Được khởi công từ tháng 4 năm 1981 và hoàn thành vào đầu năm 1985, hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước 270 km2 nằm trên địa phận ba tỉnh tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Đây là hồ nhân tạo có vai trò điều phối nguồn nước nông nghiệp cho vùng Đông Nam bộ, cung cấp nguồn nước cho nhà máy lọc nước Thủ Đức. Hồ nước mênh mông này còn là một thắng cảnh với quần thể núi đồi, sông ngòi và đảo êm đềm như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Buổi sớm, sau khi uống cà phê ở ngã ba Khedol - Suối Đá (thị trấn Dương Minh Châu, Tây Ninh), tôi cùng anh bạn người địa phương ra ngắm cảnh lòng hồ. Chủ nhật, trời còn he hắt hơi sương nên thoáng nhìn, mặt hồ như một tấm gương trời phẳng lặng, mờ ảo... Trên đường đi, dăm người đi câu cá giải trí đã ngược đường để lên mạn Định An (Bình Dương) thả câu, một thú vui tao nhã, thanh nhàn sau những ngày làm việc căng thẳng.
|
Những cư dân ven bờ hồ vất vả sinh nhai nhưng vẫn sống thân thiện, lạc quan. |
Thú thực, mới nhìn mặt hồ rộng mênh mông với những con sóng lăn tăn nhè nhẹ, tôi không thể hình dung được, tất cả lại được tạo ra bởi bàn tay con người, dù mùa này, mực nước hồ xuống khá thấp. Thấp thoáng phía xa xa, một chuyến đò sớm chở những người dân ra ngoài đảo Suối Nhím làm việc. Họ là những nông dân, trước đây sinh sống nhiều năm ở Suối Nhím, một hòn đảo nổi giữa lòng hồ nhưng đã phải vào dời nhà vào sống ven bờ hồ. Hàng ngày, họ vẫn ra đảo lao động sinh nhai. Người thì đánh bắt cá cua, kẻ trồng mì, trồng rau trên đảo. Những con người ấy cứ lặng lẽ như những gợn sóng cần cù lăn trên mặt hồ bao năm qua.
Từ địa phận thị trấn Dương Minh Châu (Tây Ninh) men theo đường đê lòng hồ được xây dựng kiên cố, chúng tôi ngược lên phía Định An, Minh Hòa (Bình Dương) để ngắm nhìn phong cảnh lòng hồ. Mặc dù hồ Dầu Tiếng chưa được đầu tư đúng mức để khai thác các dịch vụ du lịch nhưng chúng tôi tin rằng, vẻ đẹp nơi đây chẳng hề thua kém bất cứ một khu du lịch nổi tiếng nào. Ở đó, vừa có vẻ đẹp hoang dại, vừa có bàn tay con người để tạo nên những nét chấm phá tuyệt vời, hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Có lẽ, vì thế mà hồ Dầu Tiếng luôn cuốn hút bất cứ ai nếu vô tình một lần đặt chân tới.
|
Cống đập, điểm khởi nguồn của dòng sông Sài Gòn. |
Càng đi về phía địa phận Bình Dương, chúng tôi càng ngỡ ngàng vì vẻ hài hòa giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Vài mái nhà nép bên phải lòng hồ dưới những tán cao su xanh ngát càng tô thêm vẻ u hoài nên thơ của khung cảnh miền quê này. Chúng tôi đứng dưới chân đập xả nước của hồ Dầu Tiếng (cũng chính là điểm khởi nguồn của sông Sài Gòn), dõi mắt nhìn phía hạ lưu mênh mông êm đềm. Mặt trời đứng bóng, vài bóng thuyền câu lặng lẽ, nhỏ bé trên mặt hồ mênh mông càng làm cho khung cảnh nơi này như một bức tranh thủy mặc vừa quen, vừa lạ.
Rồi, vô tình giữa mênh mang trời nước, núi đồi ấy chúng tôi lại gặp những đàn trâu, dễ có đến vài trăm con đang lặng lẽ đắm mình trong làn nước trong xanh vời vợi ven hồ. Có lẽ, tôi chưa từng nhìn thấy hay hình dung ra một nơi nào lại có những hình ảnh đẹp đẽ với những đàn trâu như thế. Chúng vừa gần vừa xa, thấp thoáng nhưng gợi cho con người ta bao nhiêu hoài niệm, bao nhiêu liên tưởng về thuổi thơ trong ký ức đã xa. Tôi còn bất ngờ bởi cứ nghĩ rằng, ngay cả miền Tây Nam bộ cũng chẳng còn nhiều trâu như thế nữa huống hồ là nơi đây.
|
Những đàn trâu khiến cho ta ngỡ như lạc vào thế giới của “mùa len trâu” ở miền Tây Nam bộ. |
Nhưng ở hồ Dầu Tiếng, tôi không chỉ thấy những cảnh đẹp mà còn gặp gỡ rất nhiều những cảnh đời. Họ làm những nghề liên quan đến khai thác thủy hải sản trên lòng hồ mênh mông này. Từ những chiếc thuyền nhỏ bé mỏng manh đánh cá chép, rô phi, mè vinh, cá chim cho tới những chiếc ghe đôi kéo cá cơm ở phía đảo Suối Đá hay những khách thanh nhàn lên hồ câu cá đoạn “sừng hươu” Suối Ngô ngày cuối tuần. Tất cả, cùng với con đường dài khoảng gần 300 cây số chạy men quanh bờ hồ là nơi đến thú vị cho những ai yêu thích và muốn khám phá thiên nhiên, con người chân chất nơi này với những cung đường hoang sơ và đẹp đẽ làm mê hồn bất cứ ai.
Ngồi bên bờ hồ trong một buổi trưa nắng tràn khắp nơi mà tôi băn khoăn về một lẽ giản đơn rằng, tại sao chỉ có một màu xanh đơn điệu mà tạo hóa lại có thể tạo nên một cảnh quan hồ Dầu Tiếng thơ mộng như vậy. Trời xanh, nước xanh, rừng xanh, đảo xanh và núi cũng tô thêm một màu xanh thanh bình, trong trẻo. Chỉ đơn giản vậy mà sao mê hoặc lòng người quá đỗi?!
Nguồn : TBKTSG