Theo AP, một thị trấn ngọc trai lâu đời nhất ở Vịnh Ba Tư trên đảo Siniyah ở Umm al-Quwain thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất vừa được phát hiện vào ngày 20/3.
Các nhà khảo cổ ngày 20/3 cho biết đã tìm thấy một thị trấn nuôi cấy ngọc trai lâu đời nhất ở Vịnh Ba Tư trên một hòn đảo ngoài khơi của một trong những vương quốc Hồi giáo phía bắc thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Những đồ tạo tác được tìm thấy ở thị trấn cổ này nằm trên đảo Siniyah ở Umm al-Quwain, có thể từng là nơi sinh sống của hàng nghìn người và hàng trăm ngôi nhà, có từ thời tiền Hồi giáo vào cuối thế kỷ thứ 6. Mặc dù những thị trấn khai thác ngọc trai lâu đời hơn đã được tìm thấy và ghi chép lại trong các văn bản lịch sử trước đây nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã tìm thấy một thị trấn từ thời cổ đại ở các quốc gia trên Vịnh Ba Tư.
"Đây là ví dụ lâu đời nhất về một thị trấn khai thác ngọc trai đặc biệt và được xem là tổ tiên của những thị trấn khác như Dubai," ông Timothy Power, Phó Giáo sư khảo cổ học tại Đại học Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết. Thị trấn ngọc trai này nằm trên hòn đảo Siniyah, giúp che chắn vùng đầm lầy Khor al-Beida ở Umm al-Quwain – một tiểu vương quốc cách Dubai khoảng 50 km về phía đông bắc dọc theo bờ biển Vịnh Ba Tư. Hòn đảo, có nghĩa là "đèn nhấp nháy" (do ảnh hưởng của mặt trời nóng trắng trên đầu) mang lại nhiều bất ngờ khi các nhà khảo cổ khi phát hiện ra một tu viện Kitô giáo cổ đại có niên đại 1.400 năm.
Thị trấn nằm ngay phía nam của Tu viện Kitô giáo trên hòn đảo. Ông Power cho biết, ở đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều ngôi nhà làm bằng đá bãi biển và vôi vữa, từ những khu nhà chật chội đến những ngôi nhà rộng rãi hơn có sân trong, phản ánh sự phân tầng lớp xã hội. Điểm đến này cũng là nơi cư trú quanh năm mà không chỉ là đơn thuần là hoạt động khai thác ngọc trai khác theo mùa trong khu vực.
"Những ngôi nhà chen chúc sát nhau. Điều quan trọng ở đây là tính lâu dài bởi người dân sinh sống ở đây quanh năm chứ không phải theo mùa vụ", ông Power nói thêm.
Ngành buôn bán ngọc trai từng là một trong những trụ cột của nền kinh tế UAE, nhưng sau đó tiểu vương quốc này đã chuyển sang ngành khai thác dầu mỏ và đưa ngành này thành trụ cột kinh tế cho tới ngày nay.
Ngôi làng vỏ hàu
Trong các ngôi nhà, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những viên ngọc trai rời. Thị trấn có thể đã có ảnh hưởng của tư tưởng Hồi giáo trên bán đảo Ả rập.
Khoa Du lịch và Khảo cổ học thuộc Đại học UAE ở Umm al-Quwain, Phái đoàn Khảo cổ học Italy tại tiểu vương quốc và Viện Nghiên cứu thế giới cổ đại tại Đại học New York(Mỹ) đã tham gia vào cuộc khai quật lần này. Umm al-Quwain, tiểu vương quốc có dân số ít nhất ở UAE cũng vừa có kế hoạch xây dựng trung tâm du lịch tại địa điểm này.
Trước đó, các nhà khảo cổ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã phát hiện một viên ngọc trai 8.000 năm tuổi có từ Thời kỳ đồ đá. Viên ngọc trai nằm trong tàn tích của một khu định cư trên đảo Marawah và là bằng chứng về thương mại trong giai đoạn cuối của Thời kỳ đồ đá. Quá trình phát hiện ra được viên ngọc trai là thứ vô cùng thú vị, cho thấy tổ tiên của người UAE đã biết gắn bó với biển từ rất sớm.
Ngày nay, khu vực gần đầm lầy được biết đến nhiều hơn với các cửa hàng rượu giá rẻ tại Khu nghỉ dưỡng Bãi biển Barracuda của tiểu vương quốc. Giới chức trách hy vọng rằng quá trình phát triển của khu vực cũng như việc xây dựng các tòa nhà khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tiểu vương quốc.
Tuy nhiên, những địa điểm cổ xưa này sẽ mang lại những bài học cho các tiểu vương quốc. Câu chuyện về ngọc trai, vốn nhanh chóng sụp đổ sau Thế chiến thứ nhất bởi sự ra đời của ngọc trai nhân tạo và ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái – có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử của UAE – đặc biệt là khi nước này phải đối mặt với ngành công nghiệp khai khoáng khác. Trong khi doanh số bán dầu thô đã giúp phát triển đất nước thì Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đang đối mặt với những vấn đề ảnh hưởng do di sản nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời đang lên kế hoạch cho một tương lai không carbon khi tham gia vào các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc vào cuối năm nay.
Trong quá trình khám phá, các nhà khảo sát cũng tìm thấy một bãi rác gần đây chứa đầy những mảnh vụn vỏ hàu bị loại bỏ. Những người đi bộ trên đảo cũng có thể cảm thấy những mảnh hàu lạo xạo dưới chân ở các khu vực.
"Bạn chỉ tìm thấy một viên ngọc trai trong mỗi 10.000 vỏ hàu. Bạn phải tìm và loại bỏ hàng nghìn vỏ hàu để tìm được một viên ngọc trai duy nhất. Sự lãng phí và chất thải công nghiệp của ngành ngọc trai là rất lớn", ông Power nói thêm./.
Theo Toquoc.vn