Cách trung tâm thành phố Hải Phòng 17 km, xã Phù Ninh (huyện Thủy Nguyên) được biết đến như một vùng quê với phong cảnh hữu tình, những dải núi uốn quanh các cánh đồng phì nhiêu.
Ninh là một trong 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố. Cùng với các hạng mục công trình về kinh tế - xã hội đang được triển khai, việc bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích mang dấu ấn của người Việt cổ xưa là vấn đề địa phương quan tâm, mong muốn được đầu tư...
Khu di chỉ đặc biệt quý giá
Năm 1961, trong khi công nhân Nhà máy Đóng tàu Hải Phòng đào đất, lần lượt phát hiện 5 ngôi mộ cổ, bên trong có quan tài bằng cây gỗ khoét rỗng, tại khu cánh đồng thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh. 4 quan tài bên trong không còn vết tích gì; riêng quan tài thứ 5 chứa đựng khoảng 100 hiện vật cổ, được sắp xếp theo thứ tự: đầu to chứa những hiện vật lớn như bình, thạp, đỉnh, trống đồng; đầu nhỏ có một hộp sơn bằng gỗ chứa các công cụ, vũ khí như rìu, đục, dao găm; dọc mép quan tài có để các loại giáo có tra cán dài, mái chèo và vài vật khác. Ở giữa quan tài có chuông đồng, khay đồng, thổ đồng và một mảnh da có sơn. Dưới đáy quan tài có nhiều đồ cói, vải bị mục nát.
Sau khi các nhà khảo cổ khai quật khu mộ cổ, các hiện vật được đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ và nghiên cứu. Vùng đất sau khi khai quật các hiện vật được địa phương bảo tồn đến nay. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đến nay, trong tất cả điểm khảo cổ, kể cả những cuộc khai quận lớn tiến hành ở khu mộ cổ Đông Sơn và Thiệu Dương (đều thuộc tỉnh Thanh Hoá), chưa phát hiện ngôi mộ nào nhiều hiện vật phong phú như mộ cổ Việt Khê. Những hiện vật đó chủ yếu là đồ đồng, ngoài ra có một số đồ gỗ, đồ da có sơn. Sự phong phú của những di vật trong ngôi mộ cổ Việt Khê về số lượng cũng như loại hình tạo nên bộ sưu tập đồ đồng vô cùng quý giá.
Di chỉ mộ cổ Việt Khê cung cấp cho các nhà khảo cổ học khối lượng lớn công cụ, vũ khí, nhạc cụ bằng đồng thau, trong đó có nhiều di vật độc đáo. Đặc biệt, lần đầu ở nước ta, khảo cổ học biết thêm một loại hình mộ táng mới bằng cây gỗ khoét rỗng lòng có hình dáng như chiếc thuyền độc mộc. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, loại quan tài bằng cây gỗ lớn, loại gỗ tốt, chế tác công phu, hoàn chỉnh có thể là đặc trưng trong phong tục mai táng của người Việt cổ đại. Những hiện vật tinh xảo thu thập được trong ngôi mộ cổ Việt Khê điển hình cho thời kỳ văn hóa đồng thau ở Việt Nam...
Quần thể văn hóa tâm linh xưa
Chung quanh khu di chỉ đồ đồng Việt Khê, trên quần thể chạy dài này có nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ lâu đời, niềm tự hào của người dân địa phương.
Ở phía Đông Bắc, cách khu di chỉ Việt Khê 100m là chùa Linh Sơn tọa lạc trên núi với chùa Hạ ở chân núi, chùa Trung ở giữa núi, chùa Thượng ở đỉnh núi. Ngôi chùa được tu sửa nhiều lần nhưng kiến trúc, cổ vật, tượng bằng gỗ, đá vẫn giữ nguyên nét văn hóa độc đáo. Chùa Thiên Vũ ở thôn Phù Lưu được xây dựng vào thời Lý Trần (1226-1400). Các nghiên cứu của giới khảo cổ học cho thấy, chùa Thiên Vũ cùng với tháp Tường Long (Đồ Sơn), chùa Hoa Long (núi Voi, An Lão) hợp thành những đại, trung và tiểu danh lam tiêu biểu của Phật giáo thời Lý trên vùng đất Hải Phòng. Chùa còn lưu giữ quả chuông “Thiên Vũ Tự Chung” đúc thời Tây Sơn, cao 92cm, đường kính rộng 47cm, quai là hai con rồng đấu thân vào nhau, đầu rồng được tỉa tót công phu, thân khắc chìm bài văn bằng chữ Hán phủ kín mặt chuông. Chùa còn có 5 tấm bia đá, trong đó tấm bia “Thiên Vũ chi bi” được soạn năm 1606. Những di vật quý chùa Thiên Vũ là chứng tích của nền văn hoá, nghệ thuật truyền thống đặc sắc từ xưa của dân tộc và địa phương.
Trong quần thể di tích này còn có nhiều đình làng cổ. Đình làng Ngọc Khê theo sử sách ghi chép có từ 350 năm trước, được xây dựng với 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bằng gỗ quý như sến, lim, táu; sàn gỗ cách mặt đất 1,2m. Các gian vọng cung có cửa võng và cây đối khắc họa hình long, li quy phượng. Đình làng trong kháng chiến chống Pháp là nơi hội họp, cất giấu vũ khí của cán bộ Việt Minh, là điểm tựa cho quân Lê Lợi cắm cọc làm kè chặn sông Kinh Thầy, bảo vệ chiến khu Đông Triều. Đình làng Việt Khê xây dựng từ thế kỷ 10, thờ Cao Sơn Đại Vương. Các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đình làng hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại vua. Tại các đình làng, hiện người dân vẫn duy trì tổ chức nhiều hoạt động theo phong tục xưa như rước kiệu, tế thần, các trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, chơi đu, bịt mắt bắt dê, biểu diễn văn nghệ...
Xây dựng nông thôn mới gắn với tôn tạo, giữ gìn di tích
Những di sản văn hóa lâu đời của địa phương không chỉ là niềm tự hào của người dân Phù Ninh, mà còn đặt ra yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, làm nền tảng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ năm 2000 đến nay, chính quyền địa phương xác định quần thể di tích tại địa phương, đặc biệt là khu di chỉ đồ đồng Việt Khê, không chỉ là di sản văn hóa riêng của Phù Ninh mà của cả quốc gia. Do vậy, địa phương tăng cường công tác quản lý để không phát sinh các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất trái phép trong khu vực quần thể di tích.
Phù Ninh hiện là một trong 8 xã điểm của thành phố xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương luôn xác định việc bảo tồn, tôn tạo quần thể khu di tích là nhiệm vụ quan trọng như các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, xã có quy hoạch tổng thể và chi tiết quần thể di tích. Tới đây, địa phương mong muốn khôi phục lại hiện trạng, không gian khu di chỉ đồ đồng Việt Khê, trong đó sẽ trưng bày mô phỏng 5 ngôi mộ cổ và các di vật trong mộ. Chủ tịch UBND xã Vũ Mạnh Nhưng cho biết: “Để hình thành quần thể di tích với mục tiêu thu hút khách du lịch, cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng trong việc công nhận bằng di tích các cấp cho quần thể khu di tích và đầu tư kinh phí; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân địa phương trong việc tôn tạo các điểm văn hóa tâm linh, khu di chỉ đồ đồng Việt Khê...”.
(báo Hải Phòng)