Một chút trầm lắng, một chút ồn ào, một chút vị đăng đắng lẫn ngòn ngọt… Từ tốn và lãng mạn, như thế mới là nghệ thuật thưởng thức cà phê Hà Nội. Ai đó sẽ nói: “Người Hà Nội thật cầu kỳ!” nhưng tôi nghĩ là không, nếu từng “phiêu” với nét văn hóa độc đáo này ở phố cổ Hà Nội.
|
Khách ngồi trò chuyện và thưởng thức cà phê tại quán cà phê Nhân (phố Nguyễn Hữu Huân, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) |
Một chiều cuối tuần, mưa rả rích, trời lành lạnh, chúng tôi dạo bước qua những con phố cổ để tìm về một thú vui của người Hà Nội: thưởng thức cà phê. Qua những quán cà phê Lâm, Nhân, Nhĩ, Giảng... đã thấy chật kín người là người. Có người tới quán một mình - ngồi cô liêu bên tách cà phê thơm nóng, có người đi cùng bạn bè - rổn rang những câu chuyện đời thường...
Thưởng thức cà phê giờ không còn là điều xa xỉ ở Hà Nội. Chỉ cần 7.000-12.000 đồng, bạn đã có một cốc nâu nóng hay đen đá mát lạnh, hoặc “cao cấp” hơn là cà phê trứng. Nói thế, để thấy vấn đề không phải bằng tiền, mà phụ thuộc vào sở thích, tâm trạng của chính bản thân, tất nhiên còn cả thời tiết và không gian bạn muốn thưởng thức.
Vào những ngày hè oi bức, có thể uống một tách cà phê "đen", "đá" hoặc "nâu đá" cho thư giãn và minh mẫn. Mùa thu, mùa đông thì nhâm nhi tách cà phê nóng ngút khói để thấy lòng ấm áp hơn.
Nếu người Sài Gòn chuộng nhiều loại cà phê khác nhau thì người Hà Nội “sành” cà phê thường chỉ trung thành với cà phê "mộc". "Mộc" tức là chỉ có một loại hạt cà phê duy nhất, không rang lẫn, cũng không rang với bơ, ca cao hay thêm hương liệu nào khác. Cà phê chỉ đơn giản là cà phê.
Bà Bích, chủ quán cà phê Đinh (còn gọi là cà phê sinh viên, nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng) có một câu nói mà dân nghiền cà phê ở Hà Nội đều biết: “Không nói là tài, không nói là ngon, không nói là đặc biệt, chỉ đơn giản là cà phê nguyên chất”. Cà phê Hà Nội cũng giống như người Hà Nội, không ồn ào, không thị hiếu, không xô bồ, cứ bình lặng, đơn giản mà lại có “gu”, có “chất”.
Ông Nguyễn Trí Hòa, chủ hàng cà phê Giảng (39 Nguyễn Hữu Huân) hóm hỉnh: “Bản thân cà phê đã như một cô hoa hậu rồi, không cần trang điểm thêm làm gì cả!”. Nếu không tin, bạn hãy nhấp thử một ngụm cà phê đen ở những hàng cà phê phố cổ mà chúng tôi vừa kể, sẽ thấy cái vị đậm, vị đắng, mùi thơm, mùi khen khét và cả một chút tê tê rất đặc trưng của hạt cà phê. Tất cả được chắt lọc tinh túy trong một cốc cà phê sánh đặc.
|
Quán cà phê Đinh thường là nơi xôm tụ của cánh sinh viên. Từ trên ban công nhỏ xíu cà phê Đinh, khách có thể ngắm phố phường hoặc say sưa với từng câu chuyện của riêng mình |
Là cà phê “mộc”, không có nghĩa cà phê ở tất cả các quán đều giống nhau. Nếu thế đã không có những cà phê Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng, Đinh, Lâm... làm thành những thương hiệu cà phê với phong cách và khách hàng riêng. Cùng là ly cà phê đen đá nhưng cà phê Lâm có mùi khen khét đặc biệt. Khét nhưng hấp dẫn, uống một lần là nhận ra và nhớ mãi. Khét là cái khét bí truyền, không phải cứ rang quá tay mà được, cái tài là ở bàn tay của người làm cà phê.
Tương tự thế, nhiều hàng cà phê cả “cổ” lẫn “tân” sau này cũng bắt chước món cà phê trứng của cụ Giảng nhưng không thành. Cụ Giảng là người đầu tiên ở Hà Nội làm ra món cà phê trứng, là sự kết hợp đầy sáng tạo giữa một thứ đồ uống thuần việt với một phong cách đậm chất Âu.
Thưởng thức cà phê trứng là thưởng thức những gì tưởng như tương phản nhưng lại hòa hợp nhau một cách dịu dàng. Đó là màu nâu óng của cà phê xắt trong lớp bọt kem trứng trắng mịn bông xốp, là vị đắng thấm tan vào vị ngọt béo nơi đầu lưỡi... Tìm cà phê trứng ở Hà Nội bây giờ không khó, nhưng muốn uống cà phê trứng ngon nhất thì người ta chỉ tìm đến cà phê Giảng.
Cà phê phố cổ độc đáo còn bởi nó chứa đựng yếu tố không gian, thời gian, lịch sử và con người. Giống như thời xưa uống rượu phải ngắm trăng, cà phê ngon phải có cảnh đẹp. Ngồi trên bộ bàn ghế gỗ nâu xỉn màu thời gian ở quán cà phê Nhĩ, nhìn qua khung cửa thấy “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” thì dù một mình với ly đen đá cũng không thấy cô đơn.
Hay thú vị hơn việc tìm đường đến cà phê Đinh nằm lẫn trong những dãy hàng cặp - ba lô với ngách nhỏ dẫn lên chiếc cầu thang tối, và một ban công nhìn thẳng xuống Hồ Gươm. Căn phòng chỉ 15 m2 với những bộ bàn ghế gỗ thấp bé, dẫu kê sin sít cũng khó mà đủ chỗ để chiều lòng hết đám sinh viên mê Rock thường hẹn hò nhau chốn này.
Quán cà phê của một bà giáo gốc Hà Nội mà lại gắn với đám thanh niên mê Rock, chỉ thế thôi đã đủ tò mò.
|
Cà phê Giảng được bài trí theo lối tự nhiên với những chậu cây hoa, cỏ dại… đem đến cảm giác gần gũi đối với khách |
Nguyễn Tuân xưa có câu: “Hữu ngạn sông Saine có bảo tàng Louver, tả ngạn sông Hồng có cà phê Lâm” là để dành tặng cái không gian nghệ sĩ ở quán này. Ngồi cà phê Lâm không chỉ để say cái vị khét đặc trưng mà còn để ngắm những bức họa in đậm dấu ấn văn hóa một thời.
Chẳng khó để nhìn ra tranh Bùi Xuân Phái, tranh Tô Ngọc Vân, Nguyên Hồng, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... bởi nơi đây từng là “đại bản doanh” của giới văn nghệ sĩ Hà Nội, cũng là bạn thân với chủ quán Nguyễn Văn Lâm. Khác đi một chút, cà phê Nhân (39 Hàng Hành) lại từng là nơi liên lạc trao đổi thông tin của bộ đội trong những ngày cả nước sục sôi kháng chiến.
Một quán cà phê giản dị mà “chở” cả một đời sống văn hóa, một thói quen xã hội, một “gu” thưởng thức và một dấu ấn lịch sử, có lẽ chỉ có ở Hà Nội thôi!
Nguồn : Tuổi Trẻ