Ngày Tết truyền thống ở Việt Nam sao có thể thiếu nhành mai đào tươi thắm hay những loại trái cây cát tường thơm ngon thay lời nguyện ước bình an, sung túc. Và không nơi đâu cho bạn cảm nhận rõ nét một không khí căng tràn nhựa sống mùa xuân như những khu vườn miền Tây. Tại vùng đất được xem là thiên đường hoa trái này là vô số bản hòa ca sinh động với đầy đủ sắc, hương, vị khiến ai cũng khó lòng chối từ.
Khúc biến tấu tại làng hoa Tân Đông Quy
Làng hoa Tân Đông Quy ở Sa Đéc, Đồng Tháp là một trong những trung tâm hoa nổi tiếng của miền đồng bằng Sông Cửu Long. Vào mùa giáp Tết, hơn 2.000 chủng loại hoa ở đây đều nở rộ với đủ các sắc màu rực rỡ và hương thơm quyến rũ.
Tại làng Tân Quy Đông, tất cả hoa đều được trồng trong những giỏ tre đặt trên giàn cao và người dân sẽ dùng ngay nước sông rạch chảy phía dưới để tưới. Nổi bật, có thể kể đến hoa hồng nhung đỏ thắm lôi cuốn, hồng Cleopatre hồng phấn nhệ nhàng, hồng Maccasa màu cam kiêu kỳ,… ngoài ra cón có các loại lan, thược dược, tú cầu, mai chiếu thủy, vạn thọ… tạo nên một bức tranh phong phú. Phổ biến nhất là cúc mâm xôi , màu vàng rực óng ánh như vầng thái dương này đã mang hương xuân đi khắp mọi miền và trở thành đặc sản của Sa Đéc.
Vàng tươi làng mai Phước Định
Làng mai Phước Định là một làng mai cổ truyền được mệnh danh là “thủ phủ” của mai ở các tỉnh miền Tây. Khu làng nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long 3km, đã được công nhận là địa chỉ cung cấp mai vàng có tiếng trong cả nước. Hiện nay, ở làng mai Phước Định đang có hơn 550 cây đại mai trên 100 tuổi đường kính có thể lên đến gần 1m và hàng ngàn cây mai trẻ. Mai ở miền Nam rất phong phú, đa dạng nhưng riêng ở làng mai Phước Định chỉ trồng giống mai nguyên thuỷ, dáng bonsai chứ không trồng mai ghép. Khi chúng nở rộ sẽ làm sáng cả một trời bởi màu vàng rực bắt mắt, những cánh hoa mềm mại chen chúc nhau khẽ lay động trong gió xuân.
Công đoạn chăm sóc những cây mai ở làng Phước Định được thực hiện vô cùng kĩ lưỡng trong cả năm trời chỉ đợi đến dịp Tết để khoe sắc. Nói cách khác người trồng mai như những nghệ nhân, dùng tình yêu thượng, sự cần mẫn, bền bỉ và đam mê để mỗi một cây là một tác phẩm nghệ thuật, một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong ngày tết ở miền Tây.
Bức tranh đa sắc từ chợ nổi
Sẽ rất thiếu sót nếu bỏ qua bức tranh sinh động từ những khu chợ nổi trên sông, niềm tự hào của miền Tây.Cứ mỗi tầm 15 tháng Chạp hằng năm là chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng chở đầy ắp hoa cỏ, cây trái, bánh mứt để phục vụ cho dịp Tết. Cả quãng sông dài vài km tấp nập ghe thuyền, người mua kẻ bán đông đúc, sôi nổi. Ở đâu đó lại có một nhóm họp chợ hoa sặc sỡ đủ màu vàng, đỏ, hồng, tím,… làm bừng sáng cả một góc sông. Hay một số chỗ lại là một bức tranh biến tấu trộn lẫn nhiều gam màu của vải vóc, bánh kẹo, trái cây… thú vị. Bên cạnh đó còn có nụ tươi thắm thân thiện của những người con sông nước, tạo nên không khí mùa xuân ấm áp khó tả.
Vương quốc quýt hồng Lai Vung
Nằm bên dòng sông Hậu được phù sa bồi đắp, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) được biết đến với tên gọi “Vương quốc” quýt hồng. Loại quýt nổi tiếng với hương vị thơm, ngọt, vỏ mỏng ít hạt, luôn là mặt hàng bán chạy nhất mùa cuối năm cả trong và ngoài nước.
Loại quýt này chín rộ vào những tháng cận tết, đến đây bạn sẽ được hiêm ngưỡng khu vườn với hàng cây trĩu quả vàng ươm rực rỡ dưới nắng, những chùm quýt căng mọng, bóng bẩy, núp dưới tán lá xum xuê, thoang thoảng trong gió là mùi thơm nhẹ đặc trưng của loại trái cây cát tường này.
Trái cây cũng biến hình
Việc chế tác những loại trái cây có hình dáng đặc biệt là một điểm nhấn thú vị trong những phiên chợ Tết. Âsy mới thấy được sức sáng tạo của người nông dân thật tuyệt vời.
Những sản phẩm nổi tiếng nhất phải kể đến những trái dưa hấu chạm khắc tuyệt đẹp, những trái bưởi tạo hình hồ lô, thỏi vàng ở Hậu Giang; xoài in chữ thư pháp ở Đồng Tháp, hay những trái dừa hồ lô Tài Lộc ở Bến Tre,… mỗi một năm họ lại tì cách tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn phục vụ dịp Tết. Công đoạn trồng công phu nên giá thành những loại quả kỳ lạ này có giá khá cao, có khi lên đến 5 – 6 triệu. Nhưng điều này cũng không hề làm các giới chịu chơi chùn bước, khi các sản phẩm có mặt trên thị trường hằng năm đều cháy hàng nhanh chóng.
Sắc màu mâm quả truyền thống
Trong gia đình không thể thiếu mâm ngũ quả truyền tượng trưng cho sự hòa thuận, viên mãn và sinh sôi của vạn vật. Ngoài ra, số 5 còn mang ý nghĩa: Phúc (phúc đức) – Lộc (giàu có) – Thọ (tuổi thọ) - Khang (sức khỏe) – Ninh (bình an). Tùy theo quan niệm mà mỗi vùng miền sẽ chọn các loại hoa quả khác nhau để bày trí. Riêng người miền tây thể hiện rõ tính hào sảng, hóm hỉnh khi chọn theo “Cầu sung vừa đủ xài” tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Họ không mưu cầu tài lộc quá nhiều mà chỉ ước mong năm mới đủ đầy, sung túc. Ngoài ra, một số gia đình còn có thêm quả thơm với mong muốn thêm nhiều con cháu và một cặp dưa hấu đỏ thắm để cầu may mắn.