Dân trí Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm Cách Hà Nội gần 300 km. Đây là điểm đến ưa thích của người yêu thiên nhiên và thích thưởng ngoạn cảnh vật và không khí vùng cao.
"Sau Hà Giang, có lẽ Mù Cang Chải là nơi để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất. Chuyến quay lại Mù Cang Chải lần này tuy không có kế hoạch từ trước, và thật sự ngắn ngủi chỉ 2 ngày 1 đêm (đúng hơn là 1 ngày rưỡi và 1 đêm) nhưng sẽ là kỉ niệm mà mình nhớ mãi. Chuyến đi này, mình không loay hoay với việc sống ảo 8326482 chiếc hình như những chuyến đi trước, để đổi lại là vô số những điều dễ thương" - đó là những chia sẻ của cô gái trẻ đam mê du lịch Hoàng Linh Hà về bộ ảnh Mù Cang Chải và chuyến đi đáng nhớ của mình.
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội khoảng 280km. Mỗi mùa lúa chín, nơi đây đón tiếp hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước.
Bộ ảnh của Linh Hà về Mù Cang Chải không chỉ tập trung vào vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà còn gây ấn tượng bởi vẻ dung dị, hồn nhiên, chất phác của con người nơi đây.
Khác với trẻ em thành phố - những ngày hè "cặm cụi" với smartphone, tivi, laptop hay dày đặc lịch học thêm, trẻ em Mù Cang Chải lại hạnh phúc với những trò chơi dân dã như tắm suối, đá bóng,...
"Mình nhớ nụ cười đón khách không thể hạnh phúc hơn của bạn nhân viên ở nơi lưu trú, đám trẻ con thi nhau nhảy suối trong chiều hoàng hôn, những ngày lang thang trên đường ngắm lúa xanh trải dài tít tắp, hít thở thật đã không khí trong lành của núi rừng bao la. Mình cảm giác như mình chẳng cần gì hơn những ngày bình yên đó. Đã lâu rồi, mình mới lại được tự do đến thế", cô gái trẻ hạnh phúc nhớ lại.
Nói về kinh nghiệm di chuyển và ăn nghỉ tại đây, Hà chia sẻ: Đa số du khách đều chọn đến Mù Cang Chải vào những ngày mùa thu từ tháng 9-10 để chiêm ngưỡng khung cảnh những ruộng lúa bậc thang đồng loạt chín vàng ươm. Tuy nhiên, nếu đến đây vào những ngày tháng 7, tháng 8 như Hà, bạn có cơ hội tận hưởng trọn vẹn cảm giác bình yên và thảnh thơi của vùng núi này.
"Tôi đặt phòng ở homestay có giá 280.000 đồng, khá đắt nhưng xứng đáng. Phòng rộng, xinh xắn, mở cửa sổ có thể ngắm ruộng lúa bậc thang bên ngoài. Điểm trừ duy nhất là khá nhiều muỗi. Bạn chỉ cần mắc màn cẩn thận là giải quyết được vấn đề đó ngay lập tức. Bữa ăn ở đây có giá 100.000 đồng/người. Đồ ăn ngon, ấn tượng nhất là món gà nướng và lòng gà", Hà chia sẻ.
Hoàng Linh Hà chọn 3 địa điểm dừng chân tại Mù Cang Chải là: xã La Pán Tẩn, đèo Khau Phạ và bản Lìm Mông.
La Pán Tẩn là nơi có nhiều ruộng bậc thang nhất ở Mù Cang Chải với 700 ha ruộng bậc thang. Nơi đây nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp quả đồi, đặc biệt có những con đường dốc nhìn như những “mâm xôi vàng” đẹp tựa vân tay của trời. Đường lên đây khá khó đi vì dốc cao mà đường thì lại nhỏ và ngoằn ngoèo.
Lên Mù Cang Chải, du khách thường dừng chân tại lưng đèo Khau Phạ để ngắm thung lũng Cao Phạ bát ngát trong màu lúa, bốn bề là núi giăng thành, những dãy núi uy nghi và tráng lệ như ý nghĩa của chính cái tên Khau Phạ - “Sừng Trời”. Đứng từ bên đèo, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Nơi xa tít tắp ấy là một bản nhỏ mang tên Lìm Mông.
Lìm Mông là bản của người Mông, của những trái tim tự do và đầy kiêu hãnh chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất. Từ đỉnh Lìm Mông, nhìn về phía Cao Phạ nơi dừng chân của biết bao du khách, một cảm giác đầy mới lạ về những nơi tưởng đã quá thân quen hẳn sẽ khiến không ít người phải sững người trước bức tranh thiên nhiên kì vĩ. Bức tranh tuyệt mĩ ấy được tô điểm bởi những bậc thang loang loáng nước đan xen cùng màu mạ non được tạo nên bởi những bàn tay lao động ngày này qua tháng khác, năm nối năm cứ tích lũy, chắt lọc để tạo nên cuộc sống thanh bình và no ấm nơi vùng cao.
Có hai thời điểm đẹp mà bạn nên đến với Lìm Mông đó là vào tháng 5, tháng 6, mùa đổ nước và khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10, mùa lúa chín.
Toàn Vũ
Ảnh: Hoàng Linh Hà