ Lớn, chú Hỏa còn xây dựng một lâu đài ở Long Hải nhằm những lúc cần thư giãn đưa gia đình đến đây nghỉ ngơi.
|
Ngôi nhà bị bỏ hoang niều năm nay. Ảnh: PHN. |
Lâu đài chú Hỏa ở Long Hải được xây bằng đá xanh và gạch theo kiểu Pháp, trên ngọn đồi được người địa phương gọi là “đồi chú Hỏa”, rộng trên 6.000 m2. Lâu đài có hai tầng, có 6 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà bếp, với khoảng 100 cửa sổ lớn và nhỏ toàn bằng gỗ dầu. Hệ thống các phòng đều được thiết kế thoáng mát.
Theo cụ Hồ Văn Khoan, người giúp việc chú Hỏa hàng chục năm liền, thì khi sang Pháp định cư, lâu đài nầy được bà Lê Thị Long (Sài Gòn) thuê. Bà cho sửa sang nhiều hạng mục, trong đó có một nhà hàng để biến lâu đài thành một khách sạn hạng sang và đã thu hút nhiều khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Chiến tranh diễn ra ác liệt, kinh doanh bất lợi, năm 1965, bà Long cho ông Mai Văn Ba (Sài Gòn) thuê lâu đài. Dù đã hết sức cải tạo, nhưng lâu đài vẫn ngày một vắng khách, xuống cấp.
Năm 1986, Công ty Du lịch Đồng Nai tiếp nhận lâu đài, đầu tư, nâng cấp khai thác kinh doanh du lịch với tên gọi khách sạn Palace, với 18 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 nhà bếp, 1 sân tennis. Tuy nhiên khách sạn Palace chẳng hấp dẫn được bao nhiêu khách. Theo một số người ở địa phương cho biết, sau khi cất lâu đài nầy, chú Hỏa cho cô con gái đến ở. Một thời gian sau, cô bị bịnh cùi rồi chết, hồn ma vơ vẩn... Từ đó lâu đài bị bỏ hoang.
Nhưng theo một tư liệu, khoảng năm 1972, khi quay bộ phim “Con ma nhà họ Hứa’, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã kéo đoàn làm phim từ Sài Gòn ra lâu đài nầy thực hiện các cảnh quay. Phim “Con ma nhà họ Hứa” kể chuyện một cô gái xấu xí vì bịnh cùi nên bị nhốt trong lâu đài. Một hôm, người phục vụ mang cơm đến và nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của cô nên ngã lăn ra chết, thành ma. Bộ phim hấp dẫn nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng là lâu đài ngày càng trở nên hoang vắng. Đứng sừng sững trên ngọn đồi cao, lâu đài được bao quanh bằng những hàng cây sứ nở bông trắng toát, tỏa mùi thơm dịu nhẹ, cùng những cây phượng bông đỏ rực nổi bật trên nền lá xanh tươi. Hấp dẫn, quyến rũ nhưng không thành điểm kinh doanh khách sạn được!
|
Bãi biển làng chài ở Long Hải. Ảnh: Cát Lộc |
Bãi biển cạnh Dinh Cô có khá nhiều hàng quán. Quán ăn với các loại hải sản tươi sống, cùng với các quán cà phê giải khát phục vụ khách tham quan, cúng viếng. Đi dọc bãi biển, chẳng thấy cảnh rừng dương xanh mướt xào xạc tiếng lá reo năm nào, thay vào đó là những nhà cửa, quán xá, resort che khuất con đường dẫn đến Dinh Cô. Đi một đoạn biển trên nền cát mềm mát, khoảng nửa cây số, thấy một làng chài nằm buồn hiu trên bãi biển. Trên bãi, sát chân sóng có nhiều ngư dân đang luôn tay bận bịu với công việc vá lưới, thu hoạch hải sản vừa mới đánh bắt, bên những chiếc ghe nhỏ (sõng nan) hay thuyền thúng gối mình trên bãi cát.
Chị Đàm Thị Nụ, một người dân ở đây cho biết họ chỉ “nhá ghẹ” chứ không đánh bắt các loại cá khác. Nhá là dụng cụ làm bằng sắt hình tròn, đường kính khoảng 50cm, mắc vào giàn lưới. Vòng sắt có một thanh sắt chắn ngang, gắn mồi cá chình phân hủy, có mùi tanh, để dụ ghẹ vào... Ghẹ thường sống ở độ sâu 3 đến 6 mét, trong các rạn san hô sát đáy biển. Tìm đúng nơi nầy, canh đúng thủy triều sẽ thu hoạch được nhiều ghẹ. Nhá ghẹ lý tưởng nhất là từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, tính theo âm lịch. Tuy nhiên cũng có người dùng lưới đánh bắt ghẹ.
Nghe giọng nói nằng nặng của ngư dân đánh bắt ghẹ, hỏi và được ông Trần Văn Đính cho biết họ là người từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đây lập làng sinh sống. Hàng ngày, họ rời bến vào lúc 1 giờ khuya, ra khơi khoảng 10 cây số. Khoảng 4 - 5 giờ sáng, họ trở về. Ghe hoặc thuyền thúng gác lên bãi, cả nhà xúm nhau gỡ ghẹ khỏi lưới.
Vì đánh bắt không xa nên ghẹ ở đây lớn lắm chỉ bằng ba ngón tay người lớn. Loại nầy có giá nhất, khoảng 150.000đ/kg. Còn lại, ghẹ các loại có giá: 20.000đ tới 120.000đ/kg. Loại sau cùng nầy bán cho người ta xay làm thức ăn gia súc. Mỗi ngày, ngư dân đánh bắt được khoảng 30kg ghẹ các loại, trừ chi phí cũng giúp gia đình họ đủ sống qua ngày. Cực nhọc, vất vả là vậy, nhưng vào mùa mưa bão họ phải đối mặt với những cơn thịnh nộ của biển khơi. Thật là nguy hiểm.
Nguồn : TBKTSG