Núi Bà Đen ở Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh 110 km. Từ xa nhìn núi Bà Đen như một chiếc nón lá úp trên đồng bằng. Đây là ngọn núi cao nhất ở nam bộ. Núi Bà Đen còn gọi là núi Điện Bà, còn có tên là Vân Sơn, vì thường có mây phủ. Và còn có tên là núi Một.
Tương truyền kể rằng: xưa kia có một người con gái là Lý Thị Thiên Hương ở Trảng Bàng, nhan sắc lộng lẫy, do tình duyên trắc trở, người con gái này bỏ lên núi và bị bọn phỉ giết chết, xác khô đen. Tên núi là Bà Đen có từ đó.
Bà Đen có núi đá gập ghềnh, cây cối xanh tốt, trên có chùa Vân Sơn trông xuống hồ nước, nước hồ trong lặng.
Đường lên đỉnh núi quanh co, có rất nhiều cảnh trí do thiên nhiên tạo ra. Lên trên cao, hướng về phía đông nam là ngọn núi Cậu. Hướng về phía tây bắc là ngọn núi Heo và núi Phụng.
Tại Bà Đen có ba khu triển lãm bảo tàng được hình thành. Đó là động Kim Quang, khu chùa Hang và Chân Núi. Các khu này giới thiệu một phần hiện vật và hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng trước đây.
Ngày trước Mỹ xây dựng trên đỉnh núi một trung tâm thông tin siêu tần số, diện tích 40.000 m2, và một đài quan sát nhìn thấu vào căn cứ cách mạng của ta.
Núi Bà Đen là thắng cảnh đẹp của Tây Ninh.
Máng trượt ở núi Bà là một hệ thống khép kín, gồm có hai tuyến: tuyến kéo (tuyến lên) dài 1.190 m và tuyến trượt (tuyến xuống) dài 1.700 m, được đặt trên 482 trụ móng, gồm 102 xe trượt đôi (hai người ngồi), với công suất phục vụ 500 người/giờ. Hai bên tuyến lên và xuống đều có hành lang bảo vệ và lưới an toàn. Hệ thống máng trượt được sản xuất theo công nghệ hiện đại do tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô (Trung Quốc) sản xuất, với tổng mức vốn đầu tư 25 tỷ đồng.
Xuất phát từ nhà ga dưới chân núi, vận chuyển khách lên bằng hệ thống kéo (xe trượt được kéo bằng 3 môtơ công suất 22kW và có hệ thống chống trượt của tuyến kéo bảo đảm xe không tuột xuống), du khách vượt qua ba đoạn đường ray và ba đoạn trung chuyển mới lên được mặt bằng Chùa Bà (nhà ga trên máng trượt). Ở tuyến lên, đường uốn lượn dọc theo sườn núi, thoắt ẩn thoắt hiện sau những mỏm đá, rặng cây tạo cảm giác hào hứng, sống động. Với tốc độ chậm như vậy, du khách có thể ngắm nhìn hoặc ghi hình vẻ đẹp hoang sơ của núi Bà.
Thích thú nhất là khi trượt xuống bằng hệ thống máng trượt inox, du khách sẽ phải vượt qua nhiều chặng quanh co, khúc khuỷu. Có đoạn xe đang chạy thẳng tắp, bỗng phía trước là đoạn cua, khi xe đến nghiêng chừng 40 độ, tạo cho bạn cảm giác khá mạo hiểm và thích thú (với điều kiện bạn phải bình tĩnh và nhớ buộc dây an toàn). Mỗi xe đều có hệ thống thắng tay để khách chủ động điều chỉnh tốc độ trượt. Nếu du khách cảm thấy "e ngại", mỗi xe trượt nên đi hai người. Riêng các em nhỏ bắt buộc phải có người lớn đi kèm. Giá vé mỗi lần lên hoặc xuống 25.000 đồng/người lớn, nếu mua khứ hồi 45.000 đồng; trẻ em dưới 12 tuổi 20.000 đồng/vé/lượt (bao gồm phí bảo hiểm).
Nguồn : ĐCT