Nằm lọt thỏm giữa biển khơi, bao bọc xung quanh là núi cao và rừng già của vườn quốc gia Cát Bà, dân làng Việt Hải gần như tách biệt với thế giới, nên cuộc sống đậm chất "nguyên thủy".
Việt Hải có chưa đầy 80 hộ dân. Đến nay, ngôi làng Việt này vẫn chưa được khách “ta” biết đến nhiều, vì đây là một xã miền núi nằm tách biệt là “đảo của đảo”. Song, ngôi làng lại đang là điểm thu hút khá nhiều khách du lịch nước ngoài.
|
Làng Việt Hải là điểm thu hút khá nhiều khách du lịch nước ngoài. Ảnh: DDDN |
Nhắc tới Việt Hải, dân tour thường "kháo" nhau câu chuyện "thật như đùa" rằng, nhiều năm trước đây, vì rừng núi hoang vu, vắng vẻ nên mỗi khi đến đoạn đường ngập nước trong mùa mưa, dân địa phương cứ vô tư "thoát y" ngụp, lội. Lắm khi gặp nhau giữa dòng trong tình trạng “nude 100%” thì mới ngỡ ngàng. Và một người dân ở Cát Bà đã thú nhận ở rể làng này cũng từ chuyện ấy.
Lần ấy, ông mang thuốc vào bán cho dân làng, đến giữa suối thì gặp một cô gái cũng trong tình trạng giống như mình. Cô gái thẹn thùng, bối rối vứt cả quần áo, đồ đạc xuống nước. Sau đó, ông phải tự nguyện cho cô mượn quần áo của mình mặc tạm. Vậy rồi quen và yêu nhau, thành vợ thành chồng.
|
Việt Hải ngày nay vẫn hoang sơ. |
Nhiều khách du lịch cho biết, để ra được Việt Hải, phải đi bằng tàu mất 50 phút trên vịnh Lan Hạ. Đến rồi sẽ thấy nét văn hóa vùng đặc sắc, khơi gợi sự tò mò của du khách khi chính họ đang muốn khám phá những bản chất thật của người dân nơi đây. Đó là nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước, của sự thân thiện, sự chân thành...
Vì nằm gọn trong rừng, chỉ có một con đường duy nhất, nên người dân Việt Hải rất lành. Họ không biết trộm cắp, cờ bạc, hút hít là gì. Vì thế, không nhà ở nào có khóa, cửa mở suốt ngày đêm. Xe máy, xe đạp cắm chìa khóa để cả đêm ngoài sân, sáng mai ra vẫn "y như cũ". Rồi sinh hoạt làng xóm ở đây cũng mang dáng dấp của một cộng đồng thời nguyên thủy: mổ một con chó, con lợn, cả làng đến ăn; một nhà có việc, cả làng đến giúp...
Hơn nữa, dù bây giờ khách du lịch đang đến nhiều với Việt Hải, nhưng người dân không tận dụng để làm kinh tế; họ lúc nào cũng hiền lành, thân thiện với khách. Xe ôm tự bảo nhau làm ăn, không tranh giành khách như ở các nơi khác…
Hiện, để giúp người dân phát huy thế mạnh, từng bước phát triển kinh tế, xã hội, Bộ đội Biên Phòng thành phố Hải Phòng đã triển khai dự án “Liên kết xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải”, như: xây dựng trang trại chăn nuôi các loại động vật có hiệu quả kinh tế như lợn rừng, nhím, cầy hương, tắc kè... kết hợp nuôi các loại thú rừng cần bảo tồn phục vụ tham quan du lịch; phát triển một số lồng bè nuôi cá, tu hài... gắn với tham quan mặt nước câu cá; trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, dược liệu... ẩm thực và chữa bệnh; các sản phẩm văn hóa, thể thao du lịch, vận động người dân xây nhà kiến trúc thuần Việt, đảm bảo đủ điều kiện cho khách du lịch nghỉ tại gia đình để tham gia sinh hoạt cùng người dân; xây dựng khu nghỉ thân thiện với môi trường và phục hồi sức khỏe bằng cây thuốc dân tộc; ẩm thực dân tộc...
Nguồn : ĐVO