Một ngày đầu tháng 8, lục tìm lại trong trí nhớ về một Hà Nội xưa, chúng tôi tìm đến “tứ trấn Thăng Long”, bốn ngôi đền thiêng trấn giữ những vị trí huyết mạch trên đất Hà thành. Chuyến đi đúng vào dịp “tứ trấn” đang được trùng tu, tôn tạo. Dẫu vậy trong cái rủi lại có cái may, bởi lần đầu tiên chúng tôi bị hút vào một thế giới của sự thâm trầm cố hữu, sự uy linh và huyền diệu của đền thờ, miếu mạo.
Qua đền Quán Thánh, vào Bạch Mã
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đền Quán Thánh (còn gọi là Trấn Vũ Quán) - nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn cửa Bắc thành Thăng Long xưa. Nay đền nằm ở điểm quy tụ ngã tư đường Thanh Niên, đường Quán Thánh, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Sử sách chép: đền có từ thời Cao Biền (thế kỷ 9) ở phía nam sông Tô Lịch. Sau Lý Thái Tổ dời đô (1010), mở rộng thành cũ đã dời đền về Tây Bắc thành (tức vị trí hiện nay).
|
|
Tòa nhà Đại bái đền Quán Thánh với hai bên tả, hữu thờ Thanh Long, Bạch Hổ |
Cổng tam quan vào đền hiện đang được tu sửa, nhưng phía trong sân đền từng đoàn du khách tấp nập kéo vào nhà Đại bái và Mật cung. Tòa Đại bái cao ráo, nguy nga với cột xà, cửa võng đều sơn son thếp vàng. Hai bên tả, hữu treo biển đồng chữ bạc của vua Thiệu Trị ban, trên có khắc bài thơ của chính ông và một khánh đồng do một đại đô đốc thời Tây Sơn cung tiến, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1795).
|
Chiếc khánh đồng do một đại đô đốc thời Tây Sơn cung tiến, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1795) |
Ấn tượng nhất là trong nội cung có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, được đúc vào năm 1676-1704 đặt ở mặt điện. Tượng bằng đồng đen, cao 3,96m, nặng 4.000kg, ngồi oai nghiêm trên một bệ đá, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, đầu không đội mũ, tóc xõa ra sau lưng, mình mặc đồ đạo sĩ màu đen, đi chân đất. Tay trái tượng xòe ngón trỏ giơ lên trước ngực để bắt quyết, tay phải chống kiếm lên lưng rùa, thân kiếm có rắn quấn (rắn tượng trưng cho sức mạnh, rùa tượng trưng cho sự trường tồn của thần). Pho tượng là một công trình nghệ thuật phản ánh kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng điêu luyện của ông cha ta thế kỷ 17.
|
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ uy nghi đặt tại điện thờ |
Rời đền Quán Thánh, men theo đường Phan Đình Phùng, rẽ vào phố Hàng Cót, qua phố Hàng Gà và đi thẳng vào phố Lãn Ông, chúng tôi tìm đến số nhà 76 phố Hàng Buồm, nơi đền Bạch Mã tọa lạc. Đây là một di tích hoàn chỉnh và biệt lập, xây dựng theo hướng đông nam, sát hè phố Hàng Buồm, trên khu đất có chiều dài 37,33m, rộng 15,96m.
|
Điện thờ thần Bạch Mã |
Đền có quy mô lớn, mặt bằng tổng thể bao gồm các công trình kiến trúc trên một trục chính gồm: Nghi môn, Phương đình, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Đền có 17 bức hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ, cùng các nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo. Nét đặc biệt ở đây là những con nghê trên xà ngang, những lồng đèn hình hoa sen trên đầu bốn xà nách và những họa tiết bài trí trên các ô cửa đều có phong cách gần gũi với phong cách kiến trúc của các phương đình tại hội quán Hội An và một số hội quán phía Nam hơn là kiến trúc phương đình ở phía Bắc.
|
|
Những họa tiết bài trí trên các ô cửa đền Bạch Mã có phong cách gần gũi với phong cách kiến trúc của các phương đình tại hội quán Hội An và một số hội quán phía Nam |
|
Chiếc chuông cổ đặt tại điện thờ thần Long Đỗ |
Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần thành hoàng của kinh thành Thăng Long xưa. Tương truyền năm 1010 Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần đắp lên lại bị đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền Long Đỗ thì thấy một ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Về sau nhà vua sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm “Thăng Long thành hoàng đại vương”. Vì thế gọi đây là đền Bạch Mã (đền ngựa trắng).
|
Tượng người Chiêm Thành hầu thần Long Đỗ |
Đền đứng trấn phía đông nên được coi là một trong “tứ trấn Thăng Long” của kinh thành xưa. Trải qua các triều đại, đền được người đời ca tụng là chốn “vạn cổ anh linh” (muôn thuở linh thiêng). Một nhà thơ khuyết danh đã đề thơ ca ngợi đền:
Hiển hách thần uy nhất dạ linh phong đằng bảo mã
Huy hoàng hỏa đức thiên thu vượng khí trấn Thăng Long.
Dịch:
Hiển hách uy thần, một tối gió thiêng phi ngựa báu
Huy hoàng đức thánh, nghìn thu vượng khí đất Thăng Long.
Dọc xuống Kim Liên, rẽ ngang Voi Phục
Gần một tiếng, từ đền Bạch Mã dọc xuống phố Kim Hoa, chúng tôi đến đình Kim Liên (còn có tên là đền Cao Sơn). Đình được xây dựng trên một gò đất cao, quay mặt về hướng nam.
Ấn tượng đầu tiên là cổng tam quan. Đó là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc có niên đại từ thời Nguyễn. Đền chính có kết cấu hình chữ “Đinh” gồm Bái đường và Hậu cung.
|
Cổng tam quan của đền Kim Liên |
Tòa Bái đường là một nền đất cao với những hàng đá tảng kê chân cột to, dày. Tòa Hậu cung là một dãy nhà dọc ba gian xây gạch trần, mái lợp ngói ta. Trong nhà xây vòm cuốn, gian ngoài cùng bó bệ gạch cao để đặt hương án chạm gỗ sơn son thếp vàng. Phần thân của hương án được bố trí đậm đặc các hình trang trí trong những ô chữ nhật, các hoa văn được thể hiện bằng kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi với nhiều đề tài phong phú như: hổ phù, long mã tranh châu, tứ linh, tứ quý, bát bửu…
|
Cổng chính nhìn vào đền Kim Liên |
Các thư tịch, văn bia về di tích đều khẳng định đình Kim Liên là nơi thờ thần Cao Sơn, một nhân vật quan trọng trong Điện Thần Việt cổ. Dưới triều Lê, lúc Lê Mẫn (Uy Mục đế) thất đức, có mưu đồ lật đổ vua Lê Tương Dực, tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509)đức vua lánh nạn vào Tây Đô dấy binh, khôi phục cơ nghiệp, cứu vớt dân lành.
Bấy giờ các danh tướng là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh mang quân đi chinh phạt. Khi gặp ngôi đền, bên trong dựng một tảng đá đề dòng chữ “Cao Sơn Đại Vương” thấy vậy làm kinh ngạc bèn cúi lạy ngầm khấn… Không đầy một tuần nghiệp lớn đã thành công. Năm đó vào ngày 2 tháng chạp, nhà vua lên ngôi báu, giành lại ngai vàng. Nghĩ đến ơn thần đã ngầm giúp, năm 1509 vua Lê Tương Dực cho dựng lại đền to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long lúc bấy giờ, sai sử thần Lê Tung soạn văn bia lưu truyền mãi mãi để sớm hôm hương khói báo đáp ơn thần.
|
Hương án đền Kim Liên được bố trí đậm đặc các hình trang trí trong những ô chữ nhật, với kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi, đề tài phong phú như hổ phù, long mã tranh châu, tứ linh, tứ quý, bát bửu… |
Dọc theo phố Kim Hoa, rẽ ngang qua Đê La Thành, tới đường Kim Mã là đã đặt chân đến đền Voi Phục. Đền thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, nên có tên gọi khác là “Linh Lang từ”. Đền được xây dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) trên một khu gò cao thuộc vùng Thủ Lệ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội.
|
Miếu tả dẫn vào đền Voi Phục |
Tên gọi của đền (Voi Phục) gắn bó với sự tích của Linh Lang Đại Vương, người anh hùng có công dẹp giặc, bảo vệ đất nước. Sử tích chép: “Đức Thánh nguyên là hoàng tử thứ tư của Lý Thánh Tông, mẹ là bà Hạo Nương cung phi thứ chín. Hoàng tử sinh ngày 13 tháng chạp năm Giáp Thìn (1064) tại Thị Trại. Thuở ấy, nhà Tống muốn chiếm nước Đại Việt bèn cử hàng vạn binh hùng tướng mạnh, phối hợp với quân Chiêm kéo đến xâm lược nước ta. Thế giặc rất mạnh. Kinh thành náo động, nhà vua lo lắng đã sai sứ giả đi chiêu mộ người tài, đánh giặc cứu nước. Sứ giả tới Thị Trại, hoàng tử nói với sứ giả về tâu vua sắm cho một lá cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi để đi đánh giặc. Nhà vua chuẩn y theo lời hoàng tử, còn cấp cho 5.000 binh mã. Hoàng tử tuyển thêm 121 nghĩa sĩ của Thị Trại.
Sắp đặt quân tướng xong hoàng tử thét lớn: “Ta là Thiên tướng!”, con voi liền phục xuống để hoàng tử ngự lên (bởi vậy ngôi đền mới có tên là Voi Phục). Trận ấy tướng giặc hồn kinh phách tán, quân giặc đại bại… Với tấm lòng đại dũng, đại nhân, đại nghĩa, hoàng tử đã không giết mà tha cho chúng trở về cố quốc.
Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về đất cũ được ít lâu thì hóa ở đấy. Nhà vua phong tước cho Linh Lang và cho sửa lại nơi ở cũ của người để làm đền thờ, đổi địa danh Thị Trại thành Thủ Lệ và cho dân làng được miễn phu phen tạp dịch.
Để ghi nhớ công lao to lớn của ngài, các triều đại lịch sử đều sắc phong “Thượng Đẳng thần”. Những nơi lá cờ hồng bay đến đều lập đền, đình… tôn thờ ngài”.
Đã ngàn năm qua, nhân dân Thủ Lệ, với trọng trách “giữ Lệ” phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ngày đêm hương đăng phụng thờ đức thánh. Các dịp lễ, tết, hóa, khánh hạ… hằng năm thường mở hội để khách thập phương về đền, dâng hương tri ân đức thánh.
|
Điện thờ đền Voi Phục lộng lẫy sơn son thếp vàng, hoành phi câu đối |
Chúng tôi kết thúc chuyến đi vào một buổi chiều nhạt nắng. Ấn tượng đọng lại trong lòng kẻ lữ hành là cảm giác thanh tịnh, yên bình cùng một tấm lòng sùng kính thần linh về “tứ trấn Thăng Long” - những nơi vẫn hằng ngày, hằng giờ sống chung với những con đường, góc phố buôn bán tấp nập, giữa chốn thành thị ồn ào, huyên náo.
TIẾN THÀNH - LAN ANH/TTOL