Ngót một thế kỷ rưỡi, Huế là kinh đô của nhà Nguyễn (1802 - 1945), triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong suốt thời gian ấy, Huế từng là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước. Tất cả mọi cái ăn, ở đến sinh hoạt đều được nâng lên tầm nghệ thuật.
Nếp nhà vốn được người Việt coi trọng, ở đây càng được trau chuốt hơn, nhất là ở những gia đình danh gia vọng tộc hoặc chí ít cũng thuộc hàng khá giả trong xã hội. Nhà của các tầng lớp ở Huế, từ trung lưu trở lên ngày xưa thường được làm theo kiểu nhà rường và tùy theo khả năng kinh tế của chủ nhân mà nhà được làm lớn hay nhỏ, trang trí cầu kỳ hay đơn giản.
Rường là cách gọi rút ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ, được dựng lên theo những quy cách nhất định, thường kiến trúc theo hình chữ đinh, chữ khẩu, chữ công hoặc nội công ngoại quốc. Dù to lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng hệ thống chốt và mộng gỗ, để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Số gian trong nhà được phân định bằng hàng cột, chỉ có hai trái ở hai đầu nhà là phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn.
Mọi mặt của đời sống đế đô đều bị chi phối bởi phong tục và lễ nghi. Việc làm nhà của cư dân cũng không nằm ngoài luật lệ vua ban. Ví như năm Minh Mạng thứ ba (1822) có ban hành một đạo dụ, quy định, tất cả nhà cửa, dù là phủ của hoàng thân quốc thích cũng không được làm quá ba gian hai trái. Cụ Đông các đại học sĩ Thân Trọng Huề, khi dựng nhà ở Gia Hội đã thay hai trái bằng hai gian, làm thành nhà năm gian để không phạm vào phép vua.
Để tránh ảnh hưởng của mưa bão và không vượt quá chiều cao của cung điện, nhà ở Huế được làm khá thấp, mái nhà có độ dốc lớn để thoát nước mưa. Nhà rường Huế có kích thước nhỏ. Nhà một gian hai trái ít khi dài quá tám thước tây. Ngôi nhà rường ba gian hai trái dài nhất cũng chỉ khoảng mười hai thước. Những gia đình đông người, chủ nhân thường phải xây thêm nhà ngang, nhà phụ làm chỗ ở. Nhà rường Huế được chạm khắc rất công phu. Mỗi đòn, kèo, cột... trong nhà thật sự là một bức họa nổi. Tùy theo khuynh hướng và khiếu thẩm mỹ của chủ nhân, hoa văn được dùng trong trang trí rất đa dạng, bao gồm: tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc - tước, gô đồng - phụng, liễu - mã, liên - áp, nho - sóc, lựu -thử...
Những chi tiết nhỏ nhất tận trong ngóc ngách không ai để ý cũng không bao giờ bị bỏ sót khi chạm trổ. Gỗ dùng để dựng nhà được chọn lựa rất kỹ. Người ta thường dùng những loại gỗ như kiền, gõ, mít rừng. Phần chính của ngôi nhà rường ba gian hai chái ở Huế trung bình có 56 cột, số lượng kèo, xà và đòn tay cần chạm trổ vì thế tính ra rất nhiều. Một tốp thợ lành nghề tám người cũng phải mất hơn hai năm để hoàn thành phần mộc của ngôi nhà. Khi phần mộc và các nguyên vật liệu khác đã đầy đủ, gia chủ sẽ chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ Thượng Lương, tức lễ dựng đòn nóc cho căn nhà. Lễ vật chính trên bàn thờ là một lá bùa bát quái trấn trạch. Trên đó ghi ngày làm lễ, tuổi của gia chủ.
Phần trên của lá cờ có gắn hai lá thiên tuế để cầu cho sự trường tồn của căn nhà, mép dưới lá cờ gắn 2, 4 hoặc 6 đồng tiền cổ để cầu tài lợi cho gia chủ. Ngoài hương trà hoa quả, trên bàn thờ còn bày thêm gạo, vàng mã. Những người thợ cũng để lên bàn thờ mỗi người một đĩa gạo, tiền để xin lộc của lá bùa. Người thợ cả còn để thêm một chiếc khăn đầu rìu màu đỏ lên đĩa của mình và dùng khăn đó chít đầu khi dựng đòn nóc. Khi hành lễ, gia chủ sẽ khấn bài lễ Thượng Lương với năm câu phụng thỉnh các vị tổ của nghề xây nhà. Một trong những vị ấy là Lỗ Ban. Một vị khác không kém phần quan trọng là Cửu Thiên Huyền Nữ, chúa tể của các vật liệu trong thiên nhiên để bà cho phép dùng gỗ làm nhà.
Hướng nhà được ấn định bằng cách xem tuổi của chủ nhà. Kích thước nhà và cửa ngõ rất được coi trọng. Người ta cho rằng sự hưng thịnh của gia chủ về sau bị chi phối bởi những yếu tố này. Chính vì vậy mà cây thước Lỗ Ban là dụng cụ không thể thiếu trong việc xây cất nhà. Tục truyền, trong quá trình làm nhà, gia chủ phải dùng lễ đối đãi với thợ, nhất là thợ cả. Những người thợ có thể dùng bùa Lỗ Ban để hại gia đình nếu họ bị ngược đãi. Bùa Lỗ Ban có ba loại thượng, trung và hạ. Mỗi loại có 16 cặp để yểm và giải. Tùy theo tuổi và căn cơ cao thấp của chủ nhà, người thợ cả sẽ chọn bùa. Thường người thợ cả vẽ một lá bùa nhỏ giấu vào khe đòn tay, kèo hay chân cột khi thuận tiện, có khi yểm thêm một miếng sắt nhỏ khắc ngựa và đao. Những người thợ cả cao tay ấn chỉ cần vẽ bùa trong không khí rồi vỗ vào cột chính cũng đủ cho gia chủ liêu xiêu.
Nhà rường Huế không bao giờ thiếu vườn. Vườn được thiết kế công phu không kém gì ngôi nhà chính. Tổng thể nhà vườn được quy hoạch kiến trúc theo các nguyên tắc của thuật phong thủy. Ngôi nhà phải có bình phong (nằm phía trước nhà, ngay trên trục chính của gian giữa), hai biểu tượng rồng chầu hổ phục đối xứng hai bên sân, và “minh đường” là yếu tố mặt nước, có thể là cai bể cạn trên sân hoặc cái ao sen nằm sau hòn non bộ. Trong vườn Huế, người ta thường chưng những chậu cảnh uốn theo các thế, trồng hoa và các loại cây ăn trái. Cây cối đem trồng được chọn lựa rất kỹ. Mỗi thứ cây đều có một ý nghĩa nào đó. Tùng, bách là những cây tiên lão, trường sinh, chỉ nên trồng trong lăng tẩm; ngô đồng là cây quân tử nên trồng trước nhà; đào ngăn quỷ nhưng quỳnh chiêu gọi ma; cây vả đem lại sự không may mắn nên không trồng gần nhà...
Ngày nay, nhà rường ở Huế còn lại không nhiều và mỗi ngôi nhà thật sự là một công trình nghệ thuật độc đáo. Nhà rường Huế là tài sản không những của chủ nhân ngôi nhà, của Huế mà là của cả dân tộc. Nó không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, là một phần tinh hoa cần phải gìn giữ, bảo tồn để ngoài sông Hương, núi Ngự, còn có nét gì nhớ về Huế xưa.
Nguồn : website Huế