Nhắc đến Quy Hòa, người ta nghĩ ngay đến thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trong những ngày cuối đời, ông đã tìm được chốn nương náu cho mình bên bờ biển bình yên. Nơi đây hiện vẫn là trại phong và là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến đất võ Bình Định.
Trại phong Quy Hòa nằm dưới một thung lũng yên bình bên bờ biển. Từ Quy Nhơn - Bình Định hoặc Sông Cầu - Phú Yên, khách men theo con đường dọc biển tuyệt đẹp. Đó là Quốc lộ 1D đi qua những bãi biển cát trắng mịn màng và những ghềnh đá cheo leo, ngoạn mục. Trại phong nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km. Đứng trên đường quốc lộ nhìn xuống, trại phong như một ngôi làng xinh xắn. Mới nhìn vào, ai cũng cảm nhận được sự bình yên và nên thơ của vùng đất này. Nhiều người bảo, đây là ngôi làng Quy Hòa thay cho Bệnh viện phong - da liễu Quy Hòa...
Ngôi làng này được hình thành vào năm 1929. Khi đó, vị linh mục người Pháp tên là Paul Maheu đã tìm đến thung lũng này và xây dựng trại phong để tập hợp chữa trị, nuôi dưỡng những người “bệnh hủi”. Thời đó, căn bệnh này được xem là bệnh nan y, bị người đời xa lánh. Chính vì vậy, nơi đây trở thành ngôi làng của những người không may mắn này. Họ sống chan hòa, bảo bọc nhau trong sự chăm sóc, giúp đỡ của các nữ tu. Năm 1932, tức một năm sau khi vị linh mục qua đời và 3 năm ngôi làng được hình thành, cơn bão đi qua san bằng hết nhà cửa. Soeur Charles Antoine và người phụ tá đã gầy dựng lại nhà cửa, tiếp tục cưu mang các bệnh nhân phong. Nghe những câu chuyện cảm động trong quá trình hình thành và phát triển ngôi làng này, du khách ai nấy sẽ cảm phục tấm lòng quảng đại của các soeur đối với bệnh nhân phong. Họ hy sinh tất cả để mang lại chốn bình yên để bệnh nhân được ấm lòng trong những ngày tháng sống đau đớn do căn bệnh hoành hành...
Không gian xây dựng như một ngôi làng thơ mộng, được xây dựng bởi những người có tâm huyết muốn xây dựng không gian thoáng đãng, nên thơ để ươm lại mầm sống cho những người bệnh chán nản, muốn từ bỏ cuộc đời. Khuôn viên rộng lớn đầy cây xanh, bóng mát. Ngoài khu vực khám và chữa bệnh cho bệnh nhân phong 11 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, còn có những ngôi nhà xinh xắn của các bệnh nhân phong ở đây suốt hàng chục năm qua. Có những người không có bệnh nhưng vẫn ở lại nơi này. Nhiều người ngạc nhiên và tìm hiểu mới biết, đó là con cháu của những người từng đến đây chữa bệnh. Khi khỏi bệnh, họ không về quê mà bám trụ lại đây và dựng vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái. Người dân ở lại, các soeur cất thêm nhà cửa. Cứ thế, nơi đây hình thành một ngôi làng hồi nào không hay. Vì thế, hiện nay vẫn có những đứa trẻ, thanh niên khỏe mạnh sinh hoạt tại những ngôi nhà trong khuôn viên trại phong.
Vào đây, không ai nghĩ rằng đây là một bệnh viện mà chỉ cảm nhận được không gian thân thiện, mang dáng vấp của khu nghỉ dưỡng cao cấp. Trong khuôn viên này, có 40 bức tượng của các danh y đông - tây, kim - cổ. Từ ông tổ ngành y đông phương Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học tài ba của phương Tây Hippocrate đến Giáo sư Tôn Thất Tùng... đều hiện diện tại đây như sự nhắc nhở về y đức đối với những người đang công tác tại đây. Du khách đứng trong vườn tượng danh y đều phải cúi đầu ngưỡng vọng. Mỗi pho tượng mang một nét khác nhau nhưng tất cả đều hồn hậu như chính tấm lòng của những lớp người đã từng trải qua thời gian lao động bằng chính sự quảng đại, bao dung ở ngôi làng này. Tại đây, có một căn phòng ghi dấu thi sĩ Hàn Mặc Tử. Khi bệnh phong phát nặng, Hàn Mặc Tử đã được đưa vào đây để các soeur chăm sóc. Tại đây, ông đã được sống trong sự yêu thương và cưu mang của mọi người. Gian phòng ấy giờ trở thành nhà lưu niệm, được nhiều khách thơ viếng thăm mỗi dịp về Quy Nhơn, Bình Định.
Ở sườn đồi phía Bắc, nơi những cánh hoa rơi ngập lối đi, là ngôi mộ đầu tiên của Hàn Mặc Tử trước khi được cải táng về Ghềnh Ráng trên đồi Thi Nhân. Bao nhiêu du khách đã đến đây đều không ngớt lời khen tặng đất và người ở ngôi làng này. Đất đã cưu mang bao người bất hạnh. Biển như đôi cánh tay khổng lồ dang rộng tình yêu thương. Người không phụ đất, sống chan hòa và vun xới nơi đây thành vùng đất tràn trề nhựa sống. Biển Quy Hòa đẹp vô ngần, đâu cũng sạch sẽ. Sóng biển vỗ về ôm lấy bờ cát. Những hàng cây phi lao rì rào trong gió điệu hát của yêu thương suốt trăm năm. Khác với những khu du lịch khác, Quy Hòa khá yên ắng. Cả khi đoàn khách lên đến vài trăm người khi đến đây cũng phải trải lòng. Không vì buồn mà vì hạnh phúc, vì những tấm lòng đôn hậu của những cư dân của ngôi làng.
Đến biển Quy Hòa vào sáng hoặc chiều, khách đắm mình trong không gian yên lành. Ai đó bảo rằng, Quy Hòa như một nàng tiên. Buổi trưa, mắc chiếc võng dưới hàng phi lao nghe biển hát, mọi lo toan đời thường như tan biến. Thế mới thấy sự lạc quan, yêu đời của những người bệnh luôn hướng về phía trước. Để ngày nay có bóng dáng người phụ nữ nắm tay con đứng chờ chồng đang cất mẻ lưới cuối cùng để vào bờ trước khi trời tối. Ngôi làng ban đêm ấm áp bên mâm cơm quây quần của những cư dân bám trụ đất này.
Nguồn : báo Cần Thơ