Lâu lắm mới nhận thư H. gửi về. Đau đáu câu hỏi: “Chuẩn bị tết nhất sao rồi? Mấy ngày nay T. đã đi thăm mấy vườn hoa chưa? Trời bên này lạnh quá. Sáng lái xe đi làm, tối mịt lái xe về trong tuyết trắng mà thèm chút nắng Sài Gòn mùa này. Mình nhớ mấy ngày cận tết T. “tha” mình lang thang hết chợ hoa này đến vườn hoa khác. Mình nhớ chợ hoa Trần Văn Kiểu - bến Bình Đông, cái chợ hoa “trên bến dưới thuyền” đầy chất Sài Gòn của tụi mình, nhớ như điên như dại”...
Đọc thư H. mà mình cứ muốn khóc. Và đọc rồi mới chợt nhớ không biết năm nay số phận chợ hoa trên bến dưới thuyền của Sài Gòn mình ra sao. Nhớ cảm giác hụt hẫng năm rồi khi hàng trăm ghe thuyền chở mai, hoa kiểng từ miền Tây lên Sài Gòn phải trùm mền, khô héo, chết đứng vì lệnh cấm đột ngột “không được mua bán, lên xuống hàng hóa” để... “bảo tồn” đại lộ Đông Tây.
Nhớ những lời ta thán tiếc nuối của các thành viên trên cộng đồng mạng khi hủy những cuộc hẹn “du ngoạn thưởng hoa”, chụp ảnh...
|
Hoa tết từ các tỉnh miền Tây được chở bằng thuyền và bán tại bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM |
Nói đến Sài Gòn xưa, Sài Gòn 300 năm người ta thường gắn với cảnh quan sông rạch, trên bến dưới thuyền. Sử sách ta cũng còn lưu “đây là nơi trên bến dưới thuyền, phố xá phồn thịnh, buôn bán tấp nập”. Chưa nói đến cảnh quan tuyệt đẹp kéo dài từ bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu đến tận rạch Lò Gốm với những dãy nhà phố, nhà xưởng có tuổi đời hàng thế kỷ, chỉ riêng hoạt động buôn bán đặc trưng này đã tạo ra một chân dung đô thị trên bến dưới thuyền rất đỗi cá tính...
Chính vì thế, trước khi đại lộ Đông Tây hình thành đã có nhiều lời cảnh báo lẫn kêu gọi thống thiết về việc bảo tồn “tài nguyên đô thị” cũng như nét đẹp văn hóa này. Lấy lời cảnh báo của KTS Francois Tainturier thuộc Viện Quy hoạch TP Lyon (Pháp) về bài học “con đường cao tốc ven sông Rhône chảy ngang TP”, KTS Nguyễn Minh Tiến khi đó cũng đã nói đến hậu quả khi “cảnh quan thiên nhiên của dòng kênh và những tiện ích của nó bị tách rời khỏi cuộc sống cộng đồng dân cư”.
Mới đây, trong một bài báo, ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng nói du lịch TP.HCM sẽ đánh mất hàng trăm triệu USD hằng năm nếu không kịp thời đưa loại hình du lịch đường sông vào chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm, và “một trong những điểm nhấn khác cần khai thác chính là tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé nằm dọc đại lộ Đông Tây”.
Có lẽ không cần nói thêm về những cái lợi trước mắt hoặc lâu dài cũng như sự khập khiễng khi so sánh một con đường mới và một “bến Bình Đông xưa” trên bến dưới thuyền, và nỗi tiếc nuối của những con người (được cho là) hoài cổ với bài toán phát triển đô thị, phát triển kinh tế.
Thế nhưng, “để gìn giữ và tôn tạo hơn lên cái phần hồn đô thị đó, thiết nghĩ rất cần có những ý tưởng lãng mạn và tâm huyết hơn cho việc tái sinh, tạo ra một sức sống mới mẻ cho dòng kênh” (lời KTS Nguyễn Minh Tiến).
Nguồn : Tuổi Trẻ