Chợ nổi lớn nhất nhì đồng bằng vào mùa lễ hội càng thêm rộn rã bởi những sắc màu, âm thanh. Chợ nổi trên vàm Cái Bè - Tiền Giang dịp lễ hội là nơi hội tụ văn hóa sông nước ba miền, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn đối với du khách...
Chợ nổi vàm Cái Bè ra đời khá sớm so với các chợ nổi ở ĐBSCL. Đến nay, chợ trên sông vàm Cái Bè đã trên 200 năm tuổi. Nằm ở vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, chợ nổi Cái Bè thu hút nhiều khách thương hồ đến đây trao đổi, mua bán đủ loại hàng hóa từ trái cây đến các nhu yếu phẩm, hình thành và duy trì nét văn hóa giao thương độc đáo của vùng sông nước... Địa hình sông Tiền đoạn này khá đẹp. Những hàng dừa nước, rặng bần xanh mượt dọc hai bên bờ sông tạo thêm nét duyên cho không gian chợ nổi. Nhà cửa cao tầng, phố xá hiện đại hiếm khi bị “dính” trong những tấm ảnh chụp chợ nổi, càng làm du khách thích thú. Không gian và văn hóa mua bán của cư dân sông nước hàng thế kỷ nay dường như vẫn vậy. Dù đã có đường rộng, cầu cao nối các tuyến đường, chợ búa trên bờ mọc lên khắp nơi nhưng chợ nổi vẫn có một sức sống mãnh liệt. Ghe xuồng vẫn tấp nập ngày đêm. Hàng nông sản tập trung ra đây trước khi đến các trung tâm thương mại lớn trong nước và xuất khẩu. Gạo thóc, vải sợi, nhu yếu phẩm... vẫn được các thương hồ đưa lên ghe bán cho khách thương hồ, đổi lấy trái cây lên bờ bán lại. Nơi đây trở thành địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng của nhiều du khách quốc tế.
Chợ nổi những ngày lễ hội không chỉ là một không gian mua bán thường nhật mà trở thành nơi tái hiện nét văn hóa thân thiện của cộng đồng cư dân sông nước. Theo chương trình trong khuôn khổ Festival Trái cây tại Tiền Giang, lễ hội chợ nổi Cái Bè diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến ngày 23/4/2010, mang đậm sắc thái dân gian và hội tụ văn hóa sông nước của ba miền. Khách đến chợ nổi mùa này được thương hồ tiếp đón ân cần với trái cây ăn miễn phí và mua về với giá rẻ hơn bán ở chợ và đắm mình trong không khí lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa phong phú. Sân khấu được thiết kế trên sông cùng với ba chiếc ghe bầu đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Các nam thanh nữ tú thực hiện các tiết mục hò đối đáp, hát vọng cổ... phục vụ du khách đến tham quan. Chợ nổi trên sông quy tụ khoảng 300 ghe bán trái cây, nhu yếu phẩm và ẩm thực. Đặc biệt, trong đêm 22/4/2010, khách được thưởng thức các tiết mục văn hóa dân gian vùng sông nước của ba miền, như: Quan họ Bắc Ninh, hò Huế, hò Nghệ Tĩnh và hò Nam bộ. Đêm bế mạc là chương trình đậm nét của vọng cổ miền Tây. Những câu hò điệu lý trên sông tại chợ nổi là một cách quảng bá hiệu quả của du lịch sông nước Cửu Long, nét văn hóa sống hài hòa với thiên nhiên của cư dân bản địa đến với du khách năm châu.
Nguồn: website báo Hậu Giang