Với gia đình bà Trần Thị Diệp Phi (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm là tài sản vô giá, được nhiều thế hệ gìn giữ và bảo tồn.
Với người dân xứ hòn này, ngôi nhà ghi dấu quá trình hình thành và phát triển của người dân nơi đây. Theo lời bà Phi, ông cố của bà là một trong những người đầu tiên về xứ hòn này sinh sống và lập nghiệp.
Ngôi nhà cổ hiện được bà Phi trông coi cẩn thận, trở thành nơi thờ tự, cúng giỗ tổ tiên hằng năm.
Ngôi nhà ba gian nằm cao trên vách núi vừa “pha trộn” kiểu ta và Tây. Bà Phi kể, trước đây, khi ông ngoại bà xây ngôi nhà này, bên trong là cây sơn đá - loại cây quý hiếm, bên ngoài được bao bọc bằng xi-măng, nên rất chắc chắn. Nội thất ngôi nhà đều bằng cây sơn đá. Chi phí xây dựng hơn 50 lượng vàng và phải hơn 1 năm mới hoàn thành.
Nội thất bên trong ngôi nhà được lưu giữ cẩn thận.
Qua thời gian, ngói âm dương trên mái nhà bị hư hỏng, vì con cháu bà Phi ở xa, không về phụ giúp sửa chữa thường xuyên, nên bà thay bằng máy tol, lót gạch hiện đại; còn lại bà giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Nhà ba gian, cửa lá sách.
Phía trước ngôi nhà có hai cây vú sữa gần 200 tuổi.
Ngôi nhà cổ này không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật (hệ thống kèo, đầu trụ được chạm khắc tinh xảo, thể hiện được sự tài hoa của người thợ xưa) mà còn mang giá trị lịch sử, đánh dấu thời khai hoang mở cõi của vùng núi hoang sơ này.
Đến Hòn Sơn, ngoài các bãi đá, bãi tắm là nơi lý tưởng để thư giãn thì ngôi nhà cổ được công nhận di tích cấp tỉnh này sẽ là điểm tham quan thú vị của du khách.
Báo ảnh đất mũi