TRUNG QUỐC - Ngôi làng Dali Yabuyi có diện tích 2.000 km2 ở giữa sa mạc rộng lớn, người dân muốn ra khỏi làng phải mất 5 giờ đi ôtô.
Tân Cương - miền đất Tây Vực trải dài như bất tận, nơi cát vàng cuồn cuộn bay đầy trời - không chỉ được biết đến với ẩm thực ngon, phong ảnh đẹp mà còn thu hút bởi một ngôi làng rộng lớn nhất đất nước tỷ dân. Cách rìa sa mạc Taklimakan hơn 200 km - nơi được mệnh danh là "Biển Chết", có một ngôi làng là Dali Yabuyi hay Darya Boyi (Đạt Lý Nhã Bố Y). Ảnh: Xinhua
Dali Yabuyi là ốc đảo lớn nhất đại mạc Taklimakan. Theo thống kê, toàn bộ diện tích của ngôi làng lên đến hơn 2.000 km2 - tương đương thành phố Thâm Quyến, gấp đôi Hong Kong và gấp 60 lần Macao. Muốn ra khỏi làng, người dân phải mất 5 giờ đi ôtô. Ảnh: Xinhua
Dali Yabuyi nghĩa là ngôi làng "bên dòng sông lớn" Keriya - con sông chảy từ nam đến bắc xuyên qua những đụn cát bất tận. Tài liệu cổ ghi chép rằng, người đầu tiên khám phá ra ngôi làng là nhà thám hiểm người Thụy Điển Sven Anders Hedin trong một chuyến đi vào thế kỉ 19. Tuy nhiên, ông không công bố phát hiện của mình với thế giới mà chỉ ghi vào cuốn bút ký. Vào những năm 50, 60 của thế kỉ 19, giới chức Trung Quốc tìm lại ngôi làng và đặt tên là Dali Yabuyi. Nhưng theo thời gian, nơi này bị lãng quên do quá xa xôi cách trở. Ảnh: Xinhua
Từ huyện Vu Điền, Tân Cương đến Dali Yabuyi khoảng 200 km, qua các đồi núi cát cao tới 40-50 m, đất lầy và những lòng sông đầy đá hiểm trở. Toàn bộ hành trình kéo dài khoảng một ngày, thách thức cả những dòng xe việt dã cao cấp nhất. Ảnh: Xinhua
Thời gian đầu, người ta đi vào Dali Yabuyi bằng lạc đà và xe lừa, mỗi chuyến đi kéo dài hơn một tháng. Ảnh: Xinhua
Cô lập với thế giới bên ngoài, nếp sống của người làng hàng trăm năm không thay đổi. Đến năm 2019, dân số trong làng là 1.342 người. Qua nghiên cứu, giới chức quyết định đưa người làng Dali Yabuyi trở thành thành viên của dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Họ được mệnh danh là "bộ tộc sa mạc cuối cùng của Trung Quốc". Ảnh: Xinhua
Họ sống chủ yếu dựa vào trồng trọt; chăn nuôi cừu, dê... Ảnh: Xinhua
Một số người dân chỉ bắt đầu dùng điện thoại di động từ năm 2016, và thường phải trèo lên cao để bắt sóng. Ảnh: Xinhua
Người dân Dali Yabuyi giản dị, mộc mạc lại hiếu khách, cuộc sống thanh bình, đêm ngủ không đóng cửa, của rơi không ai nhặt. Ảnh: QQ
Bên cạnh xe máy hay ôtô hiện đại, người dân vẫn di chuyển bằng lạc đà. Ảnh: QQ
Ngày nay, ngành du lịch của Dali Yabuyi phát triển mạnh mẽ. Ngôi làng trở nên nổi tiếng với vô số truyền thuyết huyền ảo, thậm chí các đơn vị truyền thông còn dựng lên những câu chuyện kỳ bí để thu hút khách đến tham quan và khám phá. Trước đại dịch, làng đón hàng nghìn khách du lịch mỗi tháng, thu về hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Ảnh: QQ
Kumaiqi là món ăn nổi tiếng của Dali Yabuyi, được chế biến theo phong cách cổ xưa mà không cần bất kỳ dụng cụ làm bếp nào. Bánh làm từ thịt dê được vùi trực tiếp trong than củi. Chiếc bánh rất to nên cần khoảng nửa tiếng để nướng, đến khi có mùi thơm là có thể lấy ra khỏi bếp củi. Sau này, được du khách gọi vui là "pizza sa mạc". Bánh thịt sa mạc đã trở thành món ăn mà khách du lịch khi đến thăm ngôi làng nhất định phải thử. Người dân mách rằng chỉ cần ăn "pizza sa mạc", dù không đắp chăn ấm khi ngủ giữa ốc đảo, bạn cũng sẽ không bị ốm. Ảnh: QQ
Dù sông Keriya cung cấp nước cho người dân qua hàng trăm năm, môi trường quanh đây ngày càng khắc nghiệt do mạch nước ngầm giảm, bão cát... Từ năm 2017, hàng trăm người dân được chuyển đến một khu tái định cư ở phía nam, rìa sa mạc để ổn định cuộc sống cách làng cũ khoảng 110 km. Tại đây, họ được cấp cho những ngôi nhà kiên cố hơn, có đường sá thuận tiện và hệ thống xử lý nước sạch. Trạm xá, trường học, trường mẫu giáo, bến xe buýt và một cũng được xây dựng, người dân cũng được đi học chữ. Ảnh: Xinhua
Phạm Hạnh (Theo Xinhua, QQ)