Tranh Đông Hồ vừa là nét đẹp xưa lại vừa là di sản văn hóa Việt Nam. Đã hơn năm thế kỷ trôi qua giờ đây tranh Đông Hồ tuy không còn cực thịnh nữa nhưng nét đẹp của chúng không vì thế mà mất đi.
Tranh lợn âm dương
Những ngày Tết cách đây chỉ vài chục năm, tranh Đông Hồ là một trong những yếu tố không thể thiếu được trong nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt tại miền Bắc.
Chương trình văn học nghệ thuật kỳ này lại trùng vào ngày Tết, Mặc Lâm mời quý thính giả về lại làng tranh Đông Hồ để tìm hiểu thêm những nét độc đáo của dòng tranh dân gian này.
Dải mây trắng đỏ lòm trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon.
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa.
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh.
Ðồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mất ngủ,
Ðể lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo.
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
Bài thơ "Chợ Tết" quý vị vừa nghe có lẽ đã vẽ ra một bức tranh sống động của sinh hoạt Tết của miền quê Việt Nam của thập niên 40, trong đó Đoàn Văn Cừ, tác giả bài thơ không quên chi tiết của một anh hàng tranh mà hình ảnh "kĩu kịt" quẩy tranh ra chợ bán trong ba ngày Tết đã khắc họa lên được một thời vàng son của những bức tranh dân gian như Tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Làng Sình (Huế), tranh Kim Hoàng (Hà Tây) nhưng trên hết vẫn là tranh làng Đông Hồ thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Làng Đông Hồ
Làng Đông Hồ thuở xa xưa có tên là Làng Mái. Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1944 là thời kỳ cực thịnh của dòng tranh Đông Hồ. Lúc ấy, tất cả những người trong làng đều tham gia việc làm tranh và họ xem đây là một nghề cao quý của làng. Tranh Đông Hồ được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp Tết, vì vậy việc làm tranh tập trung nhất vào khoảng tháng 7, tháng 8, cả làng tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết.
Theo nhiều tài liệu viết lại, lúc đó khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp và người ta vừa làm tranh vừa sống trong không khí lễ hội.
Có lẽ vì thế, tính cách đình đám ảnh hưởng rất lớn vào tranh Đông Hồ, những nét viền mạnh mẽ hòa cùng bố cục cứng cáp cũng như màu sắc rực rỡ chân quê khiến người xem bị thuyết phục vì tính chất quần cư lộ rõ trên từng chủ đề một.
Tranh giai tứ khoái
Nghệ thuật tạo hình dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới thường được xem xét qua nhiều khía cạnh mà một trong những khía cạnh quan trọng nhất là sự tái hiện lại giai đọan lịch sử của dân tộc đó.
Sinh hoạt hàng ngày và những nghi thức mang đậm nét văn hóa hoặc tôn giáo thường hiển hiện trên từng nét vẽ trong những tác phẩm hội họa hoặc các motif đặc trưng trong tác phẩm điêu khắc mà mỗi dân tộc sở hữu riêng. Dòng tranh Đông Hồ so niên đại thì còn rất trẻ đối với nhiều nền mỹ thuật tuy nhiên không vì thế mà bản sắc riêng không có.
Kỹ thuật chế bản
Nét riêng ở đây không thể không kể đến kỹ thuật chế bản mà tính chất mộc mạc dân gian lên đến mức cao nhất. Kỹ thuật tranh Đông Hồ bắt đầu với những tờ giấy được chế tạo công phu được gọi là giấy dó mà theo tư liệu của Wikipedia thì giấy dó là một loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gẫy, ẩm nát. Với đặc tính chống ẩm, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc và có tuổi thọ tương đối cao.
Giấy dó được nghệ nhân Đông Hồ sáng tạo lại thành giấy của riêng làng mình bằng cách nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò sống ở biển và tráng bột này lên mặt giấy dó. Bột điệp có đặc tính óng ánh khi ra nắng và làm màu trắng của nền giấy có hiệu ứng xa gần do được quét nhiều lớp chồng lên nhau.
Người ta dùng lá thông làm chổi để quét bột điệp nên những khe hở của lá tạo các đường rãnh li ti khiến cho mặt giấy có những đường gân lồi lõm nên khi sờ lên có cảm giác thô ráp như sờ trên mặt vải thổ cẩm. Hiệu ứng thứ đến là do cấu tạo thô ráp, tranh Đông Hồ gần gũi với nét dân dã hơn do đó lột tả được chủ đề mà dòng tranh này thường khai thác.
Màu sắc trong tranh cũng là một khai phá độc đáo của dòng tranh Đông Hồ, Chúng tôi hỏi chuyện nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người được xem là một trong vài người còn sót lại của làng Đông Hồ vẫn còn quan tâm đến sự bảo tồn và phát triển của lọai tranh này. Ông Chế cho chúng ta biết một vài khía cạnh độc đáo của nghệ nhân Đông Hồ trong việc xử dụng và khai thác chất liệu.
Tranh Đông Hồ được in hoàn toàn bằng tay với nhiều bản màu; mỗi màu dùng một bản, và màu đen còn được gọi là bản nét in sau cùng. Nhờ cách in này, tranh được "sản xuất" với số lượng lớn và không đòi hỏi kỹ năng cầu kỳ nhiều. Tuy nhiên vì in trên ván gỗ một cách thủ công, nên tranh bị hạn chế về mặt kích thước, thông thường các tờ tranh không lớn hơn 50 cm mỗi chiều.
Tranh Đám cưới chuột
Mang nhiều ý nghĩa
Tranh Đông Hồ được truyền tụng nhiều vì nét dí dỏm xen lẫn tính chất nông dã của nó. Người dân Việt cảm thấy gần gũi vì tranh lột tả những hình ảnh chung quanh làng quê Việt Nam mà trong đó những sinh hoạt hàng ngày hiển hiện lên mặt giấy khiến tranh Đông Hồ như một tấm gương trong soi lấy cảnh đời của người sở hữu nó.
Tranh Đông Hồ ngày Tết càng đằm thắm hơn nữa khi mục đích được nhắm tới là miêu tả hạnh phúc và sự sung túc trong đời sống hàng ngày của người dân quê. Những chủ đề thường được lập đi lập lại trong tranh Đông Hồ là hình ảnh của những con vật tượng trưng được sự cần cù chất phác nhưng cao thượng và chịu thương chịu khó.
Gà tượng trưng cho hy sinh, đùm bọc được nhắc nhở nhiều trong tranh Đông Hồ nhưng heo và cá cũng được dùng để mô tả ý hướng vươn lên trong cuộc sống. Con trâu được đem vào tranh với những nét ngộ nghĩnh chân quê lột tả được cái tinh nghịch tiềm ẩn trong từng con người nông dã. Cuộc sống đời thường cũng được mang vào tranh, từ "đám cưới chuột" cho đến "đánh ghen", "hái dừa" đều mô tả xuất sắc những sinh hoạt làng quê trong cộng đồng nông nghiệp.
Cũng như nhiều hoạt động văn hóa khác của Việt Nam, Tranh Đông Hồ cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những dòng tranh Trung Hoa trên những chủ đề quen thuộc mang tính khát khao sự no đủ, giàu có.
Tuy nhiên qua những đường nét có tính ước lệ cao cũng như ý hướng muốn vượt thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nước láng giềng được thấy rất rõ trên cách xử dụng màu sắc và bố cục chặt chẽ, tranh Đông Hồ đã vượt qua lằn ranh thủ công mỹ nghệ để tíến gần hơn với nghệ thuật dân gian.
Một vài tờ tranh Đông Hồ bên cạnh mâm ngũ quả ngày Tết sẽ là thứ mà các bà nội trợ ngày xưa không thể quên khi đi chợ trong những ngày áp Tết. Sự hiện diện của một bức tranh Đông Hồ trên vách trong ba ngày Tết là một ấm áp có thể cảm nhận được dễ dàng trong bất cứ gia đình Việt Nam nào. Nếu không như thế thì ông Tú đất Vị Xuyên đã không sung sướng hô vang:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột Om sòm trên vách bức tranh gà.
Tranh Vinh hoa
Tranh Trưng Trắc
Tranh Bịt mắt bắt dê
Tranh Nhân nghĩa
Tranh Ếch đi học
Tranh Đấu vật
Tranh Đánh ghen
Tranh Chuột rước đèn
Tranh Chơi chim
Tranh Chơi cá
Tranh Cá chép
Tranh Sân gà
Tranh Nghỉ ngơi
Tranh đàn lợn âm dương
Tranh hứng dừa
Tranh công múa
Tranh tứ bình - truyện Kiều
Tranh voi
Tranh gà trống
Tranh gà
Tranh em bé và hoa sen
Tranh đàn gà
Tranh cưỡi rồng
Tranh mục đồng thả diều
Tranh mục đồng học bài
Tranh mục đồng thổi sáo
Tranh múa rồng
Tranh múa lân
DDL sưu tầm