Cách Tp.HCM 70km, Tiền Giang không chỉ là một trong những vựa cây trái lớn nhất của miền Tây, Tiền Giang còn là địa điểm du lịch để bạn có thể trải nghiệm, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và thăm thú nhiều di tích lịch sử, nơi có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo khiến người lữ khách phải say mê.
Chợ nổi Cái Bè
Chợ nổi Cái Bè thuộc ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.
Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịp như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa… chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. Ngồi trên thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng là một trải nghiệm khó tả.
Cù lao Thái Sơn
Cù lao Thới Sơn còn gọi là cồn Thái Sơn hay cồn Lân. Cù lao Thới Sơn gây thương nhớ cho những ai đến thăm Tiền Giang bởi khung cảnh miệt vườn sông nước mênh mông y như những thước phim của “Đất rừng phương Nam” một thời. Đến với cù lao Thới Sơn, du khách vừa được trải nghiệm hình thức du lịch đặc trưng của miền sông nước, vừa được tham gia hoạt động tát mương bắt cá. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi tản bộ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê và ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong và nghe đờn ca tài tử.
Đình Tân Đông
Tồn tại hơn 110 năm, ngôi đình từ lâu không được trùng tu, tôn tạo. Điểm thu hút du khách đến đây là vẻ đẹp cổ kính với sự kết hợp của 2 cây bồ đề mọc trên tường, ôm chặt lấy 5 cửa đình. Nơi này đã được nhiều đạo diễn phim truyền hình lựa chọn để làm bối cảnh phim xưa. Hàng năm, đình Tân Đông tổ chức 4 lễ hội chính như: lễ Kỳ Yên (16-2 âm lịch), lễ Thượng Điền (16-5 âm lịch), lễ Hạ Điền (16-8 âm lịch) và lễ cầu Ông (16-11 âm lịch). Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, người dân trong làng tụ họp nhau lại cùng nấu ăn linh đình rồi mời các đoàn hát bội khắp nơi về biểu diễn và làm lễ.
Biển Tân Phong
Nằm cách đình Tân Đông không xa là bãi biển Tân Thành. Gọi là biển nhưng không phải để tắm, gọi là cát nhưng không phải gam màu óng vàng đặc trưng. Biển Tân Thành chứa những đặc điểm kì lạ xứng danh một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang nổi tiếng. Ấn tượng ban đầu với màu nước “đen thui” khiến những người định đến tắm biển có thể rụt rè. Tuy nhiên, bạn chỉ cần đặt chân xuống biển là sẽ bị “mê hoặc” bởi lớp cát mềm mịn êm như nhung, cảm nhận được sự êm ái của cát đen chảy tràn dưới chân, phóng tầm mắt ra xa thả hồn theo không gian biển lớn ngút ngàn. Tân Thành chính là một trong những bãi biển cát đen đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là biển cát đen hiếm có của Việt Nam.
Thơm nồng lẩu mắm cá linh
Về miền Tây mùa nước nổi bạn không thể nào bỏ qua hương vị lẩu mắm cá linh ở Tiền Giang. Cá linh mùa này mập mềm mại và béo, kết hợp với những loại rau mọc theo con nước như bông điên điển, rau kèo nèo, bông súng hay rau dừa thêm cà chua, ngò om kết hợp với mắm cá linh sẽ cho thực khách một nồi lẩu thơm lừng, những sản vật đặc trưng của miền Tây được kết hợp một cách rất khéo léo tạo nên hương vị khó quên.
Sam nướng Gò Công
Một đặc sản khác ở Tiền Giang là món Sam biển nướng mở hành nao lòng biết bao thực khách. Sam biển là loại sản vật không phải chỉ xuất hiện ở Gò Công nhưng loại sam ở đây khá đặc biệt, nhất là vị bùi bùi béo béo của trứng sam khi được nướng lên, thường ăn kèm sam nướng với bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm dấm, rau thơm, đậu phộng rang giã nát, nước mắm tỏi, ớt, hành phi…