Phố Hàng Cân dài khoảng 104m, nối phố Chả Cá với phố Lương Văn Can, thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Bắc-Nam, bắt đầu từ ngã tư phố Lãn Ông đến ngã tư phố Hàng Bồ.
Nguồn gốc tên phố
Thế kỉ XIX, phố này có tên là Hàng Sơn (rue de la Laque), trong đó, đoạn phía Bắc gọi là phố Hàng Sơn dưới, phía Nam là phố Hàng Sơn trên.
Khi còn sông Tô Lịch, thuyền chở sơn từ Phú Thọ về Hà Nội đỗ ở khúc sông này, hai bên bờ có nhiều nhà buôn sơn. Khi sông Tô Lịch bị lấp, thuyền buôn sơn chuyển sang bến Lò Sũ và sơn được bán nhiều ở phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu.
Nghề làm và bán cân ở Hà Nội bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX. Khi đó, ở phố này, xuất hiện một số cửa hàng sản xuất và bán cân ta (cân tiểu ly dùng để cân vàng, bạc, thuốc bắc; cân cán gỗ có đóng đinh đồng để cân hàng khô, gọi là cân ta) nên phố được gọi là phố Hàng Cân.
Sau đó, phố này có thêm nhiều nhà cũng mở cửa hàng như vậy, nghề sản xuất, buôn bán cân được mở rộng. Lúc này, phố được đổi tên là phố Hàng Cân (Rue des Balances).
Phố Hàng Cân xưa
|
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, các loại cân cán sắt, cán treo, cân đĩa, cân bàn ngoại... tràn vào làm cho nghề làm cân ta bị mai một. Phố Hàng Cân chỉ còn tên mà không còn cửa hàng nào sản xuất và bán cân.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng chính thức công nhận tên gọi của phố là phố Hàng Cân.
Phố Hàng Cân
Đến năm 1930, phố Hàng Cân vẫn giữ được nhiều nét cổ xưa, nhỏ và hẹp, khác với phố Hàng Ngang, Hàng Bồ và Phúc Kiến (tức phố Lãn Ông hiện nay) cùng một số phố xung quanh.
Phố có nhiều nhà nhỏ một tầng hoặc có gác nhưng là gác theo lối "chồng diêm", mặt trước còn nhiều nhà thò ra thụt vào không theo đường vạch thẳng, vỉa hè sát cửa nhà. Mặt đường trải đá, trời mưa to là nước đọng lại làm đường phố lầy lội.
Về sau, phố Hàng Cân được sửa sang, dãy nhà bên số chẵn bị xén lui vào cho mặt đường rộng thêm. Những nhà mới làm lại hoặc sửa chữa phải thu hẹp diện tích. Những ngôi nhà ở phố này không có phần công trình phụ riêng như hệ thống thoát nước thải, nhà tắm, nhà vệ sinh.
Qua nhiều năm, phố Hàng Cân hiện vẫn giữ được nét cổ xưa với nhà nhỏ, một tầng, nếu có gác thì được xây theo kiểu “chồng diêm”.
Hiện nay, nhiều nhà trên phố đã mở cửa hàng bán chè, cà phê và các nhu yếu phẩm khác như mặt hàng thờ cúng (cờ, phướn, tượng phật, lư hương, bát nhang), thuốc bắc, đồ mỹ phẩm, trang thiết bị cắt tóc, văn phòng phẩm, thuốc lào Tiên Lãng, bao bì giấy, cáctông, xốp...
Di tích lịch sử
Phố Hàng Cân nguyên là đất thôn Hữu Đông Môn và thôn Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đến giữa thế kỷ XIX, thôn Xuân Hoa hợp với thôn Yên Hoa thành thôn Xuân Yên và tổng Tiền Túc đổi là tổng Thuận Mỹ.
Dấu tích của hai thôn là đền Xuân Yên của thôn Xuân Hoa cũ ở số 44 phố Hàng Cân và đền Xuân Yên của thôn Yên Hoa cũ ở nhà số 6A phố Lương Văn Can.
Đền Xuân Yên xây dựng khoảng cuối thời nhà Lê thờ vị Phúc thần tên là Lân Ngọc, người có công phù giúp cụ Tổ ông Nguyễn Văn Tuân và Nguyễn Quý Bình dẹp quân Chiêm Thành, bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Khi dẹp xong giặc ngoại xâm, cụ Tổ họ Nguyễn nhớ công ơn của ông Lân Ngọc, đã lập đền thờ. Ngoài việc thờ Phúc thần Lân Ngọc, đền Xuân Yên còn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, hiện tại đền còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật, thuộc thế kỷ XIX - XX như ba tấm bia hậu niên hiệu triều Nguyễn, ghi việc tu sửa đền và ghi việc hậu, trong đó một tấm bia niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821), một bia niên hiệu Thiệu Trị; 14 pho tượng tròn sơn son thiếp vàng lộng lẫy, một hương án chạm rồng, một bộ thiếp vàng, một cây quán tẩy chạm rồng, một bức cửa võng chạm rồng, bốn cỗ long ngai chạm rồng, bốn khám thờ chạm tứ linh, một tấm nghi môn chạm rồng; 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức (1848-1883), 4 đôi câu đối, 6 bức hoành phi sơn son thiếp vàng.
Nguồn : TTXVN