Hà Tây là đất chùa với những ngôi chùa nổi tiếng, có phong cách riêng và mang theo mình vẻ đẹp huyền bí, trầm mặc đầy chất triết học phật giáo với lịch sử lâu đời. Các ngôi chùa không chỉ là điểm hội tụ của tôn giáo, tâm linh mà còn mang đậm bản chất của nền văn hóa Việt Nam
CHÙA THẦY (THIÊN PHÚC TỰ)
Nếu chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời ngài Từ
Đạo Hạnh thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác
của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi này. Chùa Thầy dựa
vào sườn Tây Nam một ngọn núi đá vôi có nhiều hang động là núi Thầy tức núi Sài
Sơn thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội
khoảng 20km.
Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh đã phác họa cảnh
chùa Thầy "như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả
bốn mùa". Ban đầu chữ Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền
sư Từ Đạo Hạnh tu trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa:
chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên
Phúc Tự). Đầu thế kỷ XVII, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu,
xây dựng điện Phật, điện Thánh; nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong
thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái
là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về
hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên
Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng. Thủy đình mọc lên giữa Long
Chiểu, nơi thường diễn trò rối nước đặc sắc, chính là viên ngọc ở đầu rồng. Hai
giếng là hai mắt rồng. Hai cầu cổ có mái ngói do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
xây dựng năm 1602 là hai răng nanh của miệng rồng: Cầu Nhật Tiên ở bên trái
trông vào đền Tam Phủ xây trên một đảo nhỏ giữa ao. Cầu Nguyệt Tiên ở bên phải
dẫn vào đường lên chùa Cao trên núi. Đối diện với thủy đình là chùa Cả được xây
dựng theo kiểu chữ "Tam" gồm 3 nếp nhà dựng trên nền cao bó đá hộc
xanh. Nếp ngoài là nhà tiền tế, nếp giữa thờ Phật, nếp trong cùng thờ Thiền sư
Từ Đạo Hạnh. Trong chùa có đặt 3 pho tượng diễn tả 3 "kiếp" của Thiền
sư Từ Đạo Hạnh: Tãng, Phật và Đế Vương. Bên trái là tượng toàn thân Thiền sư bằng
gỗ bạch đàn. Chính giữa là tượng Thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen,
tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng. Bên phải là tượng Thiền sư sau
khi đã hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần
Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên
ngai vàng. Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ
Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của Ngài là Thiền sư Minh Không và Thiền
sư Giác Hải. Hai bên chùa là hành lang dài thờ mười tám vị La Hán. Đường qua cầu
Nguyệt tiên dẫn đến những bậc đá đi lên núi, nơi có chùa Cao vốn là Hiển Thụy
am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của
Nguyễn Trực và Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa
là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác, nên còn gọi là hang Thánh Hóa. Phía trên
chùa Cao có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày
hàng, ly rượu … trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ
nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng
và ngâm thơ giữa thiên nhiên khoáng đạt như hình ảnh trong bài thơ của Nguyễn
Khuyến:
Hóa công xây đắp biết bao đời
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời
Buổi sớm gió tuôn, trưa nắng gắt
Ban chiều mây họp tối trãng chơi
Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn
Giãi thủ giang sơn bốn mặt ngồi
Bán lợi mua danh nào những kẻ
Chẳng lên mặc cả một đôi lời.
Theo lối mòn ven núi, leo lên vài chục bậc đá nữa sẽ đến
hang Cắc Cớ, nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca
dao đã ghi lại:
Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.
Từ hang Cắc Cớ, một con đường có nhiều cây đại thụ dẫn lên đền
Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn
trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u và hang Gió với những
ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi Thầy, về phía Tây có chùa Bối
Am còn gọi là chùa Một Mái, vì chùa chỉ có một mái lợp bằng ngói, còn mái kia
chính là vòm hang. Nét độc đáo của thắng cảnh chùa Thầy là ở sự kết hợp giữa những
con đường, những mái chùa vươn lên tầm cao, với những vẻ đẹp của hồ nước trải rộng
và những bí ẩn trong chiều sâu lòng đất. Cả ba chiều không gian đó kết tụ lại
trong một quần thể thiên nhiên đa dạng về kiến trúc và màu sắc. Hội chùa Thầy
diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba âm lịch hàng năm, là dịp để con
người chiêm bái danh lam thắng cảnh này. Trong ngày hội, nhiều Tăng Ni từ các
nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm
gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn - một
diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ
dân tộc. Nhưng hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn
có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở cả
nước ngoài. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn
tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh
thiên nhiên rộng mở:
Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.
CHÙA TÂY PHƯƠNG (SÙNG PHÚC TỰ)
Cách Hà Nội 37km về hướng Tây, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện
Thạch Thất, tỉnh Hà Tây có một quả núi cao khoảng 50m nằm trên một địa thế rất
đẹp: giữa một rừng cây cối tre trúc xanh rờn che kín những mái nhà tranh ẩn
trên sườn núi. Đó là núi Câu Lậu. Có tài liệu cho rằng sở dĩ ngọn núi này có
tên như vậy vì hình nó cong cong như chiếc lưỡi câu. Nhưng xét về từ nguyên học,
thì tên núi theo âm cổ vốn là "Klâu", nghĩa là núi Trâu, về sau có
sách vở ghi theo âm chữ Hán là Câu Lậu. Người ta sẽ hiểu được điều này khi đứng
từ xa nhìn ngọn núi này kết hợp với các ngọn đồi vùng Kim Quan tạo thành một
dãy núi đồi chạy dài từ Ba Vì xuống giữa đồng bằng, trông chẳng khác nào một
đàn trâu mà núi Câu Lậu là con trâu mẹ đang quay đầu nhìn lại đàn con.Từ chân
núi Câu Lậu, leo lên 239 bậc đá ong, chúng ta sẽ đứng trước cổng danh lam thuộc
loại tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở nước ta: Chùa Tây Phương,
tên chữ là Sùng Phúc Tự, còn có tên khác là Hoành Sơn Thiếu Lâm Tự.Năm 1632,
vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng
hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho
phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời Tây Sơn, chùa
lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình
dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.Bia chùa Tây Phương lập năm 1924 có ghi
lại sự việc "Sadi Thiết Tử, tên tự là Thanh Ngọc, quê làng Cao Xá, huyện
Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, xuất gia từ nhỏ, đến năm 1893 đến ở chùa Sùng Phúc tức
chùa Tây Phương núi Câu Lậu. Vùng núi này là nơi danh lam thắng cảnh tích phát
anh tài, hương thiền phảng phất. Vì vậy các thân hào kỳ lý trong xã họp lại nhất
trí tu tạo và sửa sang 3 tòa tự vũ, nhiều lần chấn chỉnh, đồng thời tạc tượng
Quan Âm trăm tay cùng tượng Thiện Tài Long Nữ. Cũng trong thời gian này còn tạc
thêm tượng Bát bộ Kim Cương, Thập bát La-hán vàng son lộng lẫy?".Chùa gồm
3 nếp nhà làm bằng gỗ lim rắn chắc xếp theo hình chữ "Tam": tòa bái
đường, tòa chính điện và tòa hậu cung. Ba tòa nhà này cách nhau 1,60m, tạo nên
một nhịp điệu kiến trúc độc đáo. Hệ thống cửa sổ hứng lấy ánh sáng lung linh từ
bên ngoài, tạo cho nội thất một khung cảnh thoát tục, phù hợp với triết lý sắc
sắc không không của nhà Phật.Mỗi nếp chùa có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tám
mái và tám góc là các đầu đao vươn lên cong vút với những đường nét nổi lên
hình hoa, lá, rồng, phượng. Vật liệu xây chùa chủ yếu là gạch Bát Tràng để trần,
các cột gỗ đều kê trên tảng đá xanh tròn khắc hình cánh sen. Mái lợp gồm hai lớp
ngói: lớp trên là ngói đầu mũi đúc hình lá đề nổi, lớp dưới là ngói lót hình
vuông sơn ngũ sắc. Xung quanh diềm mái của ba tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo
hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung.Khắp chùa hầu
như chỗ nào có gỗ là có chạm trổ những hình tượng trang trí quen thuộc của dân
tộc ta: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù? rất tinh xảo.Du
khách đến thăm chùa Tây Phương chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp hoành tráng của
kiến trúc thì lại càng sửng sốt khi chiêm ngưỡng thế giới sinh động của 72 pho
tượng gỗ sơn son thếp vàng. Trên đất nước ta không ở đâu có được một phòng triển
lãm tuyệt vời và độc đáo như thế với nghệ thuật điêu khắc tôn giáo nhưng lại phản
ánh những đặc điểm dân tộc của con người Việt Nam. 72 pho tượng gỗ của chùa Tây
Phương là 72 công trình nghệ thuật đích thực, mỗi pho tượng biểu hiện không chỉ
cuộc đời, tính cách mà cả thế giới tâm linh của các vị Phật, Bồ-tát và La-hán.
Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:
1- Bộ tượng Tam Thế với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi
là Tam thân: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục gập
nếp đơn giản phủ kín cơ thể.
2- Bộ tượng Di-đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Bồ-tát
Quan Âm và Bồ-tát Thế Chí.
3- Tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích-ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi
ngày ăn một hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần
sáng láng. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu,
xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu,
hướng về nội tâm.
4- Tượng đức Phật Di-lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương
lai. Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn,
sung sướng.
5- Tượng Bồ-tát Văn-thù: đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống
mặt bệ.
6- Tượng Bồ-tát Phổ Hiền: chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên
tấm thân phủ đầy y phục.
7- Tượng Bát bộ Kim Cương, thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ
và cách bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.
8- Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca,
Di-trà-ca, Ba-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Phương Nam
Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đà, Tăng-già Nan-đề,
Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa.
Thế giới tượng trong nội thất chùa Tây Phương đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều
văn nhân, nghệ sĩ . Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa, đã làm những câu
thơ rất sống động và gợi cảm về hình tượng những con người đắc đạo mà lòng vẫn
trầm ngâm suy tưởng về những khổ đau quần quại của chúng sinh. Những pho tượng
sống động này phản ánh những sự tích của nhà Phật, đồng thời biểu hiện thế giới
tinh thần của những nghệ nhân đã sáng tạo ra. Tất cả những bộ phận trên cơ thể
đều mang dấu vết của nỗi đau trần thế: mắt giương, mày nhíu xệch, trán như nổi
sóng, môi cong chua chát, bàn tay cân vặn, đôi tai rộng dài ngang gối nghe đủ
chuyện buồn vui của đời người. Tất cả các giác quan của con người như đều căng
lên trong từng thớ gỗ:
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Từ những biểu hiện sinh động đó của nỗi đau đời thương người,
nhà thơ rút ra một nét đặc trưng chung của các vị: niềm băn khoăn, day dứt trước
lẽ tử sinh, ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Câu hỏi đè nặng tâm hồn các vị
không tìm lấy sự giải thoát cho riêng mình mà tìm sự giải thoát cho cả chúng
sinh.
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Câu hỏi đó không chỉ ám ảnh những con người sống trong buổi
hoàng hôn của một thế kỷ chìm trong đau thương, mà vẫn còn là nỗi băn khoăn day
dứt khôn nguôi của con người trên con đường đến Chân - Thiện - Mỹ.
CHÙA HƯƠNG
Ngày trước có một người con gái mùa xuân theo cha mẹ đi trẩy
hội chùa Hương đã phải lòng một chàng trai tài hoa phong nhã. Tâm tình của cô
gái ấy với những lời lẽ e ấp vụng dại đã được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi lại
qua một thiên ký sự bằng thể thơ năm chữ nổi tiếng trên đất Việt hơn nửa thế kỷ
qua. Ngày nay cảnh vật Hương Sơn có khác đi ít nhiều, nhưng hành trình đến chùa
Hương vẫn là một cuộc hành trình trở về thiên nhiên và cội nguồn. Chúng ta hãy
lần theo dấu chân cô gái ngày trước mà tìm đến với "Nam thiên đệ nhất động"
(Động đẹp nhất trời Nam). Chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức,
tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 60km. Thật ra chùa Hương không phải là một ngôi chùa
mà là một hệ thống chùa chiền, đền thờ và hang động nằm trong khu vực có những
ngọn núi đá vôi và rừng nhiệt đới, diện tích tất cả khoảng chừng 6km2. Theo
truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn hai nghìn
năm và đã được đặt tên Hương Sơn - lấy tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn
trong dãy Himalaya (Ấn Độ), nơi đức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng
rã. Đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh dất chùa
Thiên Trù. Theo sách Hương Sơn Thiên Trù thiên phú thì chùa Hương được xây dựng
từ đời Lê Huy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Bia tại chùa Thiên Trù có
ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim Dung bảo điện của chùa được
thực hiện vào năm 1686; còn pho tượng chính trong chùa - tượng Bồ-tát Quan Âm -
xưa kia vốn bằng đồng được đúc năm 1767. Hàng năm, hội chùa Hương mở từ ngày mồng
sáu tháng giêng đến rằm tháng ba âm lịch , trải dài trên ba tuyến chính: tuyến
động Hương Tích, tuyến chùa Tuyết và tuyến chùa Long Vân. Trên thực tế, suốt
trong tháng giêng và tháng hai, cảnh chùa luôn luôn đông vui tấp nập và khách
thập phương chủ yếu vãn cảnh chùa theo tuyến động Hương Tích. Từ Hà Nội, đi xe
vào thị xã Hà Đông, lên thị trấn Vân Đình, qua gần 20km nữa là tới Bến Đục, nằm
bên bờ sông Đáy. Đây là cửa ngõ vào khu danh lam thắng cảnh, thuyền đò chen
chúc. Từ Bến Đục, khách đi bộ gần 1km sẽ đến bến đò để lên thuyền xuôi theo một
dòng suối có tên là Yến Vĩ (đuôi con chim én).
Thuyền đưa du khách lướt bên những ngọn núi đá nên thơ như
núi Voi, núi Rồng cùng với nhịp cầu ở phía xa gợi lên khung cảnh non Tiên nước
Phật:
Réo rắt suối đưa
quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Dịp cầu xanh nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như
tranh
Đến đền Trình, thuyền ghé vào để du khách "trình diện"
với sơn thần sở tại trước khi đặt chân lên cõi Phật. Đền nằm dưới chân một quả
núi dựng lên năm ngọn nên được đặt tên là Ngũ Nhạc. Đền còn có tên Quan Lớn, thờ
một bộ tướng của vua Hùng. Rời đền Trình, du khách tiếp tục cuộc hành trình bằng
đường thủy ngắm cảnh hai bên dòng suối:
Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con Voi phục
Có đủ cả đầu đuôi.
Thuyền dừng ở Bến Trò cho du khách bước lên khu vực chùa
Thiên Trù (Bếp Trời), tức là chùa Ngoài. Ngày xưa, chùa được xây khuất trong bốn
vách núi, có đến vài chục gian, nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nam
Thiên môn được xây dựng dưới triều vua Gia Long (năm 1809) cũng bị phá hủy. Một
kiến trúc cổ còn lại là Viên Công bảo tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi đặt
xá lợi Thiền sư Viên Quang, người có công trùng tu chùa Hương sau nhiền năm
hoang phế. Nhìn từ xa, tháp như cây bút hồng ngọn vút cao lên trời. Ở đây còn
có Thiên Thủy tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, nước
mưa trên núi theo tháp chảy xuống. Năm 1986, chùa Thiên Trù đã được phục dựng lại
gác chuông và đến năm 1989 thì xây xong nhà Tam bảo hai tầng theo kiểu chữ
"Đinh". Đầu năm 1994, chùa đã xây dựng lại Nam Thiên môn (cửa trời
Nam) theo nguyên mẫu.Từ khu vực chùa Ngoài, du khách lần theo con đường dốc
trên các sườn núi đá để ghé thăm chùa Tiên Sơn xây trong động giữa lòng một quả
núi, có bốn pho tượng quí bằng hồng thạch. Tiếp đó là chùa Giải Oan, nơi có giếng
nước trong vắt gọi là "Thiên nhiên thanh trì" hay còn gọi là giếng
Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Gần chùa là động
Tuyết Kinh và am Phật Tích, nơi có tảng đá tương truyền lưu dấu chân Quan Âm Bồ-tát.
Cách đó không bao xa, du khách bước chân đến núi Chấn Song để thăm viếng cửa
Võng. Đích xa nhất mà du khách vãn cảnh chùa muốn đạt đến là động Hương Tích nằm
sâu ở phía trong. Du khách bước qua một cổng lớn ở phía trên, rồi theo những bậc
đá rộng đi xuống động. Cửa động trông như hàm rồng, phía trong có năm chữ Hán
"Nam Thiên đệ nhất động", tạc vào đá, tương truyền là bút tích của
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc vào năm 1770. Hai hàng cây cổ thụ tầng cao bóng cả
chen cành kết lá phủ lên cửa động. Ánh nắng lọt qua lá cây tạo nên một thứ ánh
sáng mờ ảo trải trên các bậc đá, cộng với khói hương từ lòng động bay lên tạo
thành một không gian huyền diệu như lời ca trong bài hát Chùa Hương của Nhạc sĩ
Hoàng Quý: "Chùa Hương khói trầm ngút bay những khi nắng tàn, phút giây
chìm đắm trong mơ màng". Vào trong động, du khách chiêm ngưỡng tượng Bà
Chúa Ba (Bồ-tát Quan Thế Âm) cùng nhiều tượng Phật, Bồ-tát. Trên vách động thạch
nhũ rủ xuống muôn hình muôn vẻ, màu sắc biến ảo: hình Đụn Gạo, Đụn Tiền, Cây
Vàng, Cây Bạc, Buồng Tằm, Nong Kén, Hòn Cậu, Hòn Cô. Trên trần động thạch nhũ
còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long. Ngắm nhìn những
dáng hình kỳ tú đó của thiên nhiên, cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp đã thốt
lên:
Ôi! Chùa Trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh
ngời
Gấm thêu trần thạch
nhũ
Ngọc nhốm hương trần
rơi.
Còn nhà thơ Chu Mạnh Trinh ở thế kỷ trước thì cảm tác thành
bài Thú Hương Sơn nổi tiếng:
Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước
bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước,
mây mây
"Đệ nhất động"
hỏi rằng đây có phải!
Nhác trông lên ai
khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh
như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng
bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn
thang mây?
Như trên đã nói, ngoài động Hương Tích, du khách còn có thể
rẽ qua rừng mơ thăm chùa Hinh Bồng, theo suối Tuyết vào đền Mẫu Hạ rồi đến núi
Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy và sau đó đến
bến Tuyết Sơn vào chùa Bảo Đài. Leo núi đến Bạch Tuyết môn, vào điện Cô, du
khách tới thăm chùa Tuyết Sơn còn có tên là Ngọc Long động. Nơi đây, vào năm
1770, Trịnh Sâm có làm bài thơ Đăng Tuyết sơn hữu hứng. Ở hướng khác, một nhánh
của dòng suối Yến đưa du khách qua núi Ông Sư Bà Vãi, lên thuyền vào thăm chùa
Long Vân, leo núi thăm chùa Cây Khế, và hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ ghi dấu
tích người xưa. Giã từ cảnh đẹp Hương Sơn, du khách có thể mang về làm kỷ vật một
gậy trúc đã chống trên đường hành hương, vài mảnh gốc mơ già để pha nước uống,
những quả mơ dày cùi nhỏ hạt và mấy mớ rau đắng nấu canh hương vị thơm ngon.
Nhưng cái quí nhất mà người đi chùa Hương có được là một tâm hồn như đã tẩy sạch
bụi trần, lâng lâng một niềm vui thoát tục với những ấn tượng không phai mờ về
một chốn Thiên Thai ngay trên trần gian như ca dao đã miêu tả:
Một vùng non nước bao
la
Rằng đây Lạc quốc hay
là Đào nguyên
Hương Sơn là chốn non
tiên
Bồng lai mà thấy ở miền
trần gian.
Bến thuyền cập vào đền Trình trên đường đến chùa Hương
Hoa gạo chùa Hương đỏ chói vẫy chào du khách.
Chùa Thiên Trù với lễ hội
Động Hương Tích, "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng
đẹp nhất trời Nam)
Chùa Hương là một ngôi chùa nằm ở xã
Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nằm ven bờ phải sông Đáy.
Chùa Hương nằm trong động Hương Tích và là trung tâm của cụm đền chùa
tại vùng này. Chùa Hương còn gọi là chùa Trong.
Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế
kỷ 17.
Hội chùa Hương hàng năm bắt đầu từ sau tết Nguyên Ðán, kéo dài từ giữa tháng 1
đến giữa tháng 3 âm lịch. Mỗi mùa hội có tới ba, bốn chục vạn người đến chùa
Hương. Từ cụ già sáu, bảy chục tuổi đến em nhỏ được bố mẹ cõng trên lưng đều nô
nức đi hội. Gặp nhau trên đường vào chùa, tất cả đều chào nhau bằng câu niệm Phật:
"A-di-đà-Phật".
Ðiều hấp dẫn của chùa Hương là cảnh núi cao, rừng thẳm, suối dài được kết hợp
hài hoà, xếp đặt tài tình giữa một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi.
Nếu chỉ đi chương trình một ngày, du khách hãy thăm động đẹp nổi tiếng nhất:
Hương Tích. Thế kỷ 17, chúa Trịnh Sâm đến vãn cảnh động, đã tự tay đề năm chữ
Hán lên cửa động "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam). Ðộng
được tìm ra cách đây hơn 2.000 năm. Bước vào động, một sắc cảnh kỳ diệu hiện ra
trong ánh sáng huyền ảo. Chính giữa động có pho tượng đức Phật Quan Thế Âm Bồ
Tát. Xung quanh là nhũ đá tạo thành những hình cây vàng, cây bạc, buồng tằm,
nong kén, núi cô, núi cậu... và đây là toà cửu long hình chín con rồng nhũ đá
long lanh ánh biếc đang châu đầu xuống trần thế.. Đường xuống hang chùa là
một dốc gồm 120 bậc lát đá. Vách trước cửa động có năm chữ Hán Nam
thiên đệ nhất động khắc năm 1770 đời chúa Trịnh Sâm.
Vào trong động vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công
trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây có khối to, có khối nhỏ,
có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần
xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình dáng mà được đặt những
cái tên rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người. Trước hết là Đụn Gạo
đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn
Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu. Dưới chân Đụn Gạo có một
hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn
Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc
đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt
tháng rỏ xuống không ngừng.
Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây
Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh.
Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén...
Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành
hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.
Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà
kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan
Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có
dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ
Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống.
Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi,
đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo
bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm1793.
Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m, đường kính đáy 0,63 m đúc năm Thịnh Đức thứ
3 (1655).
CHÙA MÍA (SÙNG NGHIÊM TỰ)
Vào thế kỷ XVII ở làng Mía, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã
Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, có bà Nguyễn Thị Dong tức Nguyễn Thị Ngọc Diệu là vợ của
Chúa Thanh Đo Vương Trịnh Tráng, nên còn được gọi là Bà Chúa Mía. Một trong những
công đức mà Bà Chúa Mía để lại cho quê hương là đã đứng ra hưng công đại trùng
tu ngôi chùa Mía, tức Sùng Nghiêm Tự (nguyên được dựng từ đời Trần) vào năm
1632.Nằm trên một ngọn đồi đá ong, lúc đầu chùa Mía chỉ có` cổng và hai tòa thượng
điện, hậu đường, mỗi tòa 7 gian dựng song song. Chùa được tu bổ và hoàn chỉnh dần
vào thế kỷ XVII và XIX.Khuôn viên chùa được chia làm ba khu tương đối tách bạch
nhau: ngoài cùng là cửa tam quan trông ra một bãi đất rộng bên cạnh là chợ Mía.
Trên gác có treo một chuông đồng đúc năm 1743 và một khánh đồng đúc năm
1846.Qua khỏi tam quan là hai khoảng sân liên tiếp, cách nhau bởi một cổng gạch
giữa bức tường hoa cánh gà. Ở góc phải sân thứ nhất có một cây đa khoảng vài
trăm tuổi, kế cây đa là Liên Đài bảo tháp cao 13,5m. Sân thứ hai có những bồn
hoa và hòn non bộ. Phía bên trái có dãy nhà tổ và nhà trai.Nằm trên độ cao cách
sân 7 bậc thềm là khu chùa chính gồm: tiền đường, trung điện, nhà thiêu hương,
hành lang và hậu điện. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, gian bên trái có một tấm
bia dựng năm 1632 đặt trên lưng rùa, nội dung ghi lại sự tích Bà Chúa Mía xây
chùa. Trung điện và hậu điện được nối với nhau bởi hai dãy hành lang quanh nhà
thiêu hương. Trung điện và nhà thiêu hương nối vào nhau theo kiểu chuôi vồ.Nghệ
thuật điêu khắc ở chùa Mía nổi bật ở những đường nét chạm trổ tinh vi trên tòa
gác chuông với các góc mái đều gắn đao triện, ở các hàng lan can, các ván long,
xà nách? Nhưng di sản đáng quí nhất ở chùa là 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó một
nửa tạc bằng gỗ, một nửa bằng đất luyện, sơn son thếp vàng. Tiêu biểu là tượng
hai vị Hộ Pháp cao gần tới nóc nhà, tượng Bát bộ Kim Cương bằng đất luyện khắc
họa những nét điển hình về ngoại hình, dung mạo của những con người giàu tinh
thần thượng võ, sẵn sàng bảo vệ chính pháp. Chùa có tôn trí tượng Tuyết Sơn, biểu
hiện đức Phật Thích-ca thời kỳ tu khổ hạnh, thân thể gầy gò đến mức tất cả
xương cốt đều lộ ra, nhưng thần sắc của tư duy thì vẫn tồn tại. Chùa Mía còn có
một tuyệt tác về điêu khắc là pho tượng Quan Âm tống tử, thường gọi là tượng Bà
Thị Kính. Với đường nét chạm khắc mềm mại và sinh động, pho tượng này tái hiện
hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam hiền hòa, tay ẫm đứa bé bụ bẫm, vẻ mặt đượm
buồn, mắt nhìn xuống đầy vẻ chịu đựng và bao dung.Người làng Mía tự hào về pho
tượng là điều dễ hiểu:
Nổi danh chùa Mía làng ta,
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm.
Và có lẽ đó là niềm tự hào không chỉ của riêng người làng
Mía.
CHÙA TRĂM GIAN (QUẢNG NGHIÊM TỰ)
Chùa Trăm Gian ở Hà Tây gắn liền với truyền thuyết về một vị
cao tăng tên là Nguyễn Lữ (hoặc Nhữ) hiệu là Bình An, quê ở Bối Khê, huyện
Thanh Oai, Hà Tây, được người đời gọi là đức Thánh Bối. Truyền thuyết kể rằng
vào đời Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng
sinh, rồi có mang, sinh ra một con trai. Năm lên 6 tuổi, cha mẹ mất, người con
phải đi chăn trâu, nhưng rất mộ đạo Phật, thường làm bàn thờ cúng lễ. Đến năm 9
tuổi, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi, đi
vân du khắp nơi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, Hà Tây ngày
nay, thấy cảnh đẹp, Người xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu
tại ngôi chùa trên núi. Mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi
phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa Thượng, đặt đạo hiệu là
Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.Sau khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ
viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Tương truyền rằng
Ngài có phép hóa cỗ bàn cơm chay, thợ xây chùa ăn mãi không hết. Khi chùa dựng
xong, Hòa thượng mang guốc gỗ đi qua đi lại trên kèo như đi trên mặt đất, ai nấy
đều bái phục vái lạy phép thần thông của Ngài. Năm 95 tuổi, Ngài ngồi vào một
cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa
khám, kim quang Ngài bay mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa. Dân làng và đệ tử xây
tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối.Sách Lĩnh Nam chích quái
cũng có ghi sự tích đức Thánh Bối có thể làm mưa, gọi gió. Truyền thuyết còn kể
rằng vào đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, có một toán giặc nghe nói
chùa Tiên Lữ rất thiêng, bèn phóng hỏa đốt chùa, phá tượng. Đức Thánh Bối nổi
giận hóa phép làm ra một trận mưa kéo dài ba ngày ba đêm, nước đỏ như máu, dâng
cao tới ba thước dìm chết hết lũ giặc bạo ngược kia. Sau đó một đám mây năm sắc
hiện lên nền trời, cuộc sống thanh bình trở lại, ngôi chùa vẫn nguyên như cũ.
Dân làng quanh năm hương khói, mỗi khi gặp đại hạn, làm lễ cầu mưa tại chùa, rất
được linh ứng. Các triều vua sau đều phong đức Thánh Bối là "Thượng đẳng tối
linh Đại Thánh".Trên đây là sự tích chùa Trăm Gian ở làng Tiên Lữ, còn có
tên là Quảng Nghiêm Tự. Nhiều tài liệu ghi rằng chùa được lập năm 1185 đời vua
Lý Cao Tông. Đây vốn là ngôi chùa một gian hai trái nằm trên một quả núi cao
50m gọi là núi Mã, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tuổi khoảng vài thế kỷ như
trám, trắc, thông, tàn lá xòe rộng tỏa bóng mát che rợp mái chùa.Qua nhiều lần
trùng tu, ngôi chùa hiện nay bao gồm ba cụm kiến trúc chính, với tất cả 104
gian. Cụm thứ nhất ở lối ra vào gồm có hai trụ cột cao với hai quán ở hai bên,
trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội. Tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra hồ
sen, nơi đặt kiệu Thánh để xem trò múa rối nước. Cụm thứ hai nằm trên một độ
cao hơn một trăm bậc gạch xây. Tại đây có gác chuông cao 2 tầng 8 mái tách hẳn
lên phía trước mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc thế kỷ XVI - XVII.
Quả chuông đúc năm 1794 có khắc một bài minh của Phan Huy Ích. Muốn lên cụm thứ
ba, phải leo 25 bậc đá xanh đến sân trên, rồi lại leo 9 bậc đá có lan can chạm
hình rồng cuộn khúc. Đây là chùa chính gồm nhà bái đường, tòa thiêu hương, thượng
điện, hai dãy hành lang, nhà tổ và lầu trống. Chùa có 3 gian thờ chính: gian thờ
Phật; gian thờ Thánh; gian thờ Quan Âm, gia đình Đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng
lĩnh của vua Quang Trung, là người có công trùng tu ngôi chùa.Trong 153 pho tượng
ở chùa mà hầu hết làm bằng gỗ, đáng chú ý nhất về mặt lịch sử là tượng Đô đốc Đặng
Tiến Đông và tượng đức Thánh Bối, cốt đan bằng mây, ngoài bọc vải sơn, đặt
trong khám gỗ. Ngoài ra, tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm, bộ Thập bát La-hán
cũng là những công trình điêu khắc độc đáo.
Nguồn tư liệu: DANH LAM NƯỚC VIỆT của Võ Văn Tường và Huỳnh
Như Phương
Ảnh: Hoài Vân