Ngắm nhìn nguyên bản một ngôi nhà rông của người Băh nar, Jrai và một số dân tộc khác ở các tỉnh Giai Lai, Kon Tum người ta nhận thấy rõ nét độc đáo trong kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc không thể lẫn với vùng miền khác.
Nhà rông trước những năm 1990 người dân trong buôn tự hợp sức nhau làm hoàn toàn bằng tay và tự việc đốn cây về lột vỏ, róc mắt, gọt nhẵn cột, kèo, đòn tay, dùi lỗ, khoét ngàm... chỉ bằng con dao gạt (dao dày, mũi quắm nhọn hoắt) chứ hoàn toàn không dùng cưa, đục gì cả.
Thêm nữa một ngôi nhà rông bình thường nền rộng hơn 100 mét vuông, mái uốn cong như một cánh buồm no gió cao hơn 10m (có nhà cao tới 20m) và toàn bộ diện tích sàn nhà đều được lót bằng những đoạn cây tròn to bằng nhau nhưng không hề sử dụng một cây đinh sắt mà chỉ có con xỏ bằng gỗ và lạt buộc bằng dây me vóc (còn gọi là mây rừng) nhưng vô cùng chắc chắn. Có ngôi nhà đã có hơn 100 tuổi vẫn chưa hề hư hỏng bộ khung, chỉ khi nào mái tranh bị mục thì dặm hoặc dỡ bỏ lợp lại.
Nhà rông vô cùng quan trọng đối với tinh thần và đời sống tâm linh của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên. Mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều được diễn ra tại đây. Mỗi khi phải chuyển buôn đến một vùng đất khác hoặc do buôn đông người quá không có đất đủ sinh sống phải tách buôn thì già làng và mọi người đi tìm nơi mới, khi đã ưng ở đất đó thì tiến hành cất nhà rông, nếu trong thời gian dựng không có biên cố gì xảy ra gây đổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng người nào thì coi như "giàng đã đồng ý" thì mới bầy già làng mới và cho nhổ nhà dân đến dựng xung quanh.
Những ngày bình thường ai đó chỉ đặt chân lên cầu thang nhà rông thôi đã tỏ rõ sự tôn trọng đặc biệt như có cái gì đó rất linh thiêng, không ai dám nói tục, chửi thề hay làm những việc xấu trong nhà rông, nếu bị phát hiện dù là người trong hay ngoài tộc đều bị hình phạt thích đáng. Nhiều người có thể do thất bại trong việc làm ăn hay buồn chán chuyện gì đó có thể đến nhà rông ngửa cổ nhìn lên mái nhà thổ lộ những điều uẩn khúc trong lòng và ngày sau đó họ cảm thấy thanh thản vì trong thâm tâm họ quan niệm nhà rông là nơi các vị thần linh trú ngụ sẽ hiểu và phù hộ cho họ.
Gần đây Nhà nước đã xây dựng nhiều nhà văn hóa cộng đồng kiên cố mang dáng dấp của nhà rông xưa với tường xây, mái lợp tôn song buôn chỉ dùng để hội họp chứ mọi nghi lễ cổ truyền mang tính chất tâm linh vẫn diễn ra tại nhà rông do chính tay buôn làng dựng lên.
Nguồn : TSCĐ