Tổ Quốc -- Ao làng ở chùa Thầy, suối Yến, giếng Mỵ Châu, đầm Hồng cùng các hồ thuộc trung tâm Hà Nội mang một vẻ đẹp khác lạ qua góc nhìn từ trên cao.
Từ hồ Gươm tới hồ Bảy Mẫu
Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, không ai
không biết đến hồ Hoàn Kiếm, hay còn được gọi là hồ Gươm. Khu vực này không chỉ
có không gian thoáng đãng, mát mẻ đẹp nhất thủ đô mà còn là trung tâm của thành
phố. Mỗi khi Hà Nội có sự kiện lớn hoặc vào ngày lễ, Tết, hồ Gươm lại là điểm đến
thu hút đông người nhất.
Hồ Gươm rộng 12 ha, trước kia có các tên gọi là hồ Lục Thủy
(vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả
Vọng và Hữu Vọng. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền
thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần.
Nói đến ao người ta thường nghĩ tới các ao làng ở nông thôn,
ngoại thành. Nhưng ngay tại chùa Bà Già thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ,
cũng có một chiếc ao lớn, dù không phải nơi để tắm mát của lũ trẻ như ở một số
huyện ngoại thành Hà Nội.
Chùa Bà Già là công trình kiến trúc có niên đại hơn 1.000
năm. Khách đến đây sẽ có cảm nhận chùa Bà Già còn vắng hơn cả chùa Bà Đanh. Một
số tài liệu nói chùa nằm trong thôn Bà Già nên được gọi là chùa Bà Già. Nhưng
cái tên “Bà Già” có nghĩa là gì? Huyền tích về Bà Già như thế nào thì ít có tư
liệu nào nói đến.
Bến Hàn Quốc ở Hà Nội thực chất là một con đường kè ven hồ
Tây có chiều dài trên 1 km. Nơi đây rộng rãi với bầu không khí thoáng đãng,
trong lành phả từ mặt hồ, là điểm hẹn cho các cặp đôi tâm sự, hẹn hò. Khung cảnh
lãng mạn này như phim Hàn Quốc nên giới trẻ đặt tên khu vực này là bến Hàn Quốc.
Từ nơi này, mọi người có thể ngắm nhìn hồ Tây trữ tình với những khu đầm sen
thơ mộng.
Đoạn đường từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc
ngã ba đê Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh dài 900 m, được UBND TP Hà Nội
đặt tên phố Trịnh Công Sơn từ tháng 7/2015. Nơi đây mới trở thành phố đi bộ từ
tháng 5 vừa qua.
Khung cảnh ao Thủy Sứ và hồ Sen trên hồ Tây nhìn từ trên
cao. Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu,
Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội. Hồ
Tây có diện tích hơn 500 ha với chu vi 18 km.
Hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng. Hồ
nằm ở khu vực hơi lệch về phía nam trung tâm thủ đô. Phía nam hồ giáp với đường
Đại Cồ Việt, phía đông nam và đông là đường Vân Hồ III chạy ra phố Nguyễn Đình
Chiểu. Phía bắc hồ giáp với Công viên Thống Nhất, phía tây được chắn bởi đường
Lê Duẩn.
Không cần phải ra tận hồ Tây lộng gió bạn cũng có thể bắt gặp
một hồ sen thanh bình, đẹp đẽ ngay giữa phố xá nhộn nhịp… Đó là hồ sen Phương
Liệt, nằm yên ả trong khu phố phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân.
Hồ Đầm Hồng, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, sau khi được
chỉnh trang cải tạo bờ kè có đường đi dạo xung quanh rất đẹp.
Bán đảo Linh Đàm nằm ở phía nam của thủ đô, thuộc địa bàn
phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, được xếp vào hàng đẹp nhất và lớn nhất Hà Nội
với diện tích 200 ha. Trong đó, hệ thống hồ nước rộng trên 70 ha bao quanh khu
đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Giữa hồ Linh Đàm có một hòn đảo nhỏ với hệ thống cây
xanh bao quanh. Nơi đây nhiều năm trước từng là nơi trú ngụ của hàng chục con
cò trắng.
Suối Yến thơ mộng, ao chùa Thầy yên bình
Suối Yến nằm trong khu di tích thắng cảnh chùa Hương ở xã
Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Từ trung tâm thủ đô, mất khoảng hai tiếng, bạn
sẽ vượt qua quãng đường dài 65 km để đến nơi.
Con suối chảy ra sông Đáy này còn mang tên Yến Vĩ, vì có
hình dáng tựa như chiếc đuôi xòe rộng của một con chim yến. Suối Yến dài khoảng
4 km, đưa du khách từ bến Đục đến Hương Sơn. Vì đây là con đường thủy duy nhất
để vào ngắm cảnh chùa Hương, mỗi dịp lễ hội chùa Hương đầu năm mới, thuyền bè tấp
nập ngược xuôi kín lòng suối.
Ao làng Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, trước sân đình
chùa Thầy. Chùa Thầy nằm ở chân núi Sài Sơn, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km
về phía tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Chùa được xây dựng từ thời
nhà Đinh. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy
còn gọi là núi Phật Tích.
Hồ Tuy Lai đẹp như Vịnh Hạ Long thu nhỏ
Xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, có những dãy núi đá vôi đan xen
nhau rộng hàng trăm ha. Nơi đây có 3 hồ lớn nối liền với hồ Quan Sơn, tạo nên
phong cảnh non nước tuyệt đẹp. Quần thể hồ Tuy Lai gồm những dãy núi đá vôi đan
xen nhau rộng hàng trăm hecta với 3 hồ lớn nối liền hồ Quan Sơn tạo nên cảnh
quan thiên nhiên độc đáo.
Sông Hồng đoạn địa phận cầu Long Biên, nằm giữa hai quận
Hoàn Kiếm và Long Biên. Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ
Trung Quốc chảy qua nhiều tỉnh của Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên
đất nước ta dài 510 km.
Giếng Mỵ Châu tại khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, cách
trung tâm Hà Nội khoảng 17 km về phía bắc. Khác với các di tích lịch sử khác, Cổ
Loa là quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bản rộng lớn, với
diện tích bảo tồn gần 500 ha. Đây được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của thủ
đô và cả nước.
Vũ Minh Quân