Dân tộc Tà Ôi hay còn gọi là dân tộc Pa Cô, Pa Hi có khoảng 30.000 người, sinh sống chủ yếu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Người Tà Ôi có nhiều tập tục hay, nhiều sinh hoạt đẹp.
Thật là thú vị khi mùa xuân về, được nghe các điệu hò, câu hát, lời ru, âm thanh của trống, cồng, khèn cùng các điệu múa như bừng lên một sức sống mới.
Ngày xưa, khi đời sống tinh thần với thế lực siêu nhiên thường xuyên là nỗi ám ảnh không rời đối với đồng bào Tà Ôi, thì ngày nay thế lực ấy đang ngày càng bị mai một dần trong ý niệm của họ. Cuộc sống trước mắt vẫn là niềm tin yêu, những truyền thống văn hóa tốt đẹp được gạn đục khơi trong đang bảo lưu, gìn giữ.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Thừa Thiên- Huế |
Nét đẹp đa dạng nhất của văn nghệ dân gian Tà Ôi là các làn điệu dân ca, nó phong phú cả về chủ đề lẫn thể loại. Ví như Calơi là loại hát đối đáp nghiêng về lý trí, để khuyên răn mọi người bỏ thói lười biếng trong lao động:
“Buổi tối thức khuya như con chim A Vang
Buổi sáng mọi người ra rẫy nó còn nằm”
Hay một câu ví von:
“Ơ! Ơ! cái gì đụng đậy đằng kia
Thây như con voi và moi như con chuột”
Một thể loại dân ca khác là Rơin cũng có sức sống mạnh mẽ:
“Ơi, này con chim, con cá ơi
Nước chảy nhiều không được lội bơi
Trời cao xa không đưa tay với... ơ!”
Và thể loại dân ca nổi bật tính trữ tình, đó là “cha - chấp”. “Cha - chấp” xoay quanh vấn đề tình yêu đôi lứa:
“Buổi sáng em ra rẫy
Lấy lá môn múc nước suối trong
Em đứng soi bóng mình
Sao em thấy cả bóng anh
Bụng thấy nhớ anh hung
Nhưng nghe vai củi nặng
Em cố quên bóng chàng”
Sau những lần hẹn ước khi đi sim, họ gắn bó với nhau không một trở lực nào có thể ngăn cách:
“Anh đã hẹn với em
Nơi hòn đá to dài
Em ngồi đợi chờ anh
Ống nước xanh đã vàng
Nhưng bóng anh nào thấy
Anh đã hẹn với em
Em đến chờ đợi anh”
Giai điệu, lời ca rất trữ tình mộc mạc, trong sáng, có khi như vuốt ve, như mơn trớn, chàng trai lên tiếng nói lời tạ lỗi với tất cả nỗi lòng mình:
“Đôi chân em đẹp như ngà voi
Cái ngực em đẹp như mặt trăng
Anh thấy tóc em như dải mây dài trên núi
Cái bụng anh thương em
Cái đầu anh nhớ em!”
Lắng nghe lời thổ lộ tâm tình của chàng trai, cô gái liền đưa lời thách đố:
“Anh ơi, nếu anh cõng em qua núi này
Em tặng anh cái vòng vàng
Còn anh đưa được em qua suối
Vòng bạc sẽ về anh ...”
Lập tức chàng trai trả lời lại ngay:
“Ôi em! dù em muốn qua ngọn núi cao
Anh sẽ cố đưa em lên bằng được
Dù em muốn qua dòng suối sâu
Suối sâu kia không ngăn cản được bước chân anh”
Trong cuộc sống hàng ngày, nhu cầu trao đổi tình cảm trong mối quan hệ giữa miền xuôi và miền núi đã gắn chặt bao nếp suy nghĩ, cách làm ăn và lối sống của các dân tộc anh em :
“Ơi! Í A chai ới!
Ơi chàng trai miền xuôi
Ơi! A un ơi
Ơi! Cô gái miền ngược
Hòa chung giọng hò
Bắp trên rẫy cũng vui
Lúa trên nương cũng cười”
Ngoài ra, kể sao hết được cả kho tàng tục ngữ, ca dao, câu đố... mà ở đó đã tích lũy biết bao nhiêu kinh nghiệm, nhận thức, tình cảm, ước mơ qua bao đời của đồng bào Tà Ôi. Đó chính là những nét đẹp riêng của một bản sắc văn hóa độc đáo và đầy lý thú của một dân tộc.
(Theo Tạp chí Hồn Việt)