Làng Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam như một cù lao được bao bọc bởi hai nhánh sông Đế Võng và Đầm Rong quanh năm ăm ắp nước tạo nên một sức sống xanh tươi trên vùng đất cát trắng với nghề trồng rau sống.
Rau Trà Quế ngon có tiếng, tuy không to và mượt mà như các loại rau thường thấy ở các chợ vùng quê khác nhưng đọng lại ở người thưởng thức chính ở hương vị đặc biệt. Gắp đũa rau sống vào miệng, một cảm giác ngây ngất bởi sự nồng nồng, cay cay đan xen vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát và thơm đến khó tả khiến ta tưởng chừng như tất cả những hương vị của thiên nhiên đồng nội đã được kết tinh hoà quyện vào từng cọng rau. Có nhiều du khách tò mò hỏi: “Tại sao rau gì của làng cũng đều có mùi thơm và vị rất lạ, chỉ cần một lần thưởng thức là có thể phân biệt được với rau nơi khác?”. Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng do đoạn sông chảy qua làng Trà Quế sinh sôi, nảy nở rất nhiều loại rong như rong cây, rong chồn, rong chèo, rong vịt, rong trứng,…Người dân chỉ cần vớt rong lên mà lót thẳng vào luống đất trồng rau, không cần nhiều các loại phân khác cũng đủ cung cấp chất dinh dưỡng cho rau. Những cây rau bám sâu vào lớp đất tơi xốp quyện với rong hóa mùn mà lên mươn mướt, tạo nên sắc thái riêng cho rau Trà Quế.
Hầu hết các loại rau đặc trưng của vùng nhiệt đới đều thích hợp với đất Trà Quế. Khác với rau xanh Đà Lạt, làng rau Trà Quế có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô….. Theo tập tục của làng, dẫu được hay mất mùa, mỗi nhà vẫn không quên để lại một, hai luống giống, đến ngày mồng 7 tháng giêng tổ chức cúng thần hoàng bốn xứ, thần linh thổ địa cầu mong mưa thuận, gió hoà, cầu cho bông tươi, hạt nhiều, trái lớn nhà nhà ấm no.
Từ lâu, rau Trà Quế trở thành một món ẩm thực không thể thiếu của người dân Hội An. Bữa cơm người phố Hội mà thiếu rau Trà Quế như thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Đĩa rau sống đặt giữa mâm cơm kích thích thêm thị giác, vị giác, khứu giác của người đang thưởng thức. Thú vị nhất là vào mùa cá cơm, cá nục; chọn những con còn tươi luộc chín cuốn bánh tráng với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt thì thật là tuyệt. Còn các món ăn đặc sản của xứ Quảng Nam như mì Quảng, cao lầu, bê thui Cầu Mống, thịt heo cuốn bánh tráng sẽ mất ngon nếu không được ăn kèm theo rau sống Trà Quế.
Giờ đây rau sống Trà Quế trở thành một thương hiệu rau nổi tiếng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau Trà Quế. Thị trường cung cấp rau sống Trà Quế đã vươn tầm ra khỏi khu vực Quảng Nam và đã có mặt tại các siêu thị ở thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,...Bên cạnh đó làng rau Trà Quế cũng là một "địa chỉ đỏ" trong bản đồ hay các tour tham quan của du khách trong và ngoài nước. Người Trà Quế có cách làm du lịch riêng của họ, theo kiểu "homestay"( nghĩa là du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân). Họ sắm những bộ áo quần nông dân, dép lê, nón lá và dựng những ngôi nhà dành cho du khách nghỉ ngơi. Du khách sẽ được người làng rau bày cho cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón rau. Nhưng trước khi xuống các vườn rau để làm nông dân, du khách sẽ có những chuyến chiêm ngưỡng thỏa thích các loại rau Trà Quế tại các điểm trưng bày, nhà đón khách...
Đi giữa cánh đồng rau bát ngát, nhìn những luống rau xanh um, nõn nà, dài tít tắp mới hiểu vì sao khách du lịch ví người trồng rau Trà Quế quê tôi là những nghệ nhân. Để rồi một mai khi đi xa Hội An, người bản xứ hay du khách đều vấn vương mãi cái mùi hương nồng nồng, cay cay thấm đậm tình đất và người Trà Quế.
Nguồn : Báo Lao Động