Ngày nay, nhiều làng vẫn giữ được những ngôi đình cổ độc đáo, không chỉ chứa đựng hồn cốt của địa phương mà còn trở thành vật báu xứ Đông.
Theo truyền thống dân tộc, đình làng là chốn linh thiêng, là nơi bàn việc làng, việc nước. Ngày nay, nhiều làng vẫn giữ được những ngôi đình cổ độc đáo, không chỉ chứa đựng hồn cốt của địa phương mà còn trở thành vật báu xứ Đông.
Theo truyền thống người Việt, đình là nơi thờ cúng thành hoàng làng. Đình làng còn là nơi các chức sắc họp bàn việc làng, tổ chức cúng tế trong những kỳ lễ hội. Với giá trị đó, đình làng giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt và trở thành những công trình kiến trúc đặc sắc. Hiện tỉnh ta còn hàng trăm ngôi đình vẫn giữ được các nét kiến trúc cổ. Trong đó không ít ngôi đình là tài sản quốc gia, trở thành niềm tự hào của văn hóa xứ Đông.
Làng Huề Trì, xã An Phụ (Kinh Môn) được biết đến với sự trù phú, sầm uất của một ngôi làng cổ vì làng có những nét văn hóa dân gian độc đáo mà không đâu có được. Đặc biệt, làng có ngôi đình “vuông” khá lạ, thờ hai chị em Thiện Nhân, Thiện Khánh, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ngôi đình nằm ở giữa làng, dáng vẻ uy phong, bề thế, quay hướng nam, phía trước có hồ bán nguyệt, khuôn viên xung quanh thanh quang, đẹp đẽ. Mặt trước đình có treo một chiếc mõ gỗ lớn đã cũ. Ngôi đình được xây theo kiểu chữ nhị, mỗi tòa có 5 gian. Phần chái của hai tòa nối liền nhau tạo thành một tòa liên hoàn khép kín dài 24m, rộng 26m. Vì vậy, nhìn ở góc nào cũng thấy ngôi đình gần như hình vuông. Đây là ngôi đình vuông duy nhất và có diện tích lớn nhất ở tỉnh ta. Đình Huề Trì được xây dựng thời Lê trung hưng, từng được trùng tu nhiều lần vào các thời Nguyễn, tuy nhiên vẫn giữ nguyên kiểu dáng độc đáo. Hè đình ghép bằng đá khối, có tấm dài 4m. Tường đình xây cao khoảng 1m, phía trên là vách gỗ, có chấn song. Bốn đao đình cong vút cầu kỳ. Cột đình được làm bằng những thân gỗ lớn vừa bằng một vòng tay ôm. Họa tiết hoa văn trang trí khá đơn giản, chủ yếu là hình long, ly, hoa lá song vẫn toát lên nét tinh xảo. Sân đình sau khá rộng, từng là nơi họp chợ của làng trước kia. Đình Huề Trì hiện còn lưu giữ gần 100 cổ vật quý như long đình, đại tự, bia ký cùng 13 đạo sắc phong của các triều đại, thần phả… Đặc biệt, trong đình còn có bức cuốn thư mang bút tích của cụ Nghè Tân. Bà Phạm Thị Tam, 70 tuổi, người trông coi ngôi đình kể: Huề Trì lập thờ hai bà từ thời Lý. Nhưng trước kia nơi thờ làm bằng gỗ mái tranh. Thời Pháp, từng có mấy quả đại bác rơi vào đình nhưng không nổ. Với giá trị kiến trúc độc đáo, ngày 28-11-1989, đình Huề Trì được Nhà nước quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hội đình mở hằng năm hai kỳ, vào ngày mồng 7 tháng giêng và mồng 10 tháng ba âm lịch.
Với những nét đặc sắc, đình Nhân Lý (Nam Sách) cũng được xếp vào một trong những ngôi đình cổ hiếm có trong tỉnh. Bề ngoài đình Nhân Lý khá giống các ngôi đình truyền thống khác với kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Tuy nhiên, mỗi cấu trúc, chi tiết ở ngôi đình đều là sự sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật của chạm khắc, tạo hình. Điều này được thể hiện ngay ở các xà gỗ mặt tiền đình với các họa tiết hình đầu rồng, tản vân chạm nổi nhiều lớp. Trong đình, mỗi cấu trúc, chi tiết đều là các tác phẩm nghệ thuật được tạo tác công phu, cầu kỳ, tinh xảo. Các cột đình đều có đường kính từ 50-60cm. Theo hồ sơ, đình Nhân Lý được dựng thời Lê. Tiền tế 5 gian, dài 22m, rộng 12,4m, là một công trình bề thế bốn mái cong, thả dài, cột to và thấp, điển hình của kiến trúc thời Lê. Phần hậu cung cũng giữ được hầu hết các chi tiết chạm khắc ở thời Lê, thế kỷ XVII - XVIII, kể cả long đình, cửa võng và bản mục lục khắc trên gỗ. Toàn bộ nền hậu cung được lát bằng gỗ. Phần kỳ thú nhất ở ngôi đình chính là các họa tiết được chạm nổi, nhiều lớp. Các bức cốn, các con chồng, đấu kê và má bẩy đều được chạm hình rồng nhiều lớp rất tinh tế. Hàng trăm bức chạm thống nhất về phong cách nhưng hoàn toàn khác nhau về chi tiết, tạo nên sự phong phú về kiểu dáng. Đặc biệt hai bức cốn chạm long quần ở gian giữa khiến người xem không khỏi trầm trồ thán phục. Mỗi đường nét đều thể hiện tài năng, sự sáng tạo, khéo léo của người thợ. Ông Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Nam Sách cho biết: Hai bức cốn này được các nhà nghiên cứu đánh giá đạt đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ ở thế kỷ XVII ở Việt Nam và là một thách thức với nghệ nhân ở những thế kỷ sau. Đình Nhân Lý thờ Thành hoàng Lý Tuấn Lương, có công phù Lý Nam Đế, đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Ngôi đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1980. Trong đình còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như kiệu, ngai, bát hương, câu đối, đại tự… Hội làng diễn ra vào trung tuần tháng 2 và tháng 8 hằng năm.
Đình Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) lại được biết đến với kiến trúc hoành tráng, các họa tiết điêu khắc đậm chất dân gian với mô tả các cảnh đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đình được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1997. Nếu đình Huề Trì lạ với kiểu dáng hình vuông, đình Nhân Lý là chuẩn mực của nghệ thuật chạm khắc truyền thống thì đình Thạch Lỗi là nguyên bản của nghệ thuật kiến trúc thời Lê.
Xứ Đông ta vốn là vùng nổi tiếng có nhiều ngôi đình đẹp. Tuy nhiên, những ngôi đình đẹp, độc đáo nhất phải là những ngôi đình được xây dựng thế kỷ XVII. Tính đến nay, tỉnh ta còn khoảng 100 ngôi đình còn giữ lại được các nét kiến trúc cổ thời phong kiến. Tuy nhiên, những ngôi đình nổi tiếng, độc đáo chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay như: đình Huề Trì, đình Nhân Lý, đình Thạch Lỗi, đình Bồ Dương (Ninh Giang). Đó là niềm tự hào với các địa phương có công trình, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy. Ngoài sự quản lý của Nhà nước, một trong những việc cần làm là giới thiệu, tuyên truyền tới đông đảo các tầng lớp nhân dân về giá trị của di tích để cộng đồng cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn.
Nguồn : Báo Hải Dương