Nằm bên dòng Đắk Blah trong xanh, thơ mộng, thấp thoáng dưới chân dãy núi Ngọc Lĩnh hùng vĩ, thị xã Kon Tum nho nhỏ hiện lên hồn nhiên và mạnh mẽ như chính cái chất vốn có của con người Tây Nguyên. Thị xã Kon Tum đã cuốn hút mọi người ngay từ cái nhìn từ xa, nơi đó du khách có thể thấy tháp chuông nhà thờ Chánh tòa Kon Tum với màu nâu ấm áp cao sừng sững vươn lên nền trời xanh.
Được xem là di tích cổ và đẹp nhất, Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum với tên gọi gần gũi là Nhà thờ Gỗ luôn là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên.
Nhà thờ nhìn từ phía chính diện
|
Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng.
Cung thánh được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên, gần gũi với đời sống hàng ngày mà vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng. Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái thật cao, các bức tượng tạc từ rễ cây làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn. Ngoài thánh đường chính, nhiều công trình khác cũng được xây dựng rất tinh tế và mỹ thuật như nhà thờ, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo.
Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may. Khuôn viên nhà thờ luôn mở rộng cửa cho khách tham quan. Vào uống rượu trái cây do các nữ tu chưng cất và nhìn ngắm những em gái người dân tộc ngồi dệt thổ cẩm cũng là kỷ niệm khó quên về thị xã êm đềm này.
Không xa nhà thờ Chánh Tòa là chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.
Ngôi nhà thờ gỗ Kon Tum chinh phục lòng bao người không chỉ vì bố cục của nó được sắp xếp hài hòa, kiến trúc của nó lộng lẫy. Cái Đẹp nơi đây được tôn thêm nhiều bởi nhà thờ luôn biết nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến với nhà thờ, du khách được chiêm ngưỡng bề dày của nền văn hóa Tây Nguyên được tái hiện, từ khu hoa viên với nhà rông cao vút, hay các bức tượng làm bằng rễ cây, từ các hoa văn nghệ thuật độc đáo vừa trang nghiêm, huyền bí vừa hết sức gần gũi pha lẫn đường nét phóng khoáng trên cung thánh nhà thờ, trên hệ thống gỗ và rui mè...Tất cả đều mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Và điều kỳ diệu hơn là nhà thờ này được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ miền Bắc vào đã làm nên điều diệu kỳ đó.
Nhà thờ nhìn nghiêng
|
Không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, chất liệu để xây cất nhà thờ hoàn toàn bằng gỗ tốt nhất thời bấy giờ, trong đó gỗ cà chít chiếm số lượng nhiều nhất. Ngoài ra, các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng đất trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Thế nhưng, dù hơn một thế kỷ trôi qua ngôi thánh đường vẫn vững vàng, bền đẹp với thời gian.
Du khách có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào nơi miền đất cao nguyên có độ cao so với mặt nước biển gần 600 mét này. Nếu vào mùa hoa đậu nở, trên đường tới nhà thờ bạn sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm nhan sắc Kon Tum. Nếu bạn đến vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ gặp tại đây cả nghìn giáo dân đủ tộc người tìm đến nhà thờ, họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải có khi cả tuần để tham dự lễ. Đó là những ngày nhà thờ náo nhiệt, đầy sức sống với cảnh mua bán tấp nập. Tất nhiên, trong phiên chợ này có rất nhiều sản phẩm thủ công từ các buôn làng đem theo bày bán. Còn nếu đến nhà thờ vào một ngày bình thường nào đó, sẽ gặp sự thầm lặng của một giáo đường. Hàng ghế hai bên hông nhà thờ vào lúc làm lễ là chỗ để giáo dân cầu nguyện, lúc này thành chỗ cho các em học sinh dùng để ôn bài học tập. Và bạn cũng có thể ra dãy nhà phía sau nhà thờ, đó là dãy nhà mới xây dựng sau năm 1975 nhưng vẫn không phá vỡ kiến trúc tổng thể. Tại đây có một nơi sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ đậm chất dân tộc Bana, và tại đây có một cô nhi viện nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Giữa miền Tây Nguyên nắng gió, giữa tiếng vang vọng của núi rừng, bỗng đâu đó vang lên tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông gợi trong lòng khách lãng du bao nỗi nhớ, nỗi nhớ về mảnh đất Kon Tum, về một thế giới trầm lắng, thánh thiện của ngôi Nhà thờ Gỗ yên bình.
Quehuongonline