Khu du lịch Vàm Sát nằm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích 1.862ha. Nơi đây có hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng gồm các loài cây đặc trưng của vùng nước ngập mặn (và nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới).
Trong chiến tranh, rừng ngập mặn Vàm Sát là chiến trường trên sông nước nổi tiếng, với những chiến công vang dội, chỉ mấy năm sau, khi chiến tranh kết thúc, nhân dân đã tụ hội về đây, khôi phục lại rừng, trồng cây, bảo vệ sinh thái tự nhiên của Cần Giờ. Rừng ngập mặn Cần Giờ nhanh chóng trở thành rừng phòng hộ, lá phổi xanh của một thành phố lớn nhất Việt Nam. Từ tháng 9/2000, khu du lịch sinh thái Vàm Sát bắt đầu hoạt động và đã đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu. Tháng 7/2002, tổ chức du lịch thế giới (WTO) đã công nhận khu du lịch Vàm Sát là một trong hai “Khu du lịch sinh thái phát triển bền vững của thế giới tại Việt Nam”.
Tháng 12/2003, sân chim và Đầm Dơi của khu du lịch sinh thái Vàm Sát đã được UBND thành phố phê duyệt khoanh vùng quy hoạch chim thú rừng tại rừng phòng hộ Cần Giờ nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển, tạo nơi tham quan học tập, nghiên cứu và giáo dục cho nhân dân thành phố, du khách trong và ngòai nước.
Nếu bạn không biết bơi thì tại hồ bơi này đây, bạn vẫn có thể…nổi lềnh bềnh, có muốn chìm cũng chẳng được. Chuyện gì đang xảy ra vậy nhỉ? Ý tưởng độc đáo này được “copy” từ biển Chết ở Jordan: độ mặn trong hồ khá cao 30% - gấp 10 lần của nước biển. Bằng cách này khối lượng riêng của cơ thể con người sẽ nhỏ hơn của nước trong hồ, thế là bạn …tự nhiên nổi như ảo thuật.
Câu cá sấu
Khu du lịch Vàm Sát có một trại cá sấu đang nuôi khoảng 40 con. Du khách đến đây để tham quan môi trường sống, tìm hiểu tập quán và cách săn mồi của chúng. Nơi đây cũng có một trò chơi khá ấn tượng “Du thuyền câu cá sấu”. Thuyền câu là một chiếc xuồng đặc biệt bằng chất liệu composit có các khoang không khí giữ thăng bằng. Thuyền còn được bao bọc bằng lưới B40: cá sấu bất khả xâm phạm và xuồng bất khả …lật! Dù vậy, tay bạn vẫn run, trống tim vẫn cứ gõ liên hồi như trống trận. Anh nhân viên sẽ giúp bạn buộc mồi rồi giao cần câu cho bạn. Bạn nhớ giữ cần cho thật chặc và thỉnh thoảng …thét lên mỗi khi cá sấu táp lôi lấy mồi.
Đầm Dơi
Là một khoảng rừng đước rậm rạp, yên tĩnh. Nơi đây có hàng trăm con dơi quạ với sải cánh dài từ 1-1,5m trú ngụ. Khu vực xung quanh Đầm Dơi ít người sinh sống nhằm đảm bảo sự an toàn cho chúng. Tại đây quý khách sẽ thấy hàng ngàn con theo bầy sống tư nhiên nơi khu rừng đước giữa đầm như bán đảo, vào tham quan bằng xuồng tam bản, len lỏi vào khu rừng đước để tận mắt chứng kiến những con dơi quạ bay với sãi cánh rộng cả thước sống tự nhiên. Loài dơi này được phân bổ ở các nước như: Úc, Inđonesia, Malaysia, Campuchia, Lào …Đặc biệt loài này khác hẳn với loài dơi chúng ta thấy trong thành phố, chúng ăn trái cây và định vị bằng khứu giác và thính giác. Do đó tai, mắt , mũi phát triển và có màu vàng đen. Loài này tập quán ban ngày ngủ trên những cây đước cao và ban đêm bay đi kiếm ăn, chúng có thể bay xa liền một mạch 60 dặm (khoảng km) để kiếm ăn. Đến với đầm dơi này, chúng ta sẽ nghe và thấy sự ồn ào náo nhiệt của chúng. Khu vực dơi làm tổ nằm ngay trung tâm khu Đầm Dơi bao bọc bởi những con sông, rạch và đầm tôm. Đặc biệt khu vực này chủ yếu là rừng đước được trồng từ năm 1979 nên rất to lớn. Số lượng Dơi những năm 1998,1999 vào khoảng 3.000 con, nhưng đến nay đã giảm đáng kể do trong quá trình đi kiếm ăn, dơi bị con người bẫy lưới. Ngòai ra, dơi cũng bị một số loài chim, động vật đe dọa như chim ưng, rắn, chồn, cú. Tính đến tháng 7/2003 số lượng chỉ còn khoảng 300 con.
Sân Chim
Tổng diện tích sân chim là 602,5 ha trong đó vùng lõi là 126,2 ha và vùng đệm là 476,3 ha. Cây rừng chủ yếu là các lòai sống trên vùng đất cao của rừng ngập mặn như: chà là, giá, dà, tra, ráng… Nhờ có vùng đệm tương đối rộng nên có khả năng là khu dự trữ cho sự phát triển các bầy chim trong tương lai. Hướng về phía bắc của sân chim là khu rừng tự nhiên rộng 199 ha và các đầm nuôi tôm. Sân chim Vàm Sát có 26 loài, trong đó có 11 loài chim nước. Cò và vạc thường làm tổ trên cây chà là và dà, trong đó chà là là cây có gai nên được chim nhọn làm tổ nhiều hơn để giữ tổ chim chặt không bị rơi và các loài như rắn, khỉ không thể trèo lên lấy trứng hay bắt chim non. Chim thường đẻ vào mùa mưa từ tháng 5-10, mỗi lần đẻ từ 1-3 trứng/tổ. Chim non sống trong tổ cho đến khi được chim mẹ tập bay. Nguồn thức ăn nơi đây rất dễ tìm và phong phú nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt và các đầm nuôi tôm xung quanh.
Tháp Tang Bồng
Ngoài việc là một khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng ngập mặn Cần Giờ trước đây còn là căn cứ địa cách mạng, một di chỉ văn hóa - lịch sử nổi tiếng, ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đặc công rừng Sác đã làm nhiệm vụ tại đây, khu du lịch sinh thái Vàm Sát đã dựng lên một ngọn tháp cao 28 mét đặt tên Tang Bồng, hình cánh cung biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của tuổi trẻ các thế hệ cha anh trong chiến tranh. Khi lên đỉnh tháp. Khách tham quan sẽ chiêm ngưỡng được toàn cảnh vẻ đẹp quyến rũ của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Vườn sưu tập thực vật
Môi trường của rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện rất đặc biệt: là một hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Là một vùng ven biển có nhiều cửa sông, rừng ngập mặn Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa và chất dinh dưỡng từ thượng nguồn và lưu vực của các con sông và dưới sự ảnh hưởng của biển, thủy triều đã hình thành hệ thực vật rừng Sác phong phú về các chủng loại.
Khu bảo tồn động vật
Cần Giờ trước đây nổi tiếng với nhiều loài thú dữ hoạt động khắp vùng như: hổ, heo rừng. Nhưng theo thời gian cùng với sự tàn phá của chiến tranh và sự xâm lấn của con người, một số loài đã biến mất. Những loài còn tồn tại số lượng rất ít với nguy cơ bị săn bắn cao. Khu du lịch Vàm Sát đã và đang cố gắng tạo một môi trường tự nhiên và an toàn nhất để thu hút các loài động vật quay về vừa để bảo vệ chúng, vừa khôi phục môi trường tự nhiên sau bao năm bị tàn phá. Số lượng và chủng loại đang thuần dưỡng hiện nay không nhiều: nai, kỳ đà, cá sấu, heo rừng, rái cá…
Nguồn : TVOL