Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… Lời hát lãng mạn trong tình khúc “Áo lụa Hà Đông” của Ngô Thụy Miên như giục giã tôi tìm về xứ sở của những tấm lụa đào tơ.
Và tôi trở lại Làng lụa Vạn Phúc vào một buổi chiều Thu, khi nhịp sống hối hả nơi phố phường hào hoa đang len lỏi đến từng ngõ ngách. Nhắc đến nghề dệt lụa truyền thống, người làng tự hào giới thiệu tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh – bậc truyền nhân duy nhất của nghề lụa Vạn Phúc.
Duyên nợ với nghề lụa
Suốt cuộc đời gắn bó với nghề ươm tơ, dệt lụa, người nghệ nhân ấy giờ đã về hưu. Trước mắt tôi là một ông cụ ngoài tuổi 75, những nếp nhăn gợn sóng trên khuôn mặt nhân hậu, đôi mắt đã bắt đầu mờ đi nhưng vẫn toát lên thần sắc của một nghệ nhân quay tơ, dệt lụa bao đời. Không ai khác đó chính là nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh bên khung dệt lụa
|
Buộc chặt cuộc đời vào những tấm lụa đào, thấm thoắt cũng đã qua cái tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, “Ở Làng Vạn Phúc có ba nghệ nhân nhưng duy nhất mình tôi còn sống” – ông Chỉnh buồn buồn tâm sự. Dấn thân vào nghề lụa từ năm 20 tuổi, thời kỳ đầu, ông làm lụa gia công cho nhà nước ở vùng Sơn La. Đến tuổi 40 ông chuyển công tác về địa phương và mở xưởng dệt tại nhà. Từ đó tới nay ông cùng các thành viên trong gia đình gom sức xây dựng xưởng gia công của mình. Việc dệt lụa giờ đây chỉ trông chờ vào cậu con trai cả tên Cường - người kế tục nghiệp cha.
Không ngần ngại đưa tôi tham quan xưởng dệt lụa, ông Chỉnh giới thiệu cả xưởng có 3 máy, cứ hai ngày xưởng dệt được 20m vải, bình quân mỗi máy dệt được gần 7m. Sau công đoạn dệt, những tấm lụa nguyên chất này được cuộn tròn và đem đi nhập ở các quầy vải tại địa phương. Giá bán của những tấm lụa cũng tùy thuộc vào kỹ nghệ dệt. Lụa chất lượng nhất bán với giá 180 nghìn/mét, những tấm lụa với chất lượng bình thường chỉ giao động ở mức 90 – 120 nghìn/mét.
“Người đời cứ nghĩ cuộc đời của người làm lụa lúc nào cũng xuôi buồm lặng gió, nhưng nghề lụa cũng rất nhạy cảm với những biến cố thăng trầm” - ông Chỉnh cho biết. Những sóng gió, tai ương cứ dồn dập ập tới nhiều lần như muốn xóa sạch cái nghề dệt lụa bao đời của người Làng Vạn Phúc. Nhưng với một niềm đam mê và tận tụy với nghề, người nghệ nhân ấy đã thổi hồn vào từng đường tơ, nếp lụa, “cứu sống” biết bao xưởng dệt trong lúc Làng lụa Vạn Phúc đứng trước vực thẳm.
“Đó là khi nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm, thị trường tiêu thụ lụa điêu đứng, cả làng ai nấy rùm beng chuyện bỏ nghề. Cũng chính thời kỳ này rất nhiều hộ gia đình đã quyết định giã từ nghề lụa, đó cũng là lý do vì sao số lượng những hộ dệt lụa suy giảm từ 400 hộ xuống còn 200 hộ. Lúc này, không còn cách nào khác, chỉ biết dồn hết tâm lực oằn mình theo từng nếp lụa, quyết không thể từ bỏ nghề một cách dễ dàng. Trước hết là phải xoay sở cho được nguồn tơ, tìm thị trường tiêu thụ, tân trang xưởng dệt… Rồi cơn thịnh nộ cũng đi qua.” – nghệ nhân Chính kể lại.
Có lẽ những biến cố thăng trầm của lịch sử đã dội vào làng lụa và làm hằn lên những đổi thay trong cuộc đời người làm lụa. Chính vì vậy mà người nghệ nhân ấy và nghề dệt lụa trở nên gắn bó duyên nợ với nhau.
Đau đáu một nỗi niềm
Trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, có những thời kỳ Làng lụa Vạn Phúc tưởng như đã chết, cả làng vắng bóng tiếng quay tơ, dệt sợi. Ông Chỉnh vẫn nhen nhóm “ngọn lửa” cho nghề lụa bằng những kiệt tác nghệ thuật tinh tế. Những tấm lụa đào dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Chỉnh cũng trở nên tinh tế, sắc sảo và tài hoa hơn.
Làm nên tấm lụa đẹp đòi hỏi tâm sức và tài năng của người nghệ nhân
|
Từ năm 2001 đến năm 2009, ông Chỉnh là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc. Cũng chính vì vậy, trách nhiệm giữ lửa cho nghề đặt lên vai người nghệ nhân này. Đau đáu một nỗi niềm với nghề lụa, ông đã sáng tạo nên rất nhiều mẫu thiết kế và gửi đi dự thi. Năm 2009, ông tự tay dệt nên thương hiệu “Lụa Hà Đông”, nhờ mẫu thiết kế đó, chỉ trong vòng một năm sau, quận Hà Đông đã hỗ trợ kinh phí 1 triệu/máy dệt để khôi phục lại thương hiệu.
Có lẽ kiệt tác đánh dấu lát cắt trong cuộc đời dệt lụa của người nghệ nhân già là mẫu thiết kế lụa Long Vân - sản vật dâng Đại Lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Chau chuốt từng sợi chỉ, ông Chỉnh cần mẫn đầu tư thiết kế lụa Long Vân. Ông tự hào kể: “Mẫu thiết kế này được hoàn thành vào tháng 6/2010. Nó đặc biệt hơn so với các mẫu thiết kế khác bởi sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại. Những hoa văn trên nếp lụa Long Vân được điểm xuyết cách điệu một cách duyên dáng. Mẫu lụa Long Vân không chỉ đơn thuần là tôn vinh tấm lụa mà quan trọng hơn cả là nơi ký thác linh hồn của người làm ra nó”.
Sản phẩm lụa Vạn Phúc được rất nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng
|
Năm 2011, ông tiếp tục gửi những mẫu thiết kế vào tận Quảng Nam và vinh dự đoạt giải nhì cuộc thi Chào mừng phố cổ Hội An tròn mười năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Niềm đam mê của người nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đã được trả công xứng đáng, suốt cuộc đời cống hiến cho nghề lụa ông đã vinh dự nhận được 7 vương miện, 12 danh hiệu giải thưởng từ các cuộc thi.
75 năm – một đời người, gắn bó với nghề lụa đào cũng đủ để người nghệ nhân ấy chiêm nghiệm về cái nghề của mình: “Đến với nghề đơn giản chỉ vì một niềm đam mê, mặc những cám dỗ của cuộc đời, chưa khi nào tôi có ý định từ bỏ đứa con lòng của mình”. Vờn những tấm lụa mềm mại trên tay, nghệ nhân Chỉnh gật gù tâm đắc: “Lụa Hà Đông khó có thể trộn lẫn với những tấm lụa khác nhờ chất liệu tơ tằm và kỹ nghệ dệt, mỗi một tấm lụa là kết tinh vẻ đẹp thuần túy, là nơi cất giữ cái tâm của người dệt”.
Đến tuổi về hưu, nhận về mình thiên chức làm ông, làm cụ của mười đứa cháu, chắt nhưng ông Chỉnh không quên để mắt tới xưởng lụa, làng lụa. Tuổi tác tuy có lớn, nhưng cũng không làm chai sạn niềm đam mê, sự yêu nghề. Nhờ những phẩm chất đó mà tên tuổi cụ Nguyễn Hữu Chỉnh và Làng lụa Vạn Phúc vẫn trường tồn cùng năm tháng.
Nguồn : Quehuongonline