Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa (Phong Điền) được xây dựng từ thế kỷ 15 vào những năm đầu trong đợt di dân lần thứ hai từ miền bắc vào vùng Thuận - Quảng. Ngôi làng như là một viên ngọc quý lấp lánh bên dòng Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng…
Theo sử liệu, năm 1470, vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem mười vạn quân thuỷ bộ sang đánh Châu Hoá. Được cấp báo vua Lê Thánh Tông thân hành dẫn binh đánh đuổi, đưa biên giới Đại Việt vào đến đèo Đại Lãnh. Trong số những người theo chiếu vua Lê bình Chiêm thắng lợi có Hoàng Minh Hùng - người quê gốc làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông được triều đình phong chức Đặc Tấn phụ quốc thượng Tướng quân, Cẩm ý vệ. Theo chủ trương của triều đình chiêu mộ dân vào vùng đất mới để định cư lập nghiệp, ông cùng với thuỷ tổ của 11 dòng họ đều là quê hương Cảm Quyết, gồm các họ Đoàn - Hoàng - Hồ - Lê Ngọc - Lê Trọng - Lương Thanh - Nguyễn Phước - Nguyễn Bá- Nguyễn Duy - Phan Công - Trương Công - Trần Ngọc, vào xứ Cồn Dương khai hoang lập ấp xây dựng nên làng Phước Tích ngày nay.
Sách Ô Châu Cận Lục cho biết, vào năm 1553, tên của làng là Dõng Quyết. Trước TK 16, thời (Lê Mạc) thuộc Kim Toà – Châu Hoá. Sau đổi là Cồn Dương (Giàng) xã hiệu Phước Giang. Triều Tây Sơn năm 1778 đổi là Hoàng Giang. Năm 1802 vua Gia Long đổi tên là: Phước Tích. Sau nhiều thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay, tính ra đã có 18 dòng họ có từ đường và một số bà con đến nhập cư. Tất cả trước sau đều hết lòng chung lo xây dựng quê hương làng xóm.
Một ngôi từ đường họ tộc ở Phước Tích |
Nét đặc trưng chủ yếu của làng Phước Tích và cũng là nét đặc sắc nhất của làng là quy hoạch không gian kiến trúc, được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau. Hệ thống đường sá, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động, kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người. Theo khảo sát, làng hiện có 36 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn. Nhiều ngôi nhà tuổi đời đã trên 100 năm, thậm chí đến 180 năm. Khuôn viên giữa các ngôi nhà không ngăn cách bằng tường rào kín, mà bằng các hàng chè tàu uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà. Do ở cạnh làng mộc cổ truyền Mỹ Xuyên, nên Phước Tích được thừa hưởng nghệ thuật độc đáo của điêu khắc trên các công trình kiến trúc. Hệ thống vì kèo, liên ba, cửa nẻo, hoành phi, câu đối, liễn gỗ cho đến các đồ dùng như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, phản nằm; các bàn thờ, bệ thờ… đều được chạm khắc kỹ lưỡng, tinh tế. Làng còn có khá nhiều đình, chùa, miếu thờ, di tích Chămpa…Tất cả khiêm nhường nép mình dưới những tán cây xanh, phong cảnh yên bình, nên thơ đẹp như một bức tranh cổ…
Miếu cổ và cây thị 500 năm tuổi |
Phước Tích còn nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền. Nghề gốm ở Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi. Gốm Phước Tích từng là một đặc sản nổi tiếng khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới dạng các loại gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với om ngự (chuyên dùng để nấu cơm cho vua) và nhiều cổ vật tinh xảo một thời đến nay vẫn còn được lưu giữ. Nghề truyền thống độc đáo này không chỉ nuôi sống bao thế hệ con dân của làng, mà còn góp phần làm giàu cho cuộc sống quê hương, tạo nên một nét riêng của làng cổ Phước Tích.
Dấu tích những lò gốm xưa |
Năm 2003, trong một chuyến điền dã vào Huế, KTS Hoàng Đạo Kính đã “sửng sốt” khi tình cờ phát hiện ra Phước Tích: “Tôi thực sự sửng sốt khi bắt gặp một ngôi làng Việt cổ ở vùng đất không phải là cổ xưa của người Việt, với quá nhiều những ngôi nhà rường cổ tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu…” Cũng theo nhận xét của KTS Hoàng Đạo Kính, cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng bắc Trung bộ. “Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống” - KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét.
Tháng 3/2009, Phước Tích trở thành ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đó là niềm vui, niềm tự hào để người dân Phước Tích tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tiền nhân để lại.
Nguồn : TTH