Tổ Quốc - Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 11 mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Tháp Bánh Ít tọa lạc trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Đại Lễ (xã Phước
Hiệp, huyện Tuy Phước). Tháp nằm gần cầu Bà Di nên còn có tên gọi tháp
Cầu Bà Di.
Quần thể tháp Bánh Ít gồm có bốn tháp: Đền thờ chính (Kalan), tháp cổng
(Gopura), tháp hỏa (Kosagrha) và tháp bia (Posah). Căn cứ vào các phế
tích còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng số lượng kiến trúc tại đây còn
nhiều hơn, tạo nên một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh với nhiều loại
hình kiến trúc khác nhau
Theo lịch sử ghi chép lại, tháp Bánh Ít có niên đại khoảng cuối thế kỷ
11 - đầu thế kỷ 12. Tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ
Sơn A1 sang phong cách Bình Định, là sự kết hợp hài hòa của vẻ đẹp giữa
hai khuynh hướng trang nhã, nhịp nhàng và khỏe khoắn, hoành tráng trong
nghệ thuật kiến trúc Chăm.
Tháp Chính nằm trên đỉnh đồi, đây là tòa kiến trúc lớn nhất với
chiều cao 29,6m có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh dài 12m, có một cửa
chính ở phía Đông và ba cửa giả. Của chính được xây dựng nhô ra khỏi mặt
tường tháp 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt
Kala. Diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần HaNuMan đang múa. Ở
các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm lại được tạo các phù điêu
Gajasimha.Tháp Hỏa nằm về phía tây tháp Bia, cạnh tháp Chính, chiều cao
10m, dài 12m, bề rộng 5m, độ dày tường 1,4m. Đây là kiến trúc có chức
năng như nhà kho, nơi người Champa xưa đặt các vật dụng phục vụ tế lễ.
Bên trong tháp thờ ngày nay đặt một bức tượng Shiva, là bản phục chế của
bức tượng nguyên gốc từng được đặt tại tháp (hiện bức tượng gốc đang
nằm trong Bảo tàng Guimet, Pháp).
Tháp Lửa nằm ở phía Nam của tháp thờ chính, có hình dáng đặc trưng với phần mái cong hình yên ngựa.
Đây là ngọn tháp được trang trí rất cầu kỳ, với những hình người như đang gồng mình, dùng hai tay như nâng bổng cả mái tòa tháp.
Vật liệu xây dựng ở tháp Bánh
Ít rất đa dạng, người Chăm thường dùng đá sa thạch, đá hoa cương và gạch
được điêu khắc để xây dựng.
Trên mặt tường của tháp, các nghệ sĩ Chăm xưa đã tô điểm bằng những băng, những ô hình hoa lá.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Bánh Ít được xây dựng vào khoảng thế kỷ
thứ 10, là nhóm tháp đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách
Trà Kiệu sang phong cách Bình Định, kết hợp hài hòa vẻ đẹp của hai xu
thế: nhịp nhàng, trang nhã và khỏe khoắn, hoành tráng của kiến trúc
Chăm.
Bên cạnh dáng vẻ uy nghi của tòa tháp là vẻ thanh tú của những đường
nét, họa tiết hoa lá trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt
vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem.
Quần thể tháp Bánh Ít có nhiều tượng, phù điêu với đường nét chuyển động
duyên dáng thể hiện văn hóa Chăm thời kỳ này. Ngoài ra còn có các linh
vật cả trong cuộc sống thực lẫn từ thần thoại như voi, hổ, garuđa cũng
là một chủ đề được sử dụng rất nhiều trong hệ thống tháp Bánh Ít.
Với sự kết hợp nhịp nhàng của sự trang nhã, khỏe khoắn với độ hoành
tráng của kiến trúc Chăm, tháp Bánh Ít là một kiệt tác trong kiến trúc
nghệ thuật tháp Chăm trên mảnh đất Bình Định.