Bạn gọi đi lên Mộc Châu từ đầu mùa hoa cải, giữa mùa hoa cải, rồi đến lúc nhắn tin “Đồng bào thông báo là cải đã đậu quả, nhổ sắp xong rồi nhé!”. Bấy giờ chúng tôi mới hớt hải lên đường, bất chấp cả đợt gió đông bắc đầu mùa đang ùa về.
|
Con đường đỏ rực hoa trạng nguyên bên đèo Thung Khe |
Quãng đường 200 km từ Hà Nội lên Mộc Châu, đường đi thuận tiện. Hoặc bạn chọn xe khách từ bến xe Mỹ Đình, hoặc đi xe riêng, sẽ mất chừng 4-5 giờ. Xe chạy như bò trong sương phủ, tầm nhìn xuống chỉ còn vài mét.
Đến trưa, xe tới thị trấn Mộc Châu. Các nhóm đi thường truyền nhau địa chỉ hai quán ăn bên quốc lộ 6 là quán 64 và quán 70. Còn bạn tôi dặn: “Tao ở nhà thì không sao, nếu tao đi vắng cứ nhớ quán chỗ ngã ba dốc Chợ mà vào!”. Cái quán chỗ ngã ba ấy, sau vài lần ghé qua tôi cũng nhớ được tên phố là Vũ Xuân Thiều. Con phố ngắn giao với trục đường chính chạy qua thị trấn.
Thường những chuyến đi nếu không được chỉ dẫn trước, chúng tôi đều ưu tiên chọn các quán ở phía ngoài khu đông dân cư, tâm lý cho rằng giá cả sẽ phải chăng hơn. Nhưng với cung đường Mộc Châu này, khách du lịch theo mùa hoa cải đến quá nhiều nên các chủ quán kể trên cũng đã nhẵn mặt đâu là khách đi chơi, đâu là khách đi làm.
Quán nhỏ mà bạn tôi chỉ đồ ăn ngon và giá tương đối rẻ. Cũng đủ các món xôi nếp, thịt trâu hun khói, canh rau dớn, bê chao… Từ đây đi vào rừng thông bản Áng chỉ còn hơn 2 km.
|
Vườn rau sạch của chàng trai Nahana Shoujiro |
Nhân lúc mọi người đang nghỉ sau bữa trưa, tôi lang thang theo con phố Nguyễn Hoài Xuân, nơi biển chỉ dẫn hướng đi vào rừng thông. Bất chợt, trước mặt vỡ òa bởi một cây hồng ngâm vàng rực quả. Không nén nổi tò mò, đành bạo gan bước vào ngôi nhà vắng vẻ bên ao nước trong vắt với đàn cá vàng đang bơi. Người thanh niên trẻ tuổi bước ra khi nghe tiếng chó sủa. Nahana Shoujiro, giám đốc Công ty rau hoa quả Việt Nhật.
Nếu đã đọc Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, bạn hẳn nhớ chàng trai làm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn 2.600m. Còn anh chàng thanh niên Nhật này ở trên cao nguyên Mộc Châu hơn 1.000m, một mình phụ trách công ty một thành viên chuyên nghiên cứu trồng rau sạch. Có khách đến nên anh rất vui.
Cùng ngắm nhìn vườn rau xanh mướt, những thùng dâu tây lấm tấm quả đỏ rực, chúng tôi trò chuyện bằng cả chút tiếng Anh lẫn tiếng Việt ít ỏi của nhau. Và không quên hẹn sẽ quay lại vì lịch trình còn đi tiếp vào rừng thông bản Áng.
|
Ánh mắt buồn của ông chủ vườn cải |
Đúng là đã cuối mùa, dù hoa cải vẫn còn nở trắng nhưng trên các thân cải đã thấy rõ từng quả xanh với những khúc hạt tròn mập. Nhớ có lần cậu bạn gọi điện, khi nghe kể về Mộc Châu bạt ngàn hoa cải đã bảo: “U tao thích ăn cải lắm, khi về nhớ mua làm quà cho u tao!”. Lại phải kỳ cụi giải thích cải Mộc Châu không giống loại cải ăn như cải cúc, cải xanh… Cũng không phải là cải hoa vàng nở dọc triền đê sông Hồng mỗi độ mùa đông.
Hoa cải triền đê ấy vàng rực rỡ, còn cải Mộc Châu trắng ngút ngàn. Người dân ở đây trồng cải để thu quả nhằm tách hạt, ép lấy dầu. Củ cải cũng chỉ be bé, xinh xinh. Những bông hoa trắng mảnh mai, mỏng tựa như cánh bướm, tưởng như nếu phết lên móng tay cô gái trẻ thì khỏi cần ra tiệm sơn móng nghệ thuật nữa.
Giữa mênh mông cải trắng, các nhóm bạn trẻ len lách vào khắp nơi. Anh Ấp chủ đồi cải gọi ra yêu cầu trả tiền mới cho vào chụp. Cải trồng để lấy hạt ép dầu, ở đây bà con trồng bằng cách gieo vãi hạt như trồng lúa nương nên không có luống có hàng. Muốn vào giữa bãi cải chỉ có cách giẫm lên cải mà thôi. Cải nát thì làm sao không xót.
|
Đồi chè xanh mướt trên Nông trường Mộc Châu |
Sáng hôm sau trời bừng nắng. Trước khi lên đường xuôi về Hà Nội, chúng tôi qua thị trấn Nông trường Mộc Châu. Từng vạt đồi chè xanh ngắt uốn mình trong nắng sớm. Tựa như những ruộng bậc thang xanh, nhưng không phải ruộng lúa mà là ruộng chè.
Từ ngã ba thị trấn nông trường, rẽ vào đường đi Tân Lập, qua đồi chè, chạy thêm một chút là tới Pa Khen. Cô bé gái ngồi trước hiên nhà vẫn thoăn thoắt tay thêu, chỉ ngẩng lên một chút như tần ngần suy nghĩ khi bạn tôi bảo: “Cuối tháng, hoa đào nở bọn anh lại về!”.
|
Hoa đào vừa nở ở Pa Khen |
|
Em gái Pa Khen |
Vậy nhé, tết lại về Mộc Châu!
Nguồn : Tuổi trẻ