Nằm ở vùng đông bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của TP. Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120km gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ. Trong số đó chỉ có khoảng 40 đảo là có dân sinh sống. Dân số khoảng 1.540 người, tập trung chủ yếu ở các làng đánh cá Cửa Vạn, Ba Hang, Cặp Dè (thuộc phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long), cư dân vùng phần lớn sống trên thuyền, trên nhà bè để thuận tiện cho việc đánh bắt, nuôi trồng và lai tạo các giống thủy sản, hải sản. Ngày nay đời sống của cư dân vịnh Hạ Long đã phát triển do kinh doanh dịch vụ du lịch.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động. Với các đảo có hình dáng trông rất thực: Hình một người đang đứng hướng về đất liền (hòn Đầu Người), hình một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (Hòn Rồng), hình ông lão đang ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng), hòn Cánh Buồm, hòn Cặp Gà, hòn Lư Hương..., đi giữa Hạ Long, du khách như lạc vào một thế giới cổ tích bị hóa đá. Hình dáng những đảo đá diệu kỳ ấy biến hóa khôn lường theo góc độ ánh sáng trong ngày và theo góc nhìn. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, động Tam Cung... thực sự là những lâu đài của tạo hóa giữa chốn trần gian.
Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là kỳ quan đất dựng giữa trời cao. Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ nổi tiếng một thời (1149); có núi Bài Thơ ghi bút tích của nhiều bậc vua chúa, danh nhân; có dòng sông Bạch Đằng - nơi đã từng chứng kiến hai trận thủy chiến lẫy lừng của cha ông ta chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long ngày nay được các nhà khoa học chứng minh là một trong những cái nôi của con người có nền văn hóa Hạ Long từ Hậu kỳ đồ đá mới với những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng... Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động, thực vật vô cùng phong phú trên rừng dưới biển, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.
Với những giá trị đặc biệt như vậy, năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia, đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2 vào năm 2000 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo.
Sức hấp dẫn kỳ diệu của vịnh Hạ Long đã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến đây. Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục quan tâm đầu tư các hạng mục du lịch, cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường cho vịnh Hạ Long thật sự là điểm đến hấp dẫn, ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.
Vinh dự là một trong 27 kỳ quan trên thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do Tổ chức New7wonders phát động. Cuộc bầu chọn đang trong giai đoạn nước rút (kết thúc vào ngày 11-11). Với lòng yêu nước của hàng chục triệu người Việt Nam và tình yêu mến của bạn bè ngoài nước dành cho danh thắng, vịnh Hạ Long - niềm tự hào của đất nước Việt Nam đang hứa hẹn trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Nguồn : Báo Ảnh Đất Mũi