“Mình về còn nhớ núi non;
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt minh;
Mình đi mình lại nhớ mình;
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”...
Những câu lục bát trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu đinh ninh trong dạ từ thuở cắp sách đến trường làm Tân Trào thật gần gũi với mỗi người dân Việt mà cũng thật xa xôi, vì những “trám bùi để rụng”, “hắt hiu lau xám”... Nhưng chỉ cần khoác balô lên đường mới biết chiến khu xưa đã gần lại rất nhiều nhờ... giao thông hiện đại.
|
Đình Tân Trào - Ảnh: N.T.Q.
|
Từ rừng về thủ đô lần thứ nhất Bác Hồ và trung ương mất bốn năm (1941-1945), từ phố lên rừng và trở về Hà Nội lần thứ hai mất tám năm kháng chiến (1946-1954). Nhưng từ Hà Nội lên Tân Trào giờ chỉ mất 3 giờ đi ôtô vì quốc lộ 2 thẳng băng đúng 150km. Đường đẹp như mơ, ra khỏi Hà Nội là cây cối xanh rì, càng lên trung du càng đẹp. Đến gần Tuyên Quang thì đúng là cây cối ngút ngàn, bãi mía nương dâu xanh thẳm, thỉnh thoảng nổi bật trên nền trời xanh là những tán cọ xòe trong nắng như những mặt trời xanh.
Cách thị xã Tuyên Quang chỉ 40km, Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc huyện Sơn Dương. Thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng tám, Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc ngày 13-8-1945 để quyết định tổng khởi nghĩa. Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước còn gọi là Kim Long và Kim Châu).
|
Về Tân Trào, cùng một hành trình, không thể bỏ qua bất cứ địa danh nào đã được nêu trên bản đồ hành hương. Đầu tiên là đình Tân Trào, một ngôi đình nhỏ được xây dựng năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Đình thờ tám vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào.
Dưới mái đình này, ngày 16-8-1945 Quốc dân đại hội đã quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, 10 chính sách lớn, quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra một chính phủ lâm thời. Ngồi dưới mái đình mát lộng, gió thổi bốn hướng vì không có tường ngăn, liếp che mới cảm thấy thấm thía cái giản dị và cởi mở của chính phủ cách mạng lâm thời trong việc đưa ra các quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc.
Cây đa Tân Trào cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía đông. Dưới bóng cây này, chiều 16-8-1945 Việt Nam giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đọc bản quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.
Một cảm giác tiếc nuối và hụt hẫng vì gốc đa Tân Trào huyền thoại đã không còn nguyên vẹn. Thời gian đã làm cụm “đa ông - đa bà” cỗi đi, mục từ bên trong, rất nhiều phương pháp cứu chữa không mang lại kết quả tuyệt đối. Gốc đa đã được “bêtông hóa” nguyên trạng để giữ làm chứng tích. Và một nhành đa nhỏ phát sinh từ cây đa ông đã được khéo léo kéo xuống, ươm cẩn thận, nay đã bắt rễ và chuẩn bị xòe tán.
Cách đình Tân Trào gần 1km là đình Hồng Thái. Đình được xây dựng năm 1919 tại địa phận làng Cả, xã Tân Trào, có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận. Đây cũng là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến; là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân đại hội, trạm thường trực của an toàn khu của trung ương đóng ở Tân Trào.
Quay ngược từ đình Hồng Thái, vòng lại qua đình Tân Trào, theo hướng tây chừng 3km là khu lán nằm trên sườn núi Nà Lừa. Đi bộ qua chiếc cầu nhỏ bắc qua Ngòi Thia (một nhánh nhỏ của sông Đáy), leo lên những bậc đá cheo leo phủ đầy lá mục, sẽ gặp lán Nà Lừa dưới những tàn cây cổ thụ vấn vít đầy dây leo.
Lán được đơn vị giải phóng quân dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, là nơi Bác ở và làm việc từ tháng 6-1945 đến cuối tháng 8-1945. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là chỗ Bác làm việc, tiếp khách. Tại đây, ngày 4-6-1945, Bác đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội.
Một ngày trọn vẹn đủ cho khách hành hương khám phá tất cả địa danh lịch sử trong quần thể di tích Tân Trào: hang Bòng, nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Bác Hồ ở Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chín năm. Từ năm 1950-1951, Bác ở hang này trực tiếp đi chỉ đạo chiến dịch Biên giới (1950). Rồi bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ - Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lẩu - Vực Hồ, thôn Lập Binh, hầm an toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào...
Tháng 9 mùa thu xanh thắm. Khi gió đã mang cái hơi man mát của khí núi, bầu trời như được đẩy dần lên cao. Những đám mây đầy hơi nước tan đi, bày ra nguyên vẹn một bầu trời mùa thu lồng lộng. Thật may mắn cho những ai đã ra khỏi thành phố còn vương đầy oi bức của mùa hè và ồn ào nơi phố thị để làm một cuộc hành trình về chiến khu xưa.
Không chỉ một cuộc hành hương mang nặng tính giáo dục, chuyến đi cho con người ta đầy đủ cảm xúc, đến từ tất cả các giác quan, và từ trái tim...
Nguồn : Tuổi trẻ