Dân trí - Tháng 3, nắng vàng óng xuyên qua những cánh rừng cao su dọc cung đường Đông Trường Sơn mùa thay lá, ra lộc đẹp đến ngẩn ngơ. Khám phá cung đường này bằng ô tô hay xe máy đều mang lại cảm giác thú vị.
Dự án đường Trường Sơn Đông hay Đông Trường Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) đến xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) dài 129 km, mới đưa vào sử dụng trong năm 2020.
Điểm bắt đầu vào cung đường Trường Sơn Đông ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Tuyến đường đi qua nhiều bản làng của đồng bào vùng cao của huyện Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My. Đây cũng là tuyến đường lịch sử. Đường Trường Sơn Đông mở ra đã đem lại cuộc sống mới cho phần đông đồng bào dân tộc thiểu số các vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng trước đây.
Qua địa phận huyện Nông Sơn.
Đi trên đường Trường Sơn Đông càng cảm nhận rõ hơn sự hùng vỹ của dãy Trường Sơn. Rong ruổi trên đường Trường Sơn Đông, chặng nào nhìn rừng cũng đẹp và đẹp nhất mùa tháng 3 này cây rừng thay lá, trong đó những cánh rừng cao su đang mùa ra lộc. Phong cảnh tuyệt đẹp, đường quanh co uốn lượn, là điểm check-in khá thú vị cho các bạn thích khám phá, dân phượt.
Dọc theo đường Trường Sơn Đông là dòng sông Thu Bồn và Sông Tranh, uốn lượn theo những cánh rừng bạt ngàn như dải lụa, đẹp vô ngần.
Cầu Bàn Cờ bắc qua hồ thủy lợi thủy điện Khe Diên.
Đường Trường Sơn Đông nằm ở sườn phía đông dãy núi Trường Sơn. Tuyến đường có đoạn vòng vèo, có nơi cắt ngang qua các nhánh núi của dãy Trường Sơn nên con đường uốn lượn quanh co, chạy men theo các vách núi, vực sâu.
Hồ thủy lợi thủy điện Khe Diên.
Nhìn từ xa, con đường như một dải lụa mềm trải vắt qua, nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng. Khác với những con đường ở đồng bằng, đường Trường Sơn Đông có những cây cầu cong, uốn lượn thuận theo chiều cong của cung đường, nhìn thật lạ.
Cung đường uốn lượn qua những rừng cao su đang mùa nảy lộc.
Đi trên đường Trường Sơn Đông càng cảm nhận rõ hơn sự hùng vĩ của dãy Trường Sơn. Núi trập trùng núi, rừng đại ngàn hoang sơ nối tiếp trải dài đến ngút tầm mắt. Dù đã nhiều lần lên núi, đi rừng và đi qua hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nhưng chúng tôi cảm nhận sự khác lạ, hoang sơ và đầy thử thách khi đi trên cung đường này.
Lộc mới của rừng cao su mùa này rất đẹp, thích hợp cho những du khách thích khám phá.
Với rất nhiều đồi dốc quanh co, tuyến đường cũng là một thử thách đối với những người chạy ô tô hay dân đi phượt bằng xe máy. Khi rong ruổi đến chỗ nào thích thì du khách dừng lại chụp ảnh, check-in khoe với bạn bè.
Phong cảnh hữu tình trên cung đường.
Hay du khách có thể dừng lại thăm thú những bản làng của đồng bào dân tộc sống hai bên đường, tìm hiểu khám phá cuộc sống của đồng bào bản địa. Hoặc dừng lại ở những vườn cây trái, rau màu xanh mát ven bãi bồi của Sông Tranh, sông Thu Bồn.
Đường hầm trên tuyến đường.
Tháng 3 này là mùa đẹp nhất khi khám phá cung đường Đông Trường Sơn vì nắng nhẹ, vàng óng, khí hậu mát lạnh. Đây cũng là mùa con ong đi lấy mật trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Hôm chúng tôi đi trải nghiệm cũng bắt gặp nhiều nhóm bạn trẻ đi phượt, khám phá cung đường này.
Có những đoạn đường thẳng tắp.
Cung đường Trường Sơn Đông đi qua những địa danh nổi tiếng ở Quảng Nam như Khe Diên, Cấm La, Nà Lau, Đồng Làng, Sông Trà... Trong đó Cấm La, Nà Lau là khu bảo tồn voi; hiện đàn voi ở đây có trên dưới 15 con.
Có những đoạn đường uốn lượn, chạy giữa những cánh rừng.
Tuyến đường Trường Sơn Đông có chiều dài khoảng 700km đi qua 7 tỉnh, điểm bắt đầu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và điểm cuối là tỉnh Lâm Đồng.
Một nếp nhà "cô đơn" trên tuyến đường.
Tuyến đường này sẽ tạo nên một trục giao thông mới trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Huyết mạch giao thông mới này sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ tạo ra cơ hội phát triển vùng. Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa chính trị, quốc phòng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Công Bính
Ảnh: Vũ Công Điền