Cao nguyên đá Đồng Văn - một trong bảy huyện biên giới nghèo “nhiều núi đá ít đất trồng” của tỉnh Hà Giang, nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô hiện ra trước mắt chúng tôi mênh mông một màu trắng xám của đá. Núi chập chùng từng lớp ken nhau. Những thung lũng xa ngút tầm mắt… Tô điểm giữa thiên nhiên hùng vĩ là những ngôi nhà sàn xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen, nằm chênh vênh trên các sườn núi đá. Đâu đó thấp thoáng bóng các cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy rực rỡ đang cần mẫn làm nương. Chiếc xe ô tô của chúng tôi đi mỗi lúc mỗi lên cao để lại mênh mông những đám mây huyền ảo bên dưới…
Từ xa, Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 diện tích là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp, xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Khi tới gần, vẻ đẹp nơi đây càng rõ nét hơn: cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9 mét, rộng 6 mét, diện tích 54 mét vuông biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam trở thành niềm tự hào của người dân Lũng Cú tung bay kiêu hãnh giữ bầu trời biên cương, in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc.
Có rất nhiều huyền thoại xung quanh địa danh Lũng Cú.
Truyền thuyết kể rằng, thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống rất to ở trạm gác vùng biên ải hiểm trở này của đất nước. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm, như một sự khẳng định chủ quyền đất nước. Thời đó, tiếng trống còn là phương tiện thông tin nhanh nhất. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua. Người ta nói rằng nơi đặt chiếc trống của nhà vua cũng là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ.
Cũng có truyền thuyết rằng ngày xưa có một con rồng thiêng đến ở trên ngọn núi thiêng thuộc vùng đất này, nên Lũng Cú cũng là cách đọc chệnh âm từ Long Cư (nơi rồng ở, hay động của rồng).
Đoạn đường từ Đồn Biên phòng lên cột cờ dài 12km, vẫn quanh co, uốn khúc trên những vách núi trùng điệp, cao ngất. Tôi hồi hộp leo lên 286 bậc đá và hạnh phúc đến ngất ngây khi được đặt tay vào cột cờ sừng sững ở chót đỉnh Tổ quốc.Vời vợi ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, trên đỉnh núi Rồng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong nắng gió khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như ngọn lửa bất diệt, kiêu hãnh canh giữ bầu trời biên cương của Tổ quốc. Một cảm giác rất đỗi tự hào dâng tràn trong lòng tôi khi được đứng ở nơi đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Bên cạnh vẻ đẹp về địa lí, Lũng Cú còn mang trong mình nét đẹp mê hồn hấp dẫn nhiều người bởi đây không chỉ là vùng đất của chè Shan, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng... mà còn là vùng đất mang đậm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Giáy.... Quả thật, nếu có dịp đến đây vào mùa xuân, chắc chắn bạn sẽ vừa được tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa được nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn của người Mông say mê, quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng...Tất cả, tất cả như một khúc ca của cuộc sống đầy thi vị và cũng thật khó quên!..
Hà Thu Trang