Từ Hàng Ngang - Hàng Đường rẽ vào là Ngõ Gạch thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây nguyên là đất thôn Hương Bài, Cổ Lương, tổng Hậu, huyện Thọ Xương, Hà Nội xưa.
Thời thuộc Pháp, Ngõ Gạch gồm hai phố Nguyễn Siêu (tức là Nguyễn Văn Siêu) và phố Hàng Gạch (Rue des Briques), có tên chung là phố Án Sát Siêu. Sau Cách mạng Tháng Tám, phố này lại được tách ra là phố Ngõ Gạch và phố Nguyễn Siêu.
Ngõ Gạch là một trong những con phố cổ nhất ở Hà Nội với chiều dài gần 130m. Trước đây, phố là nơi bán vật liệu xây dựng, nên có tên là Ngõ Gạch. Hiện phố vẫn buôn bán các mặt hàng vật liệu xây dựng như ximăng, giấy bột màu, chổi đót, gạch ngói; một số hộ gia đình còn mở cửa hàng bày bán các hàng tạp phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong khu phố cổ.
Phố Ngõ Gạch. (Nguồn: Internet) |
Đình Thanh Hà - điểm đến của du khách tới Hà Nội
Ở nhà số 10 hiện có một ngôi đình cổ. Đó là đình Thanh Hà, thờ đại vương Trần Lựu - một vị tướng có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc thời Trần (thế kỷ 13).
Đình Thanh Hà từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của người dân Hà Nội. Đặc biệt, Đình còn là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ Thành hoàng của nhân dân địa phương, là nơi tưởng niệm những người có công với đất nước.
Đình Thanh Hà là một công trình kiến trúc theo kiểu đình làng truyền thống của vùng quê Bắc bộ Việt Nam. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nay đình còn giữ được nhiều mảng chạm khắc, cửa võng và đồ thờ tự bằng gỗ sơn son thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Bộ di vật của đình Thanh Hà ngoài giá trị về nghệ thuật còn là văn bản, tài liệu hiện vật rất có giá trị góp phần tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, lịch sử thủ đô cũng như lịch sử làng xã Việt Nam.
Đình Thanh Hà hiện có 50 viên gạch gốm sứ mang nét trang trí thời Nhà Mạc là những hiện vật quý hiếm có giá trị về mỹ thuật, lịch sử. Đình còn có chín tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn, trong đó có tấm bia nêu rõ sự tích cùng lịch sử xây dựng ngôi đình.
Lễ hội đình Thanh Hà được tổ chức hàng năm vào các ngày 4/4 và 15/9 âm lịch.
Ngày 21/1/1989, đình đã được nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc.
Theo 1000 năm Thăng Long-Hà Nội