Lên với cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài việc được chiêm ngưỡng những kỳ quan hùng vĩ do thiên nhiên tạo tác, ta còn ngỡ ngàng, thán phục trước sự sinh tồn đến phi thường của những người dân nơi đây.
“Sống trên đá”, cụm từ ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao điều suy nghĩ. Để sinh tồn và phát triển đời này qua đời khác có thể nói người dân cao nguyên đá, đặc biệt là người Mông đã trở thành những chủ nhân biết thuần phục đá, biến những bất lợi của đá trở thành những ưu điểm chở che cho sự sinh sôi trên miền đá.
Bất cứ ở đâu trên cao nguyên đá, trong các bản làng, ta đều bắt gặp những bức tường đá vô cùng chắc chắn, bao quanh những ngôi nhà xinh xắn. Hỏi những người già trong các làng bản, không ai biết rào đá xuất hiện từ khi nào hoặc người Mông học cách làm rào đá từ đâu. Chỉ biết ai sinh ra, lớn lên khi lập gia đình riêng, việc thứ hai sau khi dựng nhà thì ai cũng làm rào đá. Rào đá bao quanh các gia đình nhìn có vẻ rất giản dị, bình thường nhưng làm rào đá thì không hề đơn giản. Để có được rào đá hoàn chỉnh bao quanh một ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200 - 300m2 có thể một gia đình cùng với người thân, hàng xóm mất đến hàng tháng trời túc tắc nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về để xếp thành hàng rào đá. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà được người Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá.
Nhìn bức tường đá bao quanh một gia đình, phần nào ta có thể đoán được tiềm lực kinh tế, nếp sinh hoạt của gia đình ấy. Nhà có kinh tế thì sẽ làm rào đá dầy, cao và kỹ thuật xếp đá cũng được coi là nhất khi có thể nhờ được những người khéo léo xếp. Những viên đá xù xì, kích thước to nhỏ khác nhau nhưng khi được xếp lại với nhau cứ tự nhiên giằng, giữ lấy nhau chắc chắn hơn cả việc bồi vữa. Một bờ rào đá thường có độ rộng khoảng 50cm và có thể cao ngang mặt một người bình thường (khoảng chừng 1,6m). Để kiểm tra độ chắc của nó, bạn hãy thử đưa hai bàn tay ấp vào tường đá rồi thử ru hoặc lay mạnh một cái xem sao!? Thậm chí nếu có khoảng chục người ru toát mồ hôi hột nó cũng không…đổ. Thế mới biết, không phải tự nhiên người ta lại dựng lên rào đá.
Đứng trên đường, nhìn xuống một thung lũng bằng phẳng, hiếm hoi của cao nguyên đá với những nương rau xanh rờn, ngắm một bản người Mông quây quần khoảng chục chiếc vòng tròn, đó là 10 gia đình trong 10 vòng rào đá. Vẫn là câu hỏi, tự khi nào người ta biết làm rào đá và rào đá có tác dụng gì? Tôi lần tìm đến nhiều người già nhưng câu trả lời vẫn là “tri pâu” (không biết) rào đá có tự bao giờ. Nhiều người Mông cho tôi biết, nếu không có rào đá thì lũ gia súc, gia cầm sẽ vượt ra ngoài phá hết hoa màu, hơn nữa mùa đông trên này nhiều gió và rét lắm, rào đá cũng góp phần chắn bớt gió...
Ở mỗi làng bản Mông, dường như nhà nào cũng trồng 1 vài cây đào. Hình ảnh mùa xuân với hoa đào nở đỏ bên những bức rào đá tựa như một bức tranh thiên nhiên và sức lao động của con người cùng tạo tác. Nhón chân lên và ghé mắt qua rào đá, ta sẽ bắt gặp một đời sống sinh hoạt hết sức ấm cúng bên trong. Xem bộ phim “Chuyện của Pao” chắc hẳn chúng ta còn bắt gặp một tình yêu qua rào đá thật lãng mạn của 2 nhân vật chính trong bộ phim này. Lên với Cao nguyên đá, bạn sẽ có may mắn được bắt gặp một đôi trai gái Mông đang thẹn thùng thổ lộ qua rào đá hoặc chính bạn sẽ có một mối tình bên những bờ rào đá ấy.
Nguồn : Vccinews