Phố Tố Tịch (thường gọi là Tô Tịch) dài 95m từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tô Tịch là thôn thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Tố Tịch theo nghĩa chữ là “chiếu trắng”. Không rõ nguyên do thế nào lại có địa danh này, vì ở đây không có dấu vết gì về nghề làm chiếu và bán chiếu cả. Cũng có thể, xưa kia ở chân khúc đê cũ cạnh bờ sông đă có thời từng là nơi buôn bán chiếu nhưng điều này cũng không được nói đến trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi về phường bán chiếu.
Thời Pháp thuộc vẫn gọi là ngõ Tố Tịch (Ruelle de Tố Tịch). Phố mới được mở rộng khoảng sau năm 1920. Lúc đầu lối đi từ ngã ba Hàng Gai vào rất hẹp, là một con đường đất lẫn đá, trời mưa thì lầy lội.
Góc bên trái ngã ba, nhà số 1 là đình Đông Hà thờ Thành hoàng (không rõ lai lịch). Cạnh đình là một gốc bàng cổ thụ. Khi mở rộng phố thì đình bị phá và cây bàng về sau cũng không còn nữa; bài vị thành hoàng được đưa lên một cái mướu trên gác một hàng nước.
Phố Tô Tịch là một phố cổ, tuy vậy, những nhà cổ ở đây nay không còn mấy. Đầu phố giáp Hàng Quạt có một ngôi nhà cũ hai tầng xây từ năm 1912 là của Đào Văn Sử, Hội trưởng Hội Trí Tri (“Trí Tri là hiệp hội dân lập với chủ trương quảng bá Tây học gồm các vấn đề khoa học như vệ sinh, phong tục cùng các kiến thức mới lạ đến trí thức Việt Nam trong thời gian từ 1892-1945). Đây là ngôi nhà lớn đầu tiên ở trong thành phố này.
Giáp đình Đông Hà là nhà hai tầng xây năm 1920 của họ Phạm, một họ đông người ở phố này.
Một nửa phố Tô Tịch, đoạn giáp Hàng Gai dãy số lẻ, là gia đình những người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) đã mang nghề tiện gỗ, khắc gỗ ra đây lập nghiệp. Công việc này đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao như khắc mộc bản in sách chữ nho, chữ nôm cho các cửa hàng sách bên Hàng Gai trước đây hay làm hàng thủ công mỹ nghệ; những chiếc mâm gỗ, ống hương, bàn tròn, đài rượu, song cửa, các con dấu, đồ chơi trẻ em...
Quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng ít nhân công. Quy trình sản xuất đơn giản, ít gây ô nhiễm, rác thải chủ yếu là phoi gỗ. Lúc đầu là những chiếc máy tiện thô sơ, hoạt động bằng sức đạp của đôi chân, mãi sau này mới có môtô điện.
Dãy nhà một tầng nhiều gian là của chủ hiệu Ích Gia ở góc phố Hàng Gai làm giàu về nghề làm đồ khắc gỗ và ngà. Dãy nhà hai tầng giữa phố bên số chẵn là của chủ hiệu bán sơn ở phố Hàng Gai làm cho thuê.
Ngày nay, phố Tô Tịch còn được gọi một cách dân dã là phố hoa quả dầm bởi nơi đây có đến gần chục cửa hàng kinh doanh hoa quả dầm nằm san sát nhau. Mới dừng chân ở đầu phố, người đi đường dễ dàng bị quyến rũ ngay bởi sắc màu và hương thơm hấp dẫn của các loại quả.
Vào những ngày cuối tuần, khi tuyến phố đi bộ bên phố Hàng Ngang, Hàng Đào hoạt động thì dường như các quán hoa quả dầm bên phố Tô Tịch cũng có phần đông đúc, náo nhiệt hơn. Khách hàng sau khi đã bách bộ, ngắm và mua hàng hóa thường thả bộ vào đây thưởng thức món quả dầm thơm ngon.
Món trái cây dầm ở phố Tô Tịch giờ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc không chỉ đối với người Hà Nội mà còn là nơi khách nước ngoài cũng thường lui tới./.
Nguồn : TTXVN