Ở xã Sơn Đồng, có một ngôi nhà gỗ chỉ được dựng trong vỏn vẹn... một đêm ! Tồn tại qua hơn ba thế kỷ mưa nắng, câu chuyện về việc dựng nhà vẫn còn được người dân lưu truyền như một huyền thoại.
Bức hoành phi trong nhà cổ với ba chữ: Đức giả viễn |
Nhà dựng một đêm, đứng vững ba thế kỷ
Sơn Đồng (xã Sơn Đồng - huyện Hoài Đức - Hà Nội) vẫn còn mang nhiếu dấu ấn của một ngôi làng cổ, Thi thoảng, vẫn còn những đoạn đường lát gạch, những chiếc cổng có tuổi đời hàng trăm năm. Nét cổ kính được tôn thêm khi đâu đâu ta cũng gặp những pho tượng Phật, tượng thánh, những hoành phi câu đối đang được tạo tác - đây chính là nghề truyền thống của làng. Sơn Đồng là làng khoa bảng, với 8 tiến sĩ và hàng trăm cử nhân đỗ đạt trong các triều đại phong kiến.
Nét xưa của ngôi làng một phần có được chính nhờ những bậc tài danh đấy. Nói đến nhà cổ Sơn Đồng, người dân nơi đây tự hào về một ngôi nhà được xây chỉ trong... một đêm, gắn với cuộc đời của Tham tụng (Tể tướng), Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644-1692), một danh thần nhà Lê.
Cụ Nguyễn Viết Thứ đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi, sau đó, được triều đình bổ dụng vào nhiều vị trí quan trọng. Năm 1691, được bổ làm Tham tụng, tức Tể tướng. Dân làng vẫn gọi cụ với cái tên thân mật : Cụ Thượng Sơn Đồng.
Người làng Sơn Đồng còn lưu truyền một câu chuyện rằng : Mới đêm hôm trước, khu đất nhà cụ Thượng Sơn Đồng vẫn trống trải. Nhưng rồi bỗng một hôm, người làng Sơn Đồng bỗng nghe những tiếng thình thịch suốt đêm. Khu đất nhà cụ Thượng làng mình sáng trưng đèn đuốc. Dân làng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi sương tan, người ta đã thấy một ngôi nhà lớn năm gian hai chái dài hơn 18 mét đứng sừng sững đứng ở đó. Cả làng sững sờ đổ ra xem. Vô vàn câu hỏi được đặt ra : Tại sao ngôi nhà lại được dựng trong đêm ? Cụ Thượng Sơn Đồng đã làm gì để dựng được ngôi nhà trong thời gian ngắn kỷ lục đó ?
Trải hơn ba thế kỷ, ngôi 'nhà một đêm' vẫn vững chãi. Gia chủ vẫn giữ nếp xưa nên ba gian chính ngày nay được dùng làm không gian thờ cúng và tiếp khách. Toàn bộ mặt trước của ngôi nhà vẫn được giữ nguyên kiểu cửa bức bàn. Những cột kèo gỗ lim vẫn lên nước sáng bóng. Nhiều đồ thờ cúng vẫn còn được lưu giữ từ ngày ngôi nhà mới được dựng. Theo người trông nom ngôi nhà, ông Nguyễn Viết Vy, hậu duệ của cụ Nguyễn Viết Thứ, mấy trăm năm trôi qua, ngôi nhà hầu như chưa phải trải qua một lần tu sửa lớn nào. Đến đời ông Vy, chỉ sửa chữa có hai lần, chủ yếu là đảo ngói, thay một vài cấu kiện bị mọt.
Chuyện vì sao ngôi nhà được dựng trong một đêm, là một câu chuyện dài...
Câu chuyện từ gia phả
Đến ngôi nhà thờ họ Nguyễn, chỉ cách 'nhà một đêm' chưa đầy 100 mét, chúng tôi gặp ông Nguyễn Viết Vàng, hậu duệ của Thượng thư Nguyễn Viết Thứ. Ông Nguyễn Viết Vàng giở gia phả và cho chúng tôi biết về câu chuyện này.
Ngôi 'nhà một đêm' ở làng Sơn Đồng không phải do Thượng thư Nguyễn Viết Thứ cho dựng, mà do một người bạn vong niên, làm quan đồng triều, đồng hương huyện Hoài Đức - cụ Nguyễn Công Triều - làm tặng. Nguyễn Công Triều (1614 -1690) người làng Đông Lao - xã Đông La, từng làm đến Đô đốc Thái bảo Thượng tướng quân, thường được gọi với cái tên : cụ Thượng Đông Lao. Với lòng yêu quê hương, cụ Thượng Đông Lao dành nhiều của cải tích cóp được xây dựng đình chùa miếu mạo, đường sá cho làng quê. Nguồn gốc việc dựng nhà, bắt đầu từ chính nghĩa cử này. Để tiện cho công việc cụ Nguyễn Công Triều mượn voi của triều đình kéo vật liệu. Chẳng may khi làm việc voi bị chết. Theo luật thời ấy, hoặc là phải đúc một con voi bằng bạc to bằng kích thước voi thật để đền cho triều đình, hoặc phải chịu trọng tội. Đô đốc Nguyễn Công Triều dồn hết sản nghiệp cũng chỉ đúc được... 4 cái chân voi bằng bạc.
Du khách tham quan nhà cổ Sơn Đồng |
Cụ Nguyễn Công Triều đem sự tình giãi bày với bạn đồng liêu Nguyễn Viết Thứ. Cụ Thượng Sơn Đồng suy nghĩ lung lắm, làm thế nào để giải tội cho một bậc trọng thần của triều đình. Cụ Thượng Sơn Đồng là cận thần của Chúa Trịnh Tạc. Trong một cuộc cờ với nhà Chúa, cụ Thượng Sơn Đồng thua liền ba ván. Nhà Chúa thấy lạ, vì xưa cụ Thượng Sơn Đồng có tiếng cờ cao. Cụ Thượng Sơn Đồng mới tâu : Khải Vương thượng, có tên gia nhân mượn nhà thần con trâu về cày. Hắn làm trâu chết. Thần đang tính quở phạt thế nào cho phải. Nhà Chúa ngắt lời : Có vậy mà quan Tả phải suy xét, nó là tôi tớ trong nhà, lỡ làm chết trâu thì tha cho nó, nó tiền đâu ra mà đền. Cụ Thượng Sơn Đồng cả mừng, sụp lại Chúa về chuyện voi chết. Nhà Chúa thấy hợp tình hợp lý, bèn tha bổng. Không những thế, nhà Chúa còn hết lời khen ngợi tài trí của Cụ Thượng Sơn Đồng.
Ân lớn khó đền. Cụ Thượng Đông Lao có nói rằng, cha mẹ là cha mẹ chung. Song thân của quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ sống trong cảnh bần hàn với một ngôi nhà tranh xiêu vẹo là mình chưa làm tròn đạo hiếu. Đô đốc Nguyễn Công Triều ngỏ ý dựng tặng phụ mẫu của Tham tụng Nguyễn Viết Thứ một căn nhà. Thượng thư Nguyễn Viết Thứ kém Đô đốc Nguyễn Công Triều nhiều tuổi. Từ chối thì mang tiếng không trọng bậc cao niên, cụ cười bảo rằng : Tấm lòng của đại nhân tôi không dám không nhận. Nếu quan lớn làm ngôi nhà trong một đêm thì tôi xin vâng. Thực chất, đó là một câu từ chối khéo...
Nhưng rồi, cụ Thượng Đông Lao đã tìm cách để tri ân người giúp đỡ mình. Ngôi nhà được dựng đúng trong một đêm. Người Sơn Đồng vẫn truyền rằng, cụ Thượng Đông Lao mất không ít công sức suy tính để giải bài toán khó này. Chỉ có cách làm sẵn tất cả, rồi cho người đến lắp ghép. Khi ấy, cụ Thượng Đông Lao đang chuẩn bị xây nhà thờ họ, thế rồi, cụ đem nguyên ngôi nhà thờ họ đã chuẩn bị sẵn sang bên Sơn Đồng. Để đảm bảo ngôi nhà hoàn thành đúng thời gian, các chi tiết cột, kèo, rui, mè... đều chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ cho người ''tập dượt', lắp thử nhà tại làng đến khi thành thục. Người san nền cứ san nền, người làm phần mộc cứ làm phần mộc. Vì thế, chập tối đem vật liệu sang Sơn Đồng dựng nhà, đến tảng sáng là kịp cho mừng nhà mới.
Giữ chữ Đức bền lâu
Trước đây, câu chuyện về ngôi nhà 'nhất dạ tri ân' được người họ Nguyễn làng Sơn Đồng dùng để răn dạy con cháu về đạo đức của người đi trước. Những năm 1990, khi chỉnh sửa lại gia phả, các bậc cao niên trong họ thấy rằng cần phải ghi lại một cách chính thức, để tránh thất truyền. Các ông Nguyễn Trung Duệ, Nguyễn Trung Đương, hậu duệ của cụ Nguyễn Viết Thứ đã sang cả làng Đông Lao, nơi có nhà thờ và lăng cụ Nguyễn Công Triều, tham khảo các tư liệu tại Đông Lao, trong đó có ngọc phả về 'Đại vương Nguyễn Công Triều' (tước hiệu Đại vương do triều đình sắc phong sau khi cụ mất) để khẳng định câu chuyện rồi biên lại.
Thời gian dựng ngôi nhà được cho vào khoảng năm 1676, tức một năm sau khi Đô đốc Nguyễn Công Triều thoát khỏi hạn lớn. Thời cải cách ruộng đất, ngôi nhà từng bị tịch thu dùng làm nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ. Sau khi sửa sai, ngôi nhà được trả lại cho dòng họ Nguyễn Viết. Cho đến nay, ngôi nhà cổ này vẫn gần như nguyên vẹn.
Điểm khác biệt lớn nhất là xưa, do thời gian dựng gấp, các cụ cho thưng ván quanh nhà, sau, ván được thay bằng gạch xây. Chỉ tiếc rằng, các di tích liên quan đến họ Nguyễn làng Sơn Đồng như từ đường họ Nguyễn và di tích liên quan đến cụ Nguyễn Công Triều đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, ngôi nhà có giá trị như vậy vẫn chỉ được các thế hệ họ Nguyễn Viết giữ gìn bằng... tình yêu, lòng tự hào.
Ông Nguyễn Viết Vàng cho biết : Dòng họ từng cử người đi hỏi thủ tục làm di tích, nhưng không hiểu lý do gì, cấp trên bảo rằng họ phải chi đến 50-60 triệu đồng. Thế nên mọi việc đành để đấy.
Trong các tiểu vùng văn hoá, xứ Đoài là một trong số ít những vùng được vinh danh là 'văn hiến xứ Đoài'. Truyền thống văn hiến ấy được tạo nên bởi những con người tài đức như Nguyễn Viết Thứ, Nguyễn Công Triều. Các thế hệ con cháu cụ Nguyễn Viết Thứ còn kể rằng, khi cụ đã làm đến Thượng thư, mà nhà vẫn nghèo. Có năm đến 30 Tết, cụ bà Thượng thư vẫn chưa biết lấy gì gói bánh. Sinh thời cụ Nguyễn Viết Thứ hay giúp người, tình cờ, đến đúng buổi chiều, có một người từng được cụ Thượng Sơn Đồng gia ân đội một thúng gạo nếp đến biếu. Như thế, gia đình mới có bánh chưng đón Tết.
Đến Sơn Đồng, thăm ngôi nhà cổ, ai cũng say mê khi nghe lại câu chuyện kỳ thú của người xưa - một nét đẹp về đối nhân xử thế cần được nhân lên khi văn hoá xứ Đoài hoà vào mạch chảy văn hoá Thăng Long. Gian chính giữa, bức hoành phi ba chữ 'Đức giả viễn' (Giữ chữ Đức lâu dài) vẫn sáng ánh màu vàng son, như nhắc nhở các thế hệ sau về tâm - đức tiền nhân.
Nguồn : quehuongonline.vn