Tổ Quốc - Ga Đà Lạt được coi là nhà ga cổ, độc đáo nhất Đông Dương. Nhưng không chỉ kiến trúc cổ độc đáo mà nơi đây còn để lại nhiều ấn tượng như thể được lên chuyến tàu thời gian của hai khoảnh khắc thời gian xưa và nay.
Ga Đà Lạt luôn nằm trong những điểm tham quan hấp dẫn du khách khi tới Đà Lạt.
Đây là nhà ga tàu hỏa cổ kính nhất không chỉ của Việt Nam mà còn của
Đông Dương do người Pháp xây dựng, góp phần mang lại cho Đà Lạt vẻ đẹp
cổ điển phương Tây. Cho đến nay, khi nhìn lại kiến trúc này vẫn thấy
chút gì đó dư âm của sự cái nhẹ nhàng, hòa sắc giữa đất trời.
Người Pháp xây dựng Ga Đà Lạt từ năm 1932 cho tới năm 1938 thì hoàn thành.
Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế với kinh phí xây dựng khoảng 200.000 france.
Hình dáng của Ga Đà Lạt được lấy cảm hứng từ thiên nhiên nơi đây, tạo
nên một phong cách kiến trúc vô cùng độc đáo. Nhà Ga có ba hình mái
chóp, cách điệu từ dáng núi Langbiang, từ mái nhà rông truyền thống của
Tây Nguyên nhưng vẫn mang đậm hơi thở từ nước Pháp xa xôi.
Từ ga Đà Lạt ta thấy đâu đó bóng dáng của ga Miền Nam nước Pháp với phần nhô ra từ nóc và chân thụt vào theo hướng thẳng đứng.
Nhà ga mang hơi thở của trời Tây trên nền Đà Lạt, là nơi ẩn chứa những
điều thú vị của thành phố tình yêu. Hiếm nhà ga nào ở Việt Nam có nhiều
kỷ lục như ga Đà Lạt, cùng với Hải Phòng, ga Đà Lạt được xem là ga cổ
nhất nước ta. Ngoài ra, đây cũng được xem là nhà ga độc đáo nhất, cao
nhất, là nơi duy nhất có đầu tàu chạy bằng hơi nước.
Những ngày đầu xây dựng, gian khó khi đường tàu Đà Lạt phải băng qua bao
nhiêu núi đồi. Việc xây đường hầm nhiều khiến chi phí đội lên và quá
trình xây dựng diễn ra dài hơn. Nhưng thành quả thật đáng tự hào; Đường
ray và đầu máy của ga là đường ray và đầu máy răng cưa. Mô hình đường
ray và đầu máy này được thiết kế theo kiểu của Thụy Sĩ.
Đường sắt có 3 đường ray và phần răng cưa nằm ở giữa. Lối cấu trúc này
chỉ có ở Thụy Sĩ và Đà Lạt. Đây cũng là điểm khiến cho ga Đà Lạt khác
biệt với những ga khác.
Tuy nhiên, phần răng cưa ngày xưa giờ không còn nữa. Ga Đà Lạt im lìm trong những câu chuyện kể về nơi đây.
Những chiếc đồng hồ hơi nước đã nhuộm màu thời gian.
Hiện nay, ga Đà Lạt không còn sử dụng để vận chuyển hàng hóa mà chủ yếu vận chuyển khách du lịch.
Với việc vận chuyển khách du lịch trong quãng đường dài 7km, du khách
khám phá thành phố trên chuyến tàu chầm chập với tiếng kêu điển hình,
không lẫn vào đâu cũng khiến nhiều người thấy lại được nét rất riêng,
rất đậm sâu về Đà Lạt.
Tất cả những điều ấy khiến cho ga Đà Lạt trở thành một cái tên hấp dẫn.
Ai đi Đà Lạt cũng tranh thủ rủ nhau tới nơi đây. Dấu ấn một thời đã qua
lưu lại nơi ga Đà Lạt làm lãng mạn thêm cho thành phố ngàn sương với cái
ngọt ngào, se lạnh và nhiều màu sắc.Từ thế kỉ trước đến thế kỉ này, ga
Đà Lạt vẫn ở đó và làm lưu luyến lòng người.
Ga Đà Lạt là một trong những điểm "check in sống ảo" của nhiều bạn trẻ mỗi lần đến Đà Lạt
Hình ảnh ga Đà Lạt cổ mang hình dáng căn biệt thự theo lối thiết kế
phương Tây thế kỉ trước là một kỉ niệm đẹp của Việt Nam, một dấu ấn kiến
trúc tuyệt vời của người Pháp.
Dẫu xình xịch tiếng tàu ngân vang từ thuở trước hay bình yên trong cái
không gian tĩnh tại ngày hôm nay, ga Đà Lạt vẫn thế, nằm trọn vẹn trong
tình yêu Đà Lạt, nỗi nhớ nhung của nhiều người dù chỉ một lần đặt chân
đến nơi đây.