Ở Thái Nguyên, những người Hoa đầu tiên đến sinh sống từ khoảng trên dưới 150 năm nay. Họ là lưu dân có nguồn gốc từ các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc). Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số năm 1960, người Hoa ở Thái Nguyên có khoảng 2.500 người.
Họ cư trú khá phân tán trong một số huyện, thành, thị của tỉnh, đông nhất là ở Định Hóa, tiếp đến là Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau và vì vậy, tiếng nói của những người trong cùng tộc người với nhay ở đây cũng có khác biệt. Bộ phận người Hoa ở Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ đôi khi nói không hiểu được nhau. Tuy nhiên, theo các nhà ngôn ngữ học, đó đều là những thổ ngữ của tiếng Quảng Đông, một phương thức của tiếng Hán và thường được gọi là tiếng Quan hỏa. Ngôn ngữ này cũng thuộc loại đơn âm, chỉ có 4 thanh điệu, nhiều âm tắc, âm sát lưỡi và âm bật hơi. Trong quá trình giao tiếp với các dân tộc anh em, ngôn ngữ của người Hoa ở Thái Nguyên đã có sự biến đổi đáng kể.
Tại nhiều địa phương, tiếng Hoa đã có sự pha trộn với tiếng Tày, nhất là ở lớp trẻ hiện nay. Mặt khác, mặc dù là dân tộc đã có chữ viết (chứ Hán) từ lâu đời, nhưng trong bộ phận người Hoa ở Thái Nguyên cũng không có nhiều người biết chữ này. Phần đông những người đọc được chứ Hán hiện nay là những người già, những người hành nghề tôn giáo học theo kiểu cha truyền con nối. Nhiều mẫu tự trong các sách cúng đã trở thành cổ tự, ít được dùng trong các văn bản hiện đại hoặc được dùng nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác. Một số người trẻ tuổi hiện đã và đang học chữ Hán thì chỉ học tiếng phổ thông Trung Quốc (âm Bắc Kinh) hoặc tiếng Đài Loan.
Cũng như người Hoa ở các nơi khác, người Hoa ở Thái Nguyên có một nền văn hóa dân gian khá phong phú, trong đó đáng chú ý là các làn điệu dân ca. Một hình thức sinh hoạt nghệ thuật được nhiều người ưa chuộng, nhất là đối với nam nữ thanh niên thường hát sơn ca (sán cố). Đây không chỉ gồm các bài hát ghẹo, hát ví thể hiện tình yêu nam, nữ, tình yêu quê hương, mà còn đề cao tinh thần đấu tranh chống cường quyền, chống tôn ti trật tự, lề thói lạc hậu của xã hội cũ và đấu tranh với thiên nhiên của nhân dân lao động. Lời hát được ghi chép thành sách hay truyền miêng lưu từ đời nọ đến đời kia, hoặc có khi được ứng khẩu tại chỗ trong những lúc lao động mệt nhọc để động viên nhau. Hát sơn ca nhiều nhất vào dịp hội mùa xuân, đám cưới, những buổi hát giao duyên kéo dài thâu đêm suốt sáng giữa gái làng này với trai làng khác hoặc ngược lại. Ngoài làn điệu sơn ca, đồng bào còn loại ca kịch, với nội dung và tính kịch phong phú, thu hút nhiều người.
Trong các ngày lễ tết, ngày hội, người Hoa thường hay tổ chức múa sư tử, múa quyền thuật và các trò chơi như vật, đánh cờ, đu… Nhạc của người Hoa cũng khá phong phú như sáo, kèn, tiêu, nhị, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục, trống, thanh la, não bạt…
Văn học nghệ thuật dân gian truyền thống quý giá đó hiện đang ngày càng bị mai một. Tầng lớp thanh niên hiện nay ít ai biết hát sán cố, các trò múa lân, sư tử cũng ít được tổ chức, các nhạc cụ truyền thống hiện cũng đang rất khó tìm thấy trong cộng đồng người Hoa ở đây. Trong quá trình cộng cư lâu dài với các dân tộc khác, người Hoa ở Thái Nguyên đã sớm có truyền thống đoàn kết, cùng các dân tộc anh em xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn : Báo Thái Nguyên