Núi Sam ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phía Tây Bắc của núi là kênh Vĩnh Tế chạy dọc biên giới Campuchia. Phía Tây Nam giáp xã Thới Sơn và Nhơn Hưng thuộc huyện Tịnh Biên. Phía Đông Bắc và Đông Nam giáp phường Châu Phú A, Châu Phú B của thị xã Châu Đốc. Núi Sam cách TP. HCM khoảng 240 km, cách khách sạn Victoria Châu Đốc 6km về phía Tây Nam.
|
Chùa Tây An |
Núi Sam có tên chữ là Vĩnh Tế sơn, do vua Minh Mạng đặt để ghi công cho Thoại Ngọc Hầu trong việc hoàn thành kênh Vĩnh Tế. Đây là một ngọn núi độc lập, cao 228 m, chu vi 5.200m, nổi lên giữa đồng bằng như một con sam khổng lồ bám trên mặt ruộng, nên có tên gọi như vậy. Một cách giải thích khác cho rằng nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhô lên trên biển, có nhiều sam sinh sống nên được gọi là Học Lãnh Sơn, tức núi con sam.
Đường lên đỉnh núi Sam đẹp như một bức tranh phong thủy. Càng lên cao thì vùng đất An Giang trù phú càng hiện rõ trong tầm mắt. Đặc biệt, quanh chân núi còn có cả một quần thể di tích lịch sử và văn hóa đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia như: miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An,... Các di tích này đều được xây dựng từ thế kỷ 19. Trong đó, miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc nguy nga, nổi tiếng linh thiêng nhất. Hàng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách đến thăm quan, chiêm bái.
Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà (sau được gọi tôn là Bà Chúa Xứ) được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 (có người nói 12 hay hơn nữa) cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà qua miệng "cô đồng", nên người dân đã lập miếu để tôn thờ.
Toàn bộ khu miếu Bà Chúa Xứ là một quần thể kiến trúc cổ kính có sự kết hợp giữa lối kiến trúc hiện đại và màu sắc dân tộc, với bốn tầng mái cao cong vút, các cánh cửa bằng gỗ được chạm trổ công phu: ghi lại hình ảnh hoa lá cây cành, chim muông, long - lân – quy - phượng và các vị tiên trong thần thoại cổ tích. Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ "quốc", có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng 4 mái hình vuông. Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật.
Hội Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm rất trọng thể vào các ngày cuối tháng 4 âm lịch. Lễ "Tắm Bà" được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch. Lễ "Thỉnh sắc" tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà, được cử hành lúc 15 giờ chiều ngày 24. Lễ "túc yết", tức dâng lễ vật và tiến hành lễ cúng Bà, lúc 0 giờ khuya đêm 25 rạng 26. Ngay sau đó, là "lễ xây chầu" mở đầu cho việc hát Bội. Lễ Chánh tế (tương tự như lễ "túc yết") vào 4 giờ sáng ngày 27, và 16 giờ chiều cùng ngày là lễ "hồi sắc", tức đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng.
|
Miếu Bà Chúa Xứ |
Bên cạnh di tích miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu cũng là một điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách thập phương. Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm kề bên quốc lộ 91, là một khối kiến trúc to lớn nhưng hài hòa. Muốn lên lăng, phải qua chín bậc đá ong dài trên trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân. Sân lăng bằng phẳng, rộng thênh thang, có hai tiểu đình do người đời sau xây dựng. Một, dùng để bản sao tấm bia Thoại Sơn, có hai tượng nai, hai tượng hổ và một khẩu súng đại bác cổ cỡ nhỏ; hai, dùng để tượng ngựa và người lính hầu... Tiếp đến là vòng thành và 2 cổng vào lăng hình bán nguyệt được đúc dầy, nên trông lăng thật bề thế, vững vàng. Qua khỏi cổng là phần mộ nằm giữa vuông lăng. Mộ Thoại Ngọc Hầu nằm giữa, bên trái là mộ bà chính thất Châu Thị Tế, bên phải là mộ thứ thất Trương Thị Miệt được xây lùi lại để tỏ sự kính nhường. Phía đầu mộ là bình phong có đắp chi chít những chữ Hán. Phía chân mộ là bi kí và năm tấm bia đá bị gắn chặt vào tường thành.
|
Đường Lên Núi Sam |
Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc khu danh thắng núi Sam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin do Nguyễn Khoa Điềm ký, công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 1 tháng 12 năm 1997.
Cùng với miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu thì chùa Tây An cũng góp thêm cho núi Sam một di tích văn hóa đặc sắc. Chùa Tây An còn được gọi Chùa Tây An núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, cận kề chân núi núi Sam.
Chùa Tây An cất theo lối chữ “tam” (三),mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo, kết hợp với kiến trúc chùa cổ của dân tộc Việt. Chùa được xây dựng với các vật liệu bền chắc như gạch ngói, xi măng. Nơi cổng tam quan là tượng Quan Âm Thị Kính, bên trong cổng là một sân chùa nhỏ có một cột phướn cao 16 m. Mặt tiền chùa, ở giữa là tháp thờ Phật cao hai tầng. Tầng trên là tượng Phật đứng giữa lầu cao, mái tròn cong, đỉnh nhọn như các tháp xưa ở Ấn Độ. Bốn cột tháp ở tầng dưới có các hộ pháp trấn giữ, phía trước có tượng hai con voi: bạch tượng và hắc tượng. Chính điện là dãy nhà rộng, hai tầng mái, lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe, nền lát gạch bông. Hai bên là lầu chiêng và lầu trống hình tứ giác, trên đỉnh trang trí các tượng tứ linh (long, lân, qui, phụng) rất mỹ thuật. Đại hồng chung ở lầu chuông được tạo vào năm Tự Đức thứ 32 (1879). Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông v.v. Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ 19. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ.
Chùa Tây An cũng đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng.
Ngoài các di tích nổi tiếng như: miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An....trên triền núi Sam còn có hàng trăm am, cốc, chùa do người dân tự lập, tự tín ngưỡng.....Hầu hết đều tấp nập du khách từ mọi miền đất nước đến sùng bái ngưỡng vọng, vãng lai.
Nếu có thời gian, du khách có thể leo núi bằng đường mòn ngay sau lăng Thoại Ngọc Hầu. Tiếng là đường mòn nhưng con đường đã được tu sửa nhiều: những đoạn dốc cao, trơn trợt đã được cải tạo thành bậc thang cho dễ đi. Hai bên đường có nhiều chùa chiền và các quán giải khát để du khách dừng chân lễ Phật hay nghỉ ngơi. Người đi khỏe chỉ mất nửa giờ để lên tới đỉnh núi Sam; đi chậm thì mất khoảng một giờ hoặc hơn. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ rực hai bên đường, đâu đâu cũng thấy một màu đỏ của hoa.
Nguồn : TITC