Dù đang tiết thu, nhưng Quảng Ngãi lại sắp vào mùa mưa bão nên chỉ còn lại những ngày nắng vàng hiếm hoi.
|
Sa Huỳnh tức Sa Hoàng (nơi có bãi cát vàng bên biển xanh) |
Những ngày nắng biển Sa Huỳnh, bờ cát như vàng hơn. Nhìn ra khơi xa, đâu cũng thấy những con thuyền bập bềnh theo sóng. Đến Sa Huỳnh trong thời điểm này, buổi sớm mai hay lúc trời chiều, du khách cứ việc để chân không lội trong bãi cát vàng quanh mép biển, để những con sóng ùa vào bãi cát níu chân.
Sa Huỳnh thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 60km về hướng nam. Nếu tính từ đèo Bình Đê (vùng ranh giữa hai tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định) đi ra theo quốc lộ 1A, hướng Nam - Bắc chỉ chừng vài chục km. Nơi đây chỉ cách ga Đức Phổ chừng 1km về hướng bắc nên rất thuận tiện cho du khách về biển Sa Huỳnh trong thời điểm này.
|
Nắng dịu êm và gió mơn man, nhiều người cứ đánh lưng trần nằm soài bên mép biển cho những con sóng lăn tăn ùa vào bờ cát rồi mơn man trên cơ thể mình. Lũ trẻ hồn nhiên dùng cát biển làm những lâu đài trên cát và cười vui khi từng đợt sóng bổ vào xô ngã lâu đài thành cát biển vàng.
Người Sa Huỳnh kể: Sa Huỳnh xưa có tên là Sa Hoàng, nhưng để khỏi phạm húy chúa tiên Nguyễn Hoàng - người có công khai phá đất Đàng Trong nên đọc chệch thành Sa Huỳnh. Giai thoại còn mãi như bãi cát vàng qua bao tháng năm, bao mùa biển động, vẫn một màu vàng ươm như thế.
Sớm thu, từ ngoài khơi xa, những con tàu hối hả trở về bến đậu với những khoang chất đầy những con cá nục, cá thu, mực ống, mực nang tươi rói. Người Sa Huỳnh yêu biển, sống cùng biển nên tự ngày xưa như bao làng chài ở miền Trung họ có tục thờ cá voi mà họ kính cẩn gọi là cá Ông.
Trong vạn chài Thạch Bi nằm bên phía biển bây giờ được tu sửa khang trang nhưng vẫn còn lưu giữ bộ xương cá Ông khổng lồ dài trên vài chục mét, mỗi đốt xương có đường kính trên 1m.
Cũng sống cùng biển và có sự giao thoa giữa văn hóa Chăm nên cộng đồng ngư dân ở biển này lập đền thờ bà Thiên Y A Na bên phía đông của cửa biển. Trong ngày lễ, ngày tết, ở vạn chài và dinh thờ bà Thiên Y A Na nghi ngút khói hương và trong những chuyến ra khơi ngư dân nơi đây vẫn thắp hương để trông chờ vào sự phù hộ độ trì.
|
Dinh thờ bà Thiên Y A Na bên biển Sa Huỳnh |
|
Vạn chài thôn Thạch Bi nằm bên biển Sa Huỳnh |
|
Biển Sa Huỳnh lao xao “trên bến dưới thuyền” |
Đến Sa Huỳnh, sau khi tắm biển hay đi xem những nét đặt trưng của ngư dân vùng biển miền Trung, nếu may mắn đến vào lúc cúng vạn kết thúc mùa biển, du khách còn được xem biểu diễn hát bá trạo (hò kéo chài).
Những tiếng dô hò, những động tác khua mái chèo mô phỏng cả một cuộc hành trình bắt đầu từ việc dân chài chuẩn bị ra khơi; rồi ra khơi gặp sóng to gió lớn nên cùng nhau chèo chống. Rồi giữa sóng to gió cả, họ may mắn được “ông” (cá voi) giúp đỡ vượt qua bão tố, rồi họ tung lưới đánh cá đầy khoang và cùng nhau vui mừng khi trở về bên biển bình yên...
Ghé thăm vạn chài thôn Thạch Bi hay nhờ chiếc thuyền nan đưa qua phía dinh Bà thắp hương, du khách sẽ hiểu hơn nét đặt trưng của vùng biển miền Trung. Sau đó sà vào các hàng quán thưởng thức món cá luộc, mực hấp quấn bánh tráng hay món cua huỳnh đế làm mồi đưa cay, bạn sẽ thấy trời biển Sa Huỳnh thật mênh mang, hào phóng…
|
Núi Bù Nú nhìn từ khu du lịch Sa Huỳnh
|
Nguồn : Tuổi Trẻ