Tộc người Xơ Đăng hiện sinh sống trên các địa bàn miền núi của các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Người Xơ Đăng có những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc riêng.
Các tục lệ, lễ hội của người Xơ Đăng rất phong phú và đa dạng, nhưng lễ đâm trâu được tổ chức nhiều nhất vào các ngày mùa, tết… bởi lúc này người Xơ Đăng mới có dịp thi thố tài năng hát múa, tấu chiêng trống, thổi sáo, đánh đàn và kể chuyện. Đây cũng là dịp để họ thể hiện tài năng nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ trên các cây nêu. Riêng về tục lệ cưới xin cũng đơn giản, nhưng có một điều lý thú mà ít người để ý là tục lệ trong đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ Xơ Đăng trước lúc ngủ chung (động phòng). Anh Lê Hà Hiệu - Phó giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Trà My cho biết, một số bản làng ở các xã vùng cao thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn còn lưu truyền tục lệ này.
Theo tục lệ truyền thống của người Xơ Đăng, khi trai gái lớn lên muốn xây dựng vợ chồng, trước tiên bên nhà trai phải nhờ người già uy tín trong làng đến nhà gái hỏi dạm (thăm dò), sau khi được gia đình nhà gái chấp thuận và cô gái ưng ý thì hai bên sắp xếp thời gian cho chàng trai và cô gái gặp mặt. Vào dịp này, người con trai chuẩn bị sẵn tặng vật như: cườm, vòng đeo tay, vòng đeo cổ... trao cho người con gái để làm tin và để phân biệt người nữ này đã có chồng. Gia đình gái cắt tiết con gà trống cho chảy vào chén, lấy cây que nhỏ chia chén huyết làm hai, mỗi bên đem về mỗi phần. Khi đêm về, trong giấc ngủ nếu họ mơ thấy: nước, trồng chuối, trồng cây là báo điều tốt lành; nếu mơ thấy đi bắt cóc, cây ngã đổ là xấu, chưa thể tổ chức ăn cưới được. Lễ cưới của người Xơ Đăng rất đơn giản, những lễ vật như: rượu cần, nếp, cá... được hai bên gia đình chuẩn bị từ trước.
Theo lệ, sau khi cưới xong, đôi vợ chồng trẻ về ở chung với gia đình bên trai hoặc bên gái trước khi ra ở riêng, nhưng thường là ở bên nhà gái vì người Xơ Đăng quý mến con gái hơn, nên chàng rể được coi trọng và được quyền điều hành quản lý. Vì thế, gia đình ba thế hệ vẫn còn tồn tại ở làng người Xơ Đăng hiện nay.
Sau khi cưới xong, cô gái về làng nhà chồng nhưng chưa vào nhà chú rể; đêm tối, khi gia đình nhà trai mời bà con, họ hàng đến để chứng kiến và ra mắt cô dâu, lúc ấy cô dâu mới được vào nhà hợp pháp và tổ chức ăn mừng. Sau khi ai về nhà nấy, nhà trai chuẩn bị một con gà trống tơ (chưa biết đạp mái), cắt tiết hòa với rượu, luộc gà. Sau đó giao cho hai vợ chồng trẻ vào buồng tối cùng uống tiết và ăn gà, đó là nghĩa cử thể hiện sự hòa hợp, hạnh phúc.
Uống rượu tiết, ăn thịt gà trong đêm tân hôn của đôi trai gái người Xơ Đăng thể hiện tâm trạng thỏa mái, bồi bổ sức khỏe tốt, hạnh phúc và là niềm ước muốn cho ra đời một thành viên mới khỏe mạnh. Nét đẹp văn hóa đó vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Nguồn: Báo Quảng Nam