Dù đã được xem rất nhiều những hình ảnh về Đình xứ Đoài , cũng đã đến đình Mông phụ , Đình Đình Bảng, Bát Tràng, Hàng Kênh... nhưng lần đầu tới đình Chu Quyến cảm xúc trong tôi thật tuyệt vời.
Dân gian vẫn gọi đình Chu Quyến là Đình Chàng,
lần đầu tôi được thấy một ngôi đình nguyên bản không có cửa gỗ, ván nong bao
xung quanh, cây cột gỗ lim cực lớn, lớn nhất mà tôi từng thấy. Đình đã được tu
sửa và thay mấy cây cột rỗng (vẫn để trong đình, rỗng hết ruột) có đám trẻ con
đang vừa chơi vừa học trong đình. Đình kết sâu giữa làng, trước mặt là ao và
đồng ruộng thẳng cánh cò bay, một cây cổ thụ và sân đình rộng mênh mông.
Những họa tiết trên cấu kiện của đình được đục
chạm theo lối bong kênh tầng tầng lớp lớp cầu kỳ và sống động, thỉnh thoảng lại
điểm tô những tác phẩm độc lập, người cưỡi ngựa, cưỡi voi, chim phượng ở các vị
trí đối xứng trên vì nách của đình. Chụp tổng thể lên chẳng khác nào một sắp đặt
trang trí kiến trúc đẹp, đầy hiện đại, hoà hợp và đúng là cách nhìn tổng thể rất
khoáng đạt không hề manh mún, thỉnh thoảng lại điểm tô những sắp đặt vững chãi
của các thanh xà và những mảng chạm tô vẽ trang trí sang trọng và tinh tế. Cảm
giác cứ như được xem một trưng bày bảo tàng hơn là xem chi tiết trang trí của
một đình làng cổ.
Cột đình to nhưng không quá cao nên mang lại cho
tổng thể không gian đình sáng sủa và ấm cúng, dù không có vách hay tường bao
quanh.
Dân gian có câu “Đình là Cha, Chùa là Mẹ”.
Lần đầu diện kiến một ngôi đình có kiến trúc
thông thoáng như vậy. Thăm đình, nghe các cụ trong làng nói chuyện xưa, cột đình
kê trên đá để trên nền đất ẩm bao nhiêu năm trời, đá đổ mồ hôi nên các cột bên
trong hay bị thông tâm, các cột bên ngoài có nắng chiếu vào nên không việc gì,
năm 1960 nhà nước cho sửa sang lại đình.
Từ thủa nhỏ các em bé của làng thường rủ nhau ra
đình chơi, vì có cái sân rộng và cảm thấy thân quen gần gũi. Con nít của làng
học bài và chơi với nhau cũng trong đình và sân đình. Ngày mùa các hộ nông dân
cũng ra đình phơi nắng sản vật nông nghiệp, cứ thế qua mấy trăm năm, bao nhiêu
đời người đình làng tồn tại lặng lẽ và thân thương bên những người quê.
Các cụ kể xưa đình có cửa võng đẹp lắm nhưng bọn
trẻ không biết gì nó phá đi mất. Tục lễ ở đây vào ngày lễ thánh bao giờ cũng giã
bánh dầy không nhân dâng thánh, rồi chia lộc cho mọi người. Sau này đám giỗ hay
đám cưới mọi người cũng hay đặt bánh dầy nhân đỗ xanh đường trên đóng dấu đỏ
Phúc Lộc Thọ cho vào hộp, mỗi người đi ăn cỗ sẽ có một cái để thụ lộc hoặc dành
mang về.
Ngày xưa cứ lễ ở đình là mổ trâu bò, khi làm cỗ,
người làng thường nhét lá ổi găng vào bụng trâu bò, khâu lại xong xếp lá giáng
(họ hàng dương sỉ) lên để đốt cháy âm ỉ. Hết lượt này lại đắp lượt khác cho tận
10 tiếng thì bò chín, đem cúng thánh xong xả ra chia cho mọi người. Đây là món
ngon mà người gắn bó với đình làng Chu Quyến ai cũng nhớ và khen ngon.
Từ thời phong kiến, tục khao lão, khao quan viên
(con của lý trưởng còn nhỏ tuổi) khao xong cũng được vào bàn chuyện làng với các
cụ. Trai gái trong làng lập gia đình phải góp gạch làm đường gọi là trả công cho
làng.
Qua hơn ba trăm năm tồn tại, vẻ đẹp của đình Chu Quyến vẫn nguyên vẹn
với thời gian, là một ngôi đình đẹp nơi xứ Đoài, tôi sẽ tìm đến nhiều lần để
lắng đọng và chiêm ngưỡng.
Bài và ảnh (fb) Trương Việt Anh.