Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng - một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng.
“Phong Điền chợ nổi trên sông
Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”
Đó là câu ca truyền miệng của khách thương hồ về cảnh mua bán tấp nập của chợ nổi Phong Điền, một trong những chợ buôn bán trái cây lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, với đầy đủ các loại sản vật miệt vườn như cam, quít, xoài, vú sữa, xa bô, mận, ổi, sầu riêng, măng cụt, chuối...
Chợ nổi Phong Điền
|
Chợ nổi Phong Điền nằm ngay ngã ba sông, một nhánh từ Cần Thơ vào, một nhánh rẽ đi Cầu Nhiếm và một nhánh xuôi về Trường Long (thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), cách thành phố Cần Thơ khoảng 17km. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến 7-8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần. Từ tờ mờ sáng, những người dân quê đã hối hả bơi chèo chở theo các loại sản phẩm từ vườn nhà ra chợ bán. Ngoài ra, còn có ghe của thương lái từ vùng trên đổ xuống, miệt dưới ngược lên đưa hàng của phố thị và đặc sản của miền xa về nhóm họp làm cho chợ nổi trên sông càng thêm tấp nập. Thiên nhiên và vạn vật như bừng tỉnh giấc bởi tiếng khua nước của những mái chèo, tiếng nổ của các loại động cơ, tiếng ghe xuồng va chạm vào nhau, tiếng gọi chào, nói cười rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng í ới ngã giá bán mua...
Trong chợ nổi có các ghe hàng bán những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa; các dụng cụ đánh bắt thủy sản như: chài, lưới, lờ, lọp... ; các sản phẩm của nghề đan đát như: thúng, rổ, nong, nia, sàng, sịa, cần xé... và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Len lỏi khắp nơi là những xuồng “vàm” bán đủ thứ thức ăn: hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nướng, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê... Hiện nay, trên chợ nổi còn có các dịch vụ mới như: trạm xăng dầu nổi có sức chứa vài ngàn lít bán cho tàu ghe qua lại, tiệm sửa cân, sửa máy, tiệm may nổi phục vụ nhanh cho khách hàng... Nói chung, mặt hàng nào ở phố chợ có thì cũng đều có mặt ở chợ nổi, phục vụ cho những khách hàng mua bán trên sông.
Đặc trưng cách mua bán ở chợ nổi là sang chuyến: ghe qua ghe, xuồng qua xuồng đã phát sinh một loại dịch vụ mới là “đò”. Đó là những xuồng hoặc ghe nhỏ dùng để chở khách đi chợ, dễ dàng len lỏi, xuôi dọc trên chợ. Dịch vụ này lúc nào cũng đắt khách vì ghe lớn đậu giữa sông, lúc cần lên bờ phải kêu đò, một số tiểu thương và khách hàng trên bờ muốn mua hàng dưới chợ nổi cũng phải kêu đò. Ngoài ra, còn có hàng chục tàu đò, vỏ lãi đậu ở bến sông, sẵn sàng đưa du khách tham quan chợ nổi. Chủ tàu đò thường là người địa phương nên có thể kiêm luôn vai trò thuyết minh, hướng dẫn khách. Sau khi tham quan, mua sắm ở chợ nổi, du khách có thể xuôi theo rạch Trà Niền đến thăm mộ nhà thơ yêu nước - Cử nhân Phan Văn Trị, hoặc theo câu hò Cần Thơ về thăm thôn xóm, vườn cây ăn trái, hòa cùng cuộc sống bình dị nhưng ấm nồng tình làng nghĩa xóm của bà con nông dân ở các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Tân Thới, Trường Lạc... là vùng kinh tế vườn nổi tiếng từ xưa đến nay:
“Hò ơ...
Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái
Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba
Mặc piyama khăn rằn quấn cổ
Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ
Muốn cùng em thố lộ đôi lời
Cấy cày cực lắm em ơi
Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no”.
Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”. Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo khách nhưng lại có sức thu hút kỳ lạ. Khách mua phải nhìn cây “bẹo” mà tìm hàng. Không giống như ở chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu theo loại hàng. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc). Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với nhiều loại tiếng kèn khác nhau làm cho các khu chợ thêm huyên náo. Hiện nay, ở chợ nổi có những hình thức “bẹo hàng” hiện đại hơn như những bảng hiệu, hộp đèn, áp phích, băng rôn của các ghe hàng, các cửa hàng nổi...
Đối với những người mua bán ở chợ nổi, chiếc ghe dùng để chở hàng hóa cũng là căn nhà di động. Mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Khoảng không gian tuy hẹp nhưng cũng đủ gói ghém những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Khi chiều về, nhàn nhã sau một ngày bon chen mua bán hoặc rong ruổi trên sông nước tha phương, những khách thương hồ tụ họp lại bên tách trà, ly rượu cùng nhau đờn ca tài tử. Một lớp Nam ai, vài câu vọng cổ quyện trong tiếng đờn kìm, đờn ghi ta ngân vang trên sông nước hữu tình, làm cho lòng người mềm lại. Theo gió đưa xa, tiếng mẹ ru con vừa da diết, thiết tha vừa ẩn chứa nỗi nhớ niềm thương về một chốn quê xa.
Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng - một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng.
Nguồn : Báo Cần Thơ