Dân trí Cao nguyên Vân Hòa là một trong số 3 cao nguyên trên đất Phú Yên (Vân Hòa, An Xuân, Trà Khê). Tuy nắng gió nhưng vẫn mát mẻ, đặc biệt mùa thu trời còn có chút se lạnh nữa.
Ở độ cao trung bình khoảng 400 mét, lại chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên nơi đây vừa nhiều nắng gió, lại có cả mây mờ sương giăng vào từng thời điểm.
Cao nguyên Vân Hòa tọa lạc tại huyện Sơn Hòa và một phần huyện Tuy An – vùng cao phía Tây của tỉnh Phú Yên – nơi mà du lịch còn chưa phát triển, dù phong cảnh thiên nhiên rất đẹp. Vì vậy, nếu đi tìm dịch vụ nghỉ dưỡng ở đây, có thể sẽ hơi khó tìm được những dịch vụ thật tốt, nhưng nếu là rong ruổi ngoạn cảnh ở nơi này thì bạn sẽ không thất vọng.
Từ Tuy Hòa theo QL1A đi ra phía Bắc khoảng 13km, tới ngã ba Hòa Đa, rẽ trái vào đường ĐT643 để lên cao nguyên Vân Hòa. Con đường bê tông rộng thênh uốn lượn theo các triền đồi.
Trên đỉnh một ngọn dốc, thấy núi Chóp Chài và một góc Tuy Hòa hiện ra mờ xa.
Trên đường lên cao nguyên Vân Hòa, đường ĐT643 còn chạy xéo qua khá gần hai ngọn thác rất đẹp trên đất xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Đó là thác Vực Song và thác Vực Hòm – hai ngọn thác cách nhau khoảng 1,5km – có kết cấu rất đặc biệt: vách thác là những khối đá xếp rất giống kết cấu đá ở gành Đá Đĩa (một danh thắng nổi tiếng của đất Phú Yên).
Từ ngã ba Hòa Đa rẽ vào ĐT643 đi 12km, bên phải có một lối rẽ đường đất (mùa mưa sẽ rất khó đi – vì con đường hiện mới đang bắt đầu được san ủi, còn lỗi lõm đất đá), đi khoảng 5km là tới khu vực thác Vực Song. Ai tay lái khá có thể chạy xe máy tới sát thác (mùa khô), hoặc có thể gửi xe ở một nhà dân bất kỳ để đi bộ tới thác. Cư dân ở đây rất thân thiện và hiếu khách, họ rất nhiệt tình chỉ đường cho bạn, thác cũng dễ tìm vì nó nằm ngay trong khu dân cư.
Thác Vực Song mùa khô, chỉ còn một dòng nước rất nhỏ róc rách chảy. Vách thác là những khối đá dựng, có kết cấu rất giống những khối đá ở Gành Đá Đĩa nổi tiếng đất Phú Yên.
Thác Song mùa nước.
Lui về phía hạ lưu dòng suối, cách thác Vực Song theo đường suối 1,5km là một ngọn thác khác: thác Vực Hòm. Đường bộ thì xa hơn chút, nếu ai tay lái thật tốt còn có thể chạy xe máy đến tận hồ nước dưới chân thác, nhưng khoảng gần 1km cuối cùng đường vừa dốc gắt vừa lổn nhổn đá, rất nguy hiểm, nên để xe lại đi bộ xuống (bạn có thể kiếm một lùm cây cho mát mẻ và khóa xe lại, chẳng có ai đụng vào xe của bạn đâu - ở gần thác Vực Hòm không có dân cư).
Thác Vực Hòm mùa nước, kết cấu vách đá ở đây cũng giống ở thác Vực Song: các khối đá xếp ken vào nhau với kết cấu giống các khối đá ở Gành Đá Đĩa.
Trở ra ĐT643 đi Vân Hòa, con đường càng ngày càng lên cao, trời vẫn nắng và gió nhưng khí hậu thì mát mẻ, thật là dễ chịu, có những đoạn đường được trải nhựa láng đẹp, hai bên rừng cây kéo tới sát lề đường.
Đường quanh co uốn lượn, rừng kéo tới sát bên đường, dải Trường Sơn trùng điệp xa xa.
Ít ai biết được rằng ở nơi cao nguyên nhỏ này cũng có một di tích địa đạo trong lòng đất nổi tiếng: địa đạo Gò Thì Thùng. Đây là hệ thống địa đạo được đào sâu trong lòng đất ở độ sâu 4,5 mét trên bề dài chừng 2km nhưng hệ thống đường hào chằng chịt có tổng chiều dài tòan hệ thống tới 10km. Ngày nay, địa đạo Gò Thì Thùng đã được tôn tạo lại với các mái nhà che ở các cửa hầm và các miệng giếng thông hơi, để phục vụ du lịch.
Di tích lịch sử quốc gia: địa đạo Gò Thì Thùng. Cửa hầm được xây mái nhà che để bảo tồn và phục vụ du lịch.
Bên trong địa đạo, đường hào rộng khoảng 0,8 mét, cao khoảng 1,6-1,8 mét với tổng chiều dài toàn hệ thống tới 10km trong lòng đất.
Tọa lạc ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, nhà thờ Bác Hồ nằm ở khu vực trung tâm xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến và các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa.
Điểm nhấn không thể bỏ qua khi lên cao nguyên Vân Hòa là hồ Vân Hòa – một hồ lớn tuyệt đẹp với rừng cây kéo xuống sát mép nước, và những thảm cỏ xanh mướt trải rộng ven hồ. Đây là địa điểm tuyệt vời để thực hiện những buổi picnic hoặc cắm trại dã ngoại. Không gian rộng mở, khí hậu mát lành với rừng cây, mặt hồ trải rộng mênh mông in bóng nền trời xanh thẳm.
Một góc hồ Vân Hòa
Hy vọng rằng trong tương lai, khi hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, khu vực này sẽ trở thành một điểm đến thu hút với khách du lịch mỗi khi đến với Phú Yên.
Bài, ảnh: Ngô Hoà Nam