Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ mà ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, chim muông ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét.
Ở đây, sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, của hương hoa đó, người ta như quên đi rằng nơi đây là lăng tẩm của một người quá cố, mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng... Trong số 50 công trình kiến trúc của lăng Tự Đức, có một công trình đặc biệt mà không một khu lăng tẩm nào có được, đó là nhà hát cổ Minh Khiêm Đường.
Minh Khiêm Đường là nhà hát cổ nhất trong 4 nhà hát được xây dựng thời các Vua nhà Nguyễn. Cùng với các công trình kiến trúc khác trong lăng, Minh Khiêm Đường hiện vẫn còn giữ gìn được kiến trúc ban đầu của mình. Nhà hát được xây dựng vào năm 1865 với lối trang trí, chạm trổ tuyệt đẹp. Trước khi Vua Tự Đức băng hà, khu lăng tẩm này là một hành cung mùa hè để Vua nghỉ ngơi, làm thơ, ngắm cảnh. Nhà hát Minh Khiêm Đường là nơi nhà Vua nghe tấu nhạc, diễn tuồng. Chính vì thế mà bây giờ chúng ta vẫn có thể cảm nhận một sự ấm áp, gần gũi và hữu ích đúng nghĩa của một nhà hát, bởi vì, công trình này tuy được làm cho người chết nhưng đã từng phục vụ cho người sống.
Nhà hát Minh Khiêm Đường là một căn nhà ba gian hai chái, được làm bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống Huế. Là công trình dành cho Vua nên phần trang trí gỗ ở đây cũng hết sức tinh xảo. Cho đến bây giờ vẫn nhận thấy rõ những mô típ hoa văn được chạm trổ ở đây, đó là những mô tip trang trí cung đình như rồng, hoa lá...Tất cả đều hoà quyện tạo nên một không gian vừa trang nghiêm, vừa đầy chất nghệ thuật.
Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên sân khấu. Có một điều thật đặc biệt cho thấy sự mơ mộng , bay bổng tâm hồn của người xưa trong cách thiết trần nhà. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem cảm giác như đang ở ngoài trời, giữa cuộc đời . Chính vì thế, ngôi nhà này là một minh chứng phản ánh về chủ nhân của nó: một con người có tư chất hâm mộ nghệ thuật, một tâm hồn lãng mạn trữ tình.
Những tiếng đàn, tiếng hát đã vắng lặng ở đây từ khi Vua băng hà. Với những nỗ lực của mình trong việc trùng tu, giữ gìn về kiến trúc, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã cố gắng tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tại Minh Khiêm Đường, một năm sau khi nhà hát Duyệt thị Đường ở Đại Nội sáng đèn trở lại. Những nhà hát cổ của Huế đã sáng đèn, sống lại một không gian xưa với tiếng đàn, tiếng hát, với những giá trị tuyệt vời của âm nhạc truyền thống Huế.
Để giữ gìn sự nghiêm trang cho nhà hát Minh Khiêm Đường và để cho mọi du khách đều có thể nhìn ngắm nhà hát cổ xưa nhất của Huế , Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã chuyển vị trí biểu diễn âm nhạc truyền thống Huế về Xung Khiêm Tạ - một công trình kiến trúc thơ mộng trên hồ Lưu Khiêm. Trong không gian thoáng mát, phong cảnh nên thơ, tiếng đàn tiếng hát của các nghệ sĩ, ca sĩ thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã đem đến cho du khách những giây phút tuyệt vời, hoà mình cùng thiên nhiên trong lời ca, tiếng đàn. Thưởng thức âm nhạc Huế trên sông Hương có thú vị riêng và trong không gian này cũng có một nét đặc biệt riêng./.
Nguồn : website Huế