Đến với Sơn La, bạn sẽ được ngắm nhìn một vùng núi non hùng vĩ và khám phá về giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cũng như cuốn hút trong vòng xòe, ngây ngất say trong men rượu cần, cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào, vang xa trong đêm hội nhạc rừng.
Nằm ở trung tâm các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Sơn La có tổng diện tích tự nhiên là 14.174km2, có 250km đường biên giới với nước bạn Lào. Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em với các giá trị về văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, với hệ thống cảnh quan kỳ thú và khí hậu mát mẻ, Sơn La được coi là một “Hạ Long trên núi” với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các hoạt động du lịch.
Sơn La có địa hình núi cao, bị chia cắt bởi lưu vực sông Ðà và sông Mã để rồi hình thành nên hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản. Kiến tạo địa chất chủ yếu núi đá vôi có địa hình Karst khá phổ biến, bị bào mòn hàng triệu năm đã tạo nên nhiều cảnh quan hang động kỳ thú, thác nước hùng vĩ, các hồ lớn và thung lũng màu mỡ, các mỏ nước khoáng nóng... Sơn La có sự đa dạng về sinh học, địa hình chia làm ba vùng, gồm vùng thấp, vùng cao và vùng lòng hồ sông Ðà đã hình thành các vùng tiểu khí hậu đa dạng, với nhiệt độ trung bình 21oC.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 68 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và đưa vào danh mục. Trong số đó, có 12 di tích được công nhận xếp hạng cấp quốc gia, 35 di tích được công nhận xếp hạng cấp tỉnh; về loại hình có 46 di tích lịch sử, 11 di tích danh lam thắng cảnh, 2 di tích kiến trúc nghệ thuật, 9 di tích khảo cổ học. Nổi bật, phải kể đến Di tích lịch sử bảo tàng và nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả; Di tích lịch sử văn bia vua Lê Thái Tông trên hang Thẳm Ké tại thành phố Sơn La; Hang Bia Quế Lâm Ngự Chế - nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông năm 1440 với bài thơ được khắc trên vòm hang vách đá; Hang bản Thẳm (Tông Lạnh), từng là kho chứa vũ khí lớn nhất của quân đội ta trong chiến dịch Tây Bắc; Kỳ đài Thuận Châu, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; Tượng đài Thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi; Tháp Mường Và...
Đặc biệt, điểm nhấn khi đến với Sơn La là cao nguyên Mộc Châu. Về những điều kiện tự nhiên, Mộc Châu rất lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng bởi khí hậu nơi đây tương tự với các khu nghỉ mát nổi tiếng như Sa Pa, Đà Lạt. Với độ cao trung bình hơn 1.000m, nằm giữa sông Đà ở phía Đông Bắc và sông Mã ở phía Tây Nam, Mộc Châu có khí hậu thoáng mát trong khoảng nhiệt độ trung bình 18oC hàng năm. Mộc Châu mang khung cảnh cao nguyên hùng vĩ, nên thơ, say đắm lòng người bên những đồi chè ngút ngàn tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi bốn mùa mây phủ và các bản làng ẩn hiện trong sương sớm cùng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên triền đồi.
Xét về mặt tài nguyên du lịch nhân văn, Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng. Nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được nhiều giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như là tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù để khai thác, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Nhiều làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, như các bản: Phụ Mẫu, Nà Bai, xã Chiềng Yên, Bản Áng, Bản Hài...
Các dân tộc thiểu số ở Sơn La có nhiều lễ hội và các trò chơi dân gian như hội ném còn, hội săn bắn, đánh cá, cầu mùa, xíp xí... Đặc biệt, phải kế đến lễ hội hoa Ban của dân tộc Thái; lễ hội cầu mưa (lễ hội Lồng Tồng) tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu; lễ hội đua thuyền dân tộc Thái, huyện Quỳnh Nhai; lễ hội Mùa Xuân (lễ hội Nào Sồng) của người Mông ở Mộc Châu; lễ hội Xen Pang Ả của người Kháng... Các lễ hội này đậm tính trữ tình, thường mang ý nghĩa giao duyên nam nữ, hạnh phúc gia đình, tạ ơn tổ tiên, các thế lực siêu nhiên và ca ngợi tình hữu nghị các bản làng, dân tộc...
Hàng năm, vào dịp ngày 1/9, tại thị trấn huyện Mộc Châu lại diễn ra ngày hội người Mông, đồng bào Mông các tỉnh từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hoá, Hủa Phăn (Lào) đều về Mộc Châu để giao duyên. Từ năm 2000, tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu đã tổ chức thành ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Mộc Châu.
Về vũ nhạc dân tộc, người Thái nổi tiếng với điệu múa xoè, múa nón; người Mông có múa khèn, múa ô; người Dao có múa chuông; người Khơ Mú có múa cống tốp, au eo...
Nếu du khách đã một lần đặt chân lên mảnh đất Sơn La thì chắc hẳn sẽ không thể nào quên mảnh đất và con người nơi đây, đặc biệt là thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Trong đó, ẩm thực dân tộc Thái tương đối đặc sắc và đa dạng, đặc biệt người Thái sử dụng rất nhiều gia vị để chế biến các món ăn, người ta dùng gia vị nóng để trung hòa những món ăn lạnh, lấy vị chát bùi trung hòa vị đắng cay, dùng nhiều loại côn trùng, rau, măng khai thác trong rừng để chế biến thức ăn. Các món ăn của người Thái chủ yếu là nướng và đồ, nhưng để dành ăn dần thì người ta cũng chế biến các món mắm, làm thịt, cá khô…
Chiến lược phát triển du lịch
Nhận thức được vai trò của du lịch, tỉnh Sơn La đã sớm có chiến lược phát triển du lịch và chính sách khuyến khích phát triển du lịch giai đoạn 2001-2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Nhiều dự án, đề án xây dựng các khu, điểm, tuyến du lịch đã được tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng.
Trong chiến lược phát triển du lịch Sơn La tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là: “Phát triển du lịch để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đưa du lịch Sơn La từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Giải pháp được các cấp chính quyền đặt ra là tập trung ưu tiên cho những sản phẩm mà Sơn La có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, du lịch sinh thái ở tỉnh được tập trung vào mấy điểm chính: Du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (Bắc Yên - Phù Yên), Xuân Nha (Mộc Châu), Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp), rừng thông Noong Cốp (Phù Yên); Danh thắng Hang Dơi, Ngũ động bản Ôn, Hang Ma Lang Chánh, thác Mường Khoa, Dải Yếm (Mộc Châu); Động chín rồng (Phù Yên); Hang Chi Đảy (Yên Châu); Quế Lâm Ngự Chế (Thành phố), cùng các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng, Nậm Chiến và các hồ thủy lợi: Tiền Phong, Lúm Pè, Chiềng Khoi... đã tô đẹp thêm bức tranh quê hương Sơn La, mời gọi du khách về thăm quan, tổ chức các tour du lịch khám phá, trong đó có hồ thủy điện Sơn La, danh thắng Hang Dơi, hang Chi Đảy, Quế Lâm Ngự Chế, thác Dải Yếm... mỗi năm đã đón hàng ngàn lượt du khách đến thăm.
Theo Quy hoạch và định hướng phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, tỉnh Sơn La đang tập trung xây dựng và thu hút đầu tư vào một số dự án trọng điểm như: Dự án Khu du lịch Mộc Châu, Dự án Khu tổ hợp văn hóa - thể thao và du lịch Chiềng Ngần, Dự án Khu du lịch Hồ Tiền Phong, Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng bản Mông, Dự án Khu du lịch sinh thái Lâm viên Sơn La, Dự án Khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Dự án Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Dự án Khu du lịch sinh thái Rừng thông bản Áng...
Có thể nói, với vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, cùng một chiến lược phát triển du lịch bền vững, lâu dài, tin chắc rằng trong tương lại không xa, Sơn La sẽ trở thành khu du lịch độc đáo, hấp dẫn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vào sự nghiệp phát triển du lịch của cả nước.
Nguồn : QHOL