Từ TP. Hòa Bình, chúng tôi tìm đến bản Mường Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình), một địa điểm du lịch hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm qua.
Dẫu đã đón hàng ngàn lượt khách du lịch, ngôi làng nhỏ giờ cũng đã không còn vắng vẻ, hoang sơ như chục năm về trước, nhưng Giang Mỗ vẫn giữ vẹn nguyên chất mộc mạc vốn có của bản Mường với những nếp nhà sàn truyền thống được lưu giữ theo nguyên bản.
Đẹp như thơ
Những nóc nhà hàng trăm năm tuổi, thấp thoáng trong sương, êm đềm và thơ mộng nằm dưới chân núi Mỗ cùng những giá trị văn hoá bản sắc, độc đáo vẫn được người Mường ở đây gìn giữ qua hàng trăm năm đã tạo nên sự quyến rũ hiếm nơi nào có được.
Nửa tiếng chạy xe gắn máy từ Thành phố Hoà Bình, vượt qua những cung đường khúc khuỷu, chúng tôi đã đặt chân tới đất bản Mường Giang Mỗ. Hành trình vất vả giờ được đền đáp bằng một khung cảnh thơ mộng. Ngôi làng đẹp và thanh bình này mang dáng vẻ e ấp, mộng mơ của một thiếu nữ miền sơn cước.
Gửi xe ở một nhà đầu bản, cô gái Mường xinh như hoa rừng bẽn lẽn chỉ dẫn: Khách đến đây cứ đi thăm phong cảnh bản làng, rồi vào nhà ai đó để chơi (!). Chúng tôi rảo nhanh về phía những nếp nhà sàn cổ san sát nằm phía cuối bản. Một cô gái trẻ đang giặt đồ bên máng nước, chợt nhận thấy sự có mặt của những người khách lạ chúng tôi liền cười tươi rồi trỏ tay về phía ngôi nhà sàn xa xa: Lát nữa mời anh chị qua nhà em chơi ! Đôi mắt người bạn đồng hành ánh lên niềm vui : Người dân ở đây thân thiện quá!
Giang Mỗ là tên gọi ghép của hai xóm người Mường: xóm Giang và xóm Mỗ thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Nơi đây có trên 100 hộ dân với gần 100 nếp nhà sàn được gìn giữ theo nguyên gốc vốn có từ xa xưa, khi người Mường bắt đầu khai hoang lập nghiệp ở đây. Chẳng ai bảo ai, người Mường Giang Mỗ xem những nếp nhà truyền thống là một biểu tượng văn hoá lâu đời không dễ gì thay đổi. Ngồi trong nhà sàn của cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Ly, chúng tôi được nghe bà của cô kể những câu chuyện đẹp tựa cổ tích của người Mường Giang Mỗ. Ngôi nhà sàn mà chúng tôi đang ngồi đã hàng trăm năm tuổi.
Với người Mường nơi đây, nếp nhà sàn là biểu tượng gắn bó với đời người, trải dài theo những câu chuyện vui buồn của bao thế hệ. Vì thế, nhà sàn không chỉ là chốn trú mưa che nắng mà còn chính là hiện thân của đời sống người Mường và văn hoá Mường. Điều này thể hiện rõ nhất ở bản Mường Giang Mỗ. Một đời người sinh ra dưới những nếp nhà sàn, lớn lên ở riêng lại được cha mẹ cất cho một nếp nhà sàn mới.
Cụ bà Đinh Thị Chỉ, 76 tuổi, cũng từng gắn bó với nếp nhà sàn gần trọn cuộc đời, miệng bỏm bẻm nhai trầu và kể chuyện, cũng có khi này khi khác, người Mường Giang Mỗ định dỡ bỏ những nhà sàn truyền thống để chuyển sang ở nhà xây, nhà gạch. Nhưng rồi tất cả đều nhận ra rằng, không có nhà sàn thì Giang Mỗ sẽ không còn là Giang Mỗ, và những bản sắc văn hoá của người Mường ở đây sẽ bị mất đi. Đó là điều không thể.
Thế nên, trải qua bao năm tháng, người Mường Giang Mỗ vẫn thuỷ chung với những mái nhà sàn truyền thống. Nỗi lo “chảy máu” nhà sàn có lẽ sẽ không bao giờ tìm thấy ở Giang Mỗ. Sức hút của bản Mường được hình thành chính bởi những nếp nhà đẹp như trong tranh vẽ vậy.
Văn hoá Mường “hút hồn” du khách
Đến Giang Mỗ, du khách cũng không chỉ thấy “đã” con mắt bởi phong cảnh hữu tình, có thể dừng chân ở bất kỳ ngôi nhà sàn nào mà còn có cơ hội tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hoá Mường do chính những người dân nơi đây giới thiệu. Các phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt truyền thống được giới thiệu rất tỉ mỉ đến từng du khách.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cổ, người phụ nữ Mường tên Nguyễn Thị Yến vội cời than trong bếp lửa đang hồng để ra tiếp khách. Ấy cũng là sự hiếu khách thường thấy của người Mường ở đây. Chị cho biết, mỗi năm người Mường Giang Mỗ đón rất nhiều du khách tìm đến để thăm thú, tìm hiểu những nét văn hoá bản sắc lâu đời, đông nhất là vào khoảng tháng 9 cho đến Tết Nguyên Đán. Ngồi trong nhà sàn của gia đình chị, khách còn có cơ hội được nghe âm thanh từ những nhạc cụ Mường truyền thống như cồng chiêng, trống, sáo, nhị… do chính chồng chị trình diễn.
Thú vị hơn là ngay dưới những nếp nhà sàn, du khách còn có thể được xem người Mường Giang Mỗ trổ tài nấu nướng với những món ăn truyền thống như xôi nếp nương, thịt lợn bày trên lá chuối, thịt gà nấu măng chua, rau đồ… hay thưởng thức chất men say ngọt mềm môi từ những ché rượu cần, và cả các loại rượu được đồng bào chế biến từ hương vị thiên nhiên như rượu chuối, rượu dâu...
Ngay trong bữa cơm, chủ- khách thoải mái chuyện trò về những giá trị văn hoá Mường truyền thống. Đây chính là nét quyến rũ của Giang Mỗ với hàng ngàn du khách trong những năm qua.
Gặp chúng tôi trên lối đi nhỏ trong bản, một du khách người Pháp, Plasmam Jeanmichel ồ lên thích thú. Đây là lần đầu tiên ông được nhìn thấy những cô gái Mường duyên dáng, xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống. Plasmam Jeanmichel cùng vợ được người dân ở đây hướng dẫn sử dụng chiếc cối giã gạo và cách để làm nên những hạt gạo trắng trong của người Mường Giang Mỗ. Nếu may mắn hơn, gặp được những vị lão làng, du khách còn có thể được nghe những trích đoạn trong sử thi của dân tộc Mường Đẻ đất đẻ nước, những bài mo, mỡi hay hoà tấu cồng chiêng say nức lòng người. Du khách cũng có thể được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật văn hoá được gìn giữ dưới những nếp nhà như thổ cẩm, cung nỏ săn bắn, đồ mây tre đan, các loại nhạc cụ…
Với nét văn hoá quyến rũ ấy, Giang Mỗ trong mấy chục năm qua đã đón nhiều đoàn khách nước ngoài như Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Lấy bản sắc độc đáo để thu hút du khách, người Mường Giang Mỗ vừa gìn giữ được những giá trị văn hoá đặc sắc có từ ngàn đời, vừa nâng cao đời sống từ nguồn thu du lịch. Nếu khách có nhu cầu, Giang Mỗ còn có cả một đội văn nghệ quần chúng với sự tham gia của hàng chục chàng trai, cô gái Mường, sẵn sàng “thết đãi” khách với những “đặc sản” văn hoá truyền thống như cồng chiêng, các điệu múa, hát dân ca dân tộc Mường, hay những tập tục trong các sinh hoạt cưới xin, lễ hội, trang phục dân tộc Mường cũng được giới thiệu tới từng du khách.
Những nét văn hoá truyền thống được người Mường Giang Mỗ gìn giữ qua nhiều thế hệ không chỉ để ngôi làng cổ này trở nên duyên dáng hơn trong con mắt du khách thập phương mà hơn cả là để các thế hệ con cháu người Mường nơi đây thêm trân trọng những giá trị cội nguồn mà cha ông để lại. Đất Mường Giang Mỗ vì thế sẽ còn mãi mãi giữ được nét quyến rũ hữu tình như vốn có hàng trăm năm qua.
Nguồn : Báo Nhân Dân